Độc đáo nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đình Tám Mái

Huy Thư 17/08/2022 16:09

(Baonghean.vn) - Đình Tám Mái ở xã Diễn Hoàng (Diễn Châu) không chỉ là di tích lịch sử nổi tiếng, mà còn là công trình cổ có kiến trúc, điêu khắc độc đáo.

Đền Tám Mái ngoảnh mặt về phía Tây- Nam, tọa lạc trên một vùng đất cao ráo ở làng Hoàng Hà, xã Diễn Hoàng. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa. Ảnh: Huy Thư

Đình Tám Mái hiện có 2 công trình chính là hạ đình và thượng đình gắn liền nhau được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, khung gỗ, mái ngói, tường xây gạch mộc. Ảnh: Huy Thư

Hạ đình là ngôi nhà 3 gian 2 hồi có 3 cửa ra vào được xây dựng theo lối trồng diêm, 2 tầng 8 mái. Có lẽ vì kiến trúc độc đáo này, nên từ xa xưa ngôi đình cổ được dân địa phương gọi là đình Tám Mái. Ảnh: Huy Thư

Hạ đình mang dáng dấp kiến trúc cung điện kiểu thượng lầu, hạ đình. 4 mái ngói của tầng lầu nhỏ hơn và cao hơn tầng dưới gần 2m. Ảnh: Huy Thư.

Trên các mái ngói, đặc biệt là trên các bờ dải tầng lầu có đắp hình lưỡng long triều nguyệt, 2 đầu nóc có 2 con nghê chầu vào giữa... trông rất cổ kính và uy nghi. Ảnh: Huy Thư

Đứng dưới nhìn lên thấy các mái ngói đình Tám Mái uốn cong với một tỷ lệ cân xứng, đăng đối, hài hòa. Ảnh: Huy Thư

Bên trong hạ đình (nhìn dọc) có 4 dãy cột, trong đó 2 dãy cột ở giữa cao 5,5m, hai dãy cột bên cao 3,5m. Tầng lầu của đình không tạo nên diện tích sử dụng nhưng nó nâng cao tầm thế uy nghi của ngôi đình. Ảnh: Huy Thư

Các kết cấu gỗ trong hạ đình như xà, cột kê, đầu khấu... đều được chạm trổ điêu khắc công phu. Ảnh: Huy Thư

Đặc biệt hai mặt bên của những chiếc kẻ trước ở hạ đình được điêu khắc tinh xảo những đề tài "tứ linh" truyền thống với nghệ thuật chạm lộng, chạm bong kênh đạt trình độ xuất sắc. Ảnh: Huy Thư

Trên những bức tường của hạ đình còn được đắp nổi phù điêu hình ảnh ngựa, tướng canh, cuốn thư... Ngoài ra còn có những bức vẽ hình rồng, phượng... sống động, uyển chuyển. Trong ảnh: Bức vẽ chim phượng cổ xưa trên mặt trước đình Tám Mái. Ảnh: Huy Thư

Đình Tám Mái thờ Bạch Y công chúa và những vị thần có công với dân với nước. Tồn tại lâu đời, đình là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử tại địa phương và đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2008. Ông Nguyễn Sơn (69 tuổi) - người trông coi đình Tám Mái cho biết: Hiện đình đã xuống cấp nặng nề, mái đình nhiều chỗ bị rụng ngói, một số kết cấu nghệ thuật bị gãy đổ... cần được trùng tu tôn tạo. Ảnh: Huy Thư

Huy Thư