Chàng trai lập website, fanpage để lan toả tiếng Nghệ

Phước Anh 18/08/2022 09:24

(Baonghean.vn) - “Cái gầu thì bảo cái đài/Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi/Chộ tức là thấy mình ơ i/Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em ” - những câu thơ mà Nguyễn Bùi Vợi viết về thứ tiếng mà “Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn” ấy, là tiếng Nghệ thân yêu. Tiếng Nghệ của người xứ Nghệ, chân chất, đậm đà, sâu lắng, khiến nhiều người xa quê, dẫu chỉ nghe một câu hát, thoảng một lời chào, đã nhức lên trong lồng ngực những nhịp nhớ thương. Bởi thế, người Nghệ muôn phương đã vui biết bao nhiêu khi thoả nỗi nhớ tiếng quê, người quê, qua kênh “Tiếng Nghệ” trên các nền tảng mạng xã hội. Người sáng lập nên các kênh này là một người trẻ xứ Nghệ.

Lưu giữ, lan toả văn hoá xứ Nghệ

Gõ tìm kiếm từ khoá “Tiếng Nghệ” trên công cụ tìm kiếm Google, hiện ra hàng loạt kết quả website, fanpage, kênh YouTube…, trong đó, nổi bật có các “kênh” do Đặng Đức Lộc sáng lập. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất xứ Nghệ gió Lào bỏng rát, song hơn chục năm nay, Lộc sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trò chuyện với Lộc, nếu không tinh ý, dễ mà lầm tưởng chàng trai này là người miền Nam chính hiệu, bởi chất giọng đặc quánh “anh Hai Sài Gòn”.

“Em có thể nói chuẩn giọng miền Nam để thuận tiện giao tiếp với người ngoài trong công việc; song với người thân và đồng hương, hoặc những khi trở về quê, em luôn dùng đúng tiếng nói quê mình. Bởi em nghĩ rằng, với những người cùng quê, việc dùng tiếng quê ta sẽ thể hiện được cảm xúc rõ ràng hơn, chân thật hơn” - Đặng Đức Lộc chia sẻ.

Đặng Đức Lộc - người sáng lập các kênh Tiếng Nghệ trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC

Sống xa quê nhưng luôn nhớ về quê, bên cạnh thường xuyên cập nhật những tin tức thời sự địa phương, Lộc còn tham gia vào các nhóm đồng hương trên mạng xã hội; trong đó, đầu năm 2019, Lộc là thành viên của một nhóm có tên là “CLB Nghệ ngữ”. Ở đó, Đặng Đức Lộc vui mừng khi gặp rất nhiều bà con xứ Nghệ xa quê, điểm chung của họ là yêu tiếng Nghệ. Họ chia sẻ cho nhau những bài thơ, bài văn, những câu chuyện, câu nói xưa và nay bằng tiếng Nghệ thân thương.

Lộc tâm sự: “Em vẫn nhớ rõ cảm xúc thổn thức khi lần đầu tiên tham gia nhóm “chỉ nói giọng Nghệ” này. Khoảnh khắc đó em cảm thấy như mình được “sống lại” trong không gian gần gũi, ấm áp của tình cảm quê nhà - điều mà hơn 10 năm sống ở thành phố phương Nam, em ngỡ như đã lãng quên đi”.

Tuy nhiên, một thời gian sau, nhóm “CLB Nghệ ngữ” hơn 100.000 thành viên bị hacker chiếm quyền, đổi tên. Tiếc nuối vì mất đi một diễn đàn lành mạnh kết nối với đồng hương, chàng trai trẻ nảy ra ý tưởng gây dựng một Website, một Fanpage và các kênh khác như Youtube, Twitter để lưu giữ những giá trị vô hình của tiếng Nghệ - vốn rất dễ bị “trôi đi” trên mạng xã hội.

Lộc cho biết, khi thành lập các kênh “Tiếng Nghệ”, em không có mong muốn gì hơn ngoài việc gắn kết những người con xứ Nghệ, để cùng lưu giữ, lan tỏa tiếng Nghệ. Chàng trai trẻ trăn trở trước thực trạng dường như tiếng Nghệ mai một dần, những người trẻ xa quê lập nghiệp ít khi, hoặc thậm chí không nói tiếng Nghệ nữa, và lớp người già theo con cháu ly hương cũng dần “phổ thông hoá” tiếng nói của mình. Xa hơn nữa, Đặng Đức Lộc mong mỏi qua các kênh “Tiếng Nghệ”, có thể giới thiệu được nhiều hơn về đất và người quê hương đến cư dân ngoại tỉnh.

Thành lập từ năm 2019, ban đầu Tiếng Nghệ chỉ là một Fanpage, sau đó Lộc xây dựng Website https://nghengu.vn/ và kênh YouTube. Đến nay, “Tiếng Nghệđã gần 3 tuổi, với gần 1.000 bài viết về thơ văn tiếng Nghệ, các bài giới thiệu về quê hương xứ Nghệ; trong đó Website https://nghengu.vn/ có hơn 23.000 lượt truy cập mỗi tháng và Fanpage có hơn 5.000 lượt người yêu thích.

Trên các kênh “Tiếng Nghệ”, dễ nhận thấy sự đa dạng trong nội dung. Ngoài các bài thơ tiếng Nghệ, Lộc còn đặc biệt sáng tạo khi “bắt trend” xu hướng người dùng mạng xã hội. Nào là “Top 50 câu thả thính bằng tiếng Nghệ An”, nào là “Top 8 câu nói tiếng Nghệ cơ bản cho người ngoại tỉnh”, rồi thì “Học tiếng Hà Tĩnh cấp tốc”… Không chỉ tiếng nói, Lộc còn đăng tải những nội dung về văn hoá, ẩm thực xứ Nghệ, như “3 cách bảo quản hành tăm không hỏng của người Nghệ An”, “Cách nấu cá kho lá nghệ chuẩn vị người Nghệ”… rất thu hút người truy cập.

Giao diện website Tiếng Nghệ do Đặng Đức Lộc sáng lập. Ảnh chụp màn hình.

Kết nối tình quê

“Thực lòng, khi bắt đầu, em không có một kế hoạch rõ ràng cho sự phát triển của các kênh “Tiếng Nghệ”. Em chỉ bắt đầu bằng một cảm xúc, một sự thổn thức, một sự lay động khi đọc, nghe tiếng nói quê mình” - Lộc tâm sự. Thậm chí, cũng có thời gian, vì công việc cá nhân, Đặng Đức Lộc đành “bỏ bê” dự định ấy, song sau đó, dường như “giọng Nghệ tự tìm về”, Lộc thấy mình không thể để “Tiếng Nghệ” dở dang được nữa. Thế là Lộc dành nhiều thời gian hơn cho các kênh “Tiếng Nghệ”, tập trung sưu tầm, viết, chụp ảnh, phỏng vấn và chia sẻ đến những ai quan tâm.

Ngoài thôi thúc tự thân từ tình yêu với quê hương, chính tình cảm của những người Nghệ xa quê đã tiếp thêm nhiều động lực cho Đặng Đức Lộc trên hành trình lưu giữ, lan toả tiếng Nghệ thân thương. Lộc cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây, em nhận được rất nhiều tin nhắn, email trao đổi về tiếng Nghệ. Điểm đặc biệt, ngoài những người Nghệ đang sinh sống trên quê hương mình thì còn rất nhiều người Nghệ xa quê ở châu Âu, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản… nhắn tin hỏi thăm. Như có một bác hiện đang sinh sống ở Nga tâm sự rằng “lâu lắm rồi mới nghe được tiếng quê mình. Hơn nữa, trên đây bác còn bắt gặp những hình ảnh thuở nhỏ như “cấy cươi”, “chạc mụi”, “đọi nhút mít”… rất cảm động”. Hay một bác người Huế, cứ mỗi bài tiếng Nghệ đăng lên, bác đều nhắn bảo: “Bác hiểu và dịch được hết, vì tiếng Nghệ và tiếng Huế gần giống nhau”. Nhưng có một hôm, bác nhắn tin lại rằng “với bài thơ tiếng Nghệ này bác chịu thua, tiếng Nghệ hay quá, phong phú quá”.

Tiếng Nghệ chân chất, đặm đà, phản ánh tính cách và con người xứ Nghệ. Ảnh minh hoạ: Quốc Đàn

Bên cạnh đó, còn một số bạn đọc trẻ ở nhiều tỉnh, thành nhắn, nhờ… dịch tiếng Nghệ, hoặc xin học tiếng Nghệ để hiểu những từ như “mần du”, “lấy gấy”… bởi có người yêu, hoặc vợ/chồng là người quê Nghệ. Vui hơn, trên Fanpage “Tiếng Nghệ”, có nhiều bạn trẻ người Nghệ đã gắn thẻ bạn bè, người yêu vào để hỏi han, giao lưu, gắn kết…

Từ các kênh “Tiếng Nghệ”, Đặng Đức Lộc cũng có thêm nhiều niềm vui khi kết nối được với những tác giả làm thơ bằng tiếng Nghệ. Lộc chia sẻ: “Em có dịp trò chuyện với bác Thịnh Lài (ở TP. Vinh, Nghệ An), là một tác giả viết thơ tiếng Nghệ rất hay. Khi em hỏi, vì sao bác viết thơ bằng tiếng Nghệ, thì bác trả lời rằng: “Tiếng quê ta thân thiện, và thể hiện được chính xác điều mình muốn nói. Ví như, viết bài thơ có hình ảnh cha dậy đi cày, mẹ nấu nồi khoai ăn với cà, thì có lẽ chỉ tiếng Nghệ mới nói hộ lòng mình được, giúp mình sống lại một thời xa vắng”.

“Càng tìm hiểu tiếng Nghệ, em càng thấy ẩn sâu trong đó chính là tính cách, cuộc sống, hình ảnh của con người xứ Nghệ. Trong một số trường hợp, chỉ có dùng tiếng Nghệ mới thấy đã tai và nghe đặm đà” - Đặng Đức Lộc chia sẻ thêm. Cái chất đặm đà trong tiếng nói và tính cách của người Nghệ ấy hiện rõ trong Lộc, để thêm khẳng định cái quyết tâm lưu giữ và lan toả một nét văn hoá xứ Nghệ đến muôn phương…

Phước Anh