Ảm đạm các làng nghề đóng tàu thuyền ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Do gặp nhiều khó khăn, đơn đặt hàng ít, thiếu vốn, thiếu lao động nên các cơ sở đóng tàu, thuyền ở Nghệ An đang hoạt động lay lắt, có nhiều cơ sở đã phải đóng cửa.
Cơ sở đóng tàu, thuyền của chị Nguyễn Thị Tâm ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) vắng vẻ. Ảnh: Văn Trường. |
Tìm về các cơ sở đóng tàu, thuyền ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu không còn thấy không khí lao động sôi nổi như trước đây, thay vào đó là hình ảnh vắng vẻ, đìu hiu. Quan sát tại xưởng đóng tàu thuyền của chị Nguyễn Thị Tâm thấy cả khu vực này cỏ mọc um tùm, hệ thống máy cưa, các thiết bị đóng tàu thuyền bị rỉ rét.
Chị Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: Gia đình tôi chung vốn vào xưởng đóng tàu này trên 4 tỷ đồng, trước đây mỗi năm đóng mới từ 8-10 tàu lớn, nhưng 2-3 năm nay không đóng mới được con tàu nào, chủ yếu là duy tu, bảo dưỡng một số tàu xuống cấp, hư hỏng nhẹ. Nguyên nhân là do mấy năm nay xăng dầu tăng giá, tàu thuyền ra khơi bị lỗ nên nhiều ngư dân không mặn mà ra khơi.
Một số khu vực đóng tàu thuyền nay làm nơi thả dê. Ảnh: Văn Trường |
Kề bên là xưởng đóng tàu thuyền Hùng Tráng, xã Quỳnh Thọ cũng đã nghỉ đóng tàu thuyền mấy năm nay. Ông Nguyễn Tráng - chủ cở sở đóng tàu tâm sự: Mấy năm nay cũng không có ai đặt hàng đóng mới, công nhân nghỉ việc chuyển đổi sang nghề khác. Mặt bằng đóng tàu thuyền không sử dụng tôi đã đầu tư xây dựng bể bơi để kiếm thêm thu nhập.
Ông Trần Huy Vinh - Bí thư Đảng uỷ xã Quỳnh Thọ cho biết: Địa bàn xã Quỳnh Thọ có 3 cơ sở đóng tàu thuyền, chủ yếu 5-6 hộ gia đình chung nhau 1 cơ sở. Thời thịnh vượng, các cơ sở trên tạo việc làm cho 70-80 lao động địa phương. Do khó khăn nhiều mặt nên đến nay cơ sở đóng tàu thuyền của anh Trần Văn Tùng đã “đóng cửa”, còn 2 cơ sở hoạt động cầm chừng.
Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Nghề đóng tàu thuyền ở địa bàn huyện Quỳnh Lưu chủ yếu tập trung ở các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, thời cao điểm hàng năm đóng mới 30-40 tàu thuyền công suất lớn.
Nhà xưởng, máy móc thiết bị đóng tàu bỏ hoang. Ảnh: Văn Trường |
Tuy nhiên, mấy năm nay hầu hết ngư dân không đóng tàu mới, nguyên nhân chính là do các chính sách hỗ trợ không còn, bên cạnh đó, phương tiện tàu thuyền gần như “bão hòa”, chưa kể hoạt động đánh bắt hải sản hiệu quả không cao do giá cả vật tư tăng, lao động khan hiếm.
Cùng chung cảnh ngộ trên, tại các cơ sở đóng tàu thuyền ở phường Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai cũng hoạt động cầm chừng. Có mặt tại xưởng đóng tàu thuyền của ông Trần Đình Thọ ở xóm Tân Thành, xã Quỳnh Lập một thời sôi động là vậy nhưng nay cũng bỏ hoang. Ông Nguyễn Văn Nho - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập chia sẻ: Địa bàn xã Quỳnh Lập có 2 cơ sở đóng tàu thuyền, trước đây đóng những con tàu có quy mô trên 10 tỷ đồng.
Sau khi một số chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thuyền hết hiệu lực, các xưởng đóng tàu ở xã Quỳnh Lập cũng nghỉ đóng mới, hiện nay chỉ còn duy nhất xưởng đóng tàu của gia đình ông Trần Đình Ánh đang hoạt động nhưng chỉ duy tu sửa chữa tàu cũ.
Một số diện tích ở cơ sở đóng tàu thuyền ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) được chuyển đổi sang làm bể bơi. Ảnh: Văn Trường |
Làng nghề đóng tàu Trung Kiên nổi tiếng ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc cũng trong cảnh tương tự. Toàn xã Nghi Thiết có 33 xưởng đóng tàu thì chỉ có 4-5 xưởng hoạt động. Hầu hết các xưởng không có đơn đặt hàng đóng tàu mới, nguồn thợ đóng tàu thuyền ngày càng thiếu hụt. Một số chủ xưởng phải đi tìm kiếm, các đơn hàng đóng tàu ở các tỉnh khác để duy trì việc làm, cố gắng giữ nghề truyền thống.
Ông Trần Như Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác thủy hải sản Nghệ An cho biết: Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 42 cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, trong đó có 9 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu thuyền.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở, làng nghề đóng tàu thuyền đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều tàu thuyền khai thác không hiệu quả, ngư trường khai thác thuỷ sản bị thu hẹp; nguồn lợi thuỷ sản có dấu hiệu suy giảm, giá sản phẩm thủy sản khai thác không tăng.
Các cơ sở đóng tàu Quỳnh Lưu tồn tại lay lắt, chủ yếu duy tu bảo dưỡng các tàu thuyền cũ. Ảnh: Văn Trường |
Trong khi đó, chi phí đầu vào các loại vật tư, công lao động mỗi chuyến đi biển ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, ngành chức năng cấp giấy phép theo hạn ngạch khai thác vùng khơi, vùng lộng, vùng ven bờ nên việc đóng mới tàu cá phải theo quy định để khai thác hợp lý từng vùng biển, không thể đóng tàu mới theo kiểu đại trà...
Thiếu lao động đóng tàu thuyền
21/12/2015
Tạo điều kiện cho nhân dân trong việc đóng mới tàu thuyền
24/11/2015