Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ V tại Nghệ An

Phạm Bằng 24/08/2022 18:33

(Baonghean.vn) - Chiều 24/8, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp Lào tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ V.

Tham dự hội nghị, về phía Lào có các đồng chí: Phây- vi- Xi-bua-li-pha - Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Văn-nà-xay Thếp-thị-lát - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư pháp; lãnh đạo Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án 10 tỉnh.

Về phía Việt Nam có các đồng chí: Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Biên phòng; lãnh đạo 10 tỉnh của Việt Nam có đường biên giới chung với Lào.

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ V. Ảnh: Phạm Bằng

GÓP PHẦN BẢO ĐẢM CUỘC SỐNG BÌNH YÊN CỦA NGƯỜI DÂN VÀ GIỮ GÌN ĐƯỜNG BIÊN GIỚI HOÀ BÌNH 2 NƯỚC

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, đồng chí Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ V là cần thiết và có ý nghĩa hết sức thiết thực.

Hội nghị sẽ đánh giá một cách khách quan và đầy đủ tình hình triển khai thực hiện kết luận của Hội nghị lần thứ IV, tiếp tục đưa ra những kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện cơ chế phối hợp linh hoạt, kịp thời và thực chất hơn giữa 2 Bộ Tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp địa phương các tỉnh đường biên và một số tỉnh khác của 2 nước Việt Nam - Lào, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sinh sống dọc biên giới 2 nước được ổn định cuộc sống và bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng mà Hiến pháp của 2 nước đã dành cho họ.

Đồng chí Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Tư pháp Lào Phây vi Xi-bua-lị-pha nhấn mạnh, Bộ Tư pháp Lào luôn coi việc phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng được tổ chức định kỳ là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Việc tổ chức hội nghị nhằm tạo ra một diễn đàn hiệu quả để các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự địa phương của các tỉnh có chung đường biên giới thảo luận, đề xuất những giải pháp tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự 2 nước, góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân và gìn giữ đường biên giới hòa bình Lào - Việt Nam.

Đồng chí Phây vi Xi-bua-lị-pha - Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh, Nghệ An là tỉnh có vị trí quan trọng, vừa hội tụ các yếu tố chung, đồng thời có nhiều yếu tố mang tính đặc thù và riêng biệt; có đường biên giới chung với nước bạn Lào dài nhất cả nước với hơn 468 km; tiếp giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bôlykhămxay.

Nhấn mạnh việc thực hiện các hoạt động hợp tác toàn diện với các địa phương của nước bạn Lào luôn được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt của Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến nay, bên cạnh hợp tác truyền thống với 3 tỉnh có chung đường biên giới là Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Nghệ An đã mở rộng quan hệ hợp tác với Thủ đô Viêng Chăn, các tỉnh: Khăm Muộn, Sa Vẳn Na Khẹt, Xay Sổm Bun.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu chào mừng hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Riêng về hoạt động tư pháp, trước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; ngành Tư pháp của 2 nước ngày càng được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới và đã khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Cùng với việc tăng cường công tác tổ chức xây dựng ngành, Sở Tư pháp Nghệ An đã triển khai các nhiệm vụ một cách toàn diện, đồng bộ ở các cấp, nhiều mặt công tác đã đi vào chiều sâu, có nề nếp và chất lượng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh của Lào tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Đặc biệt, Sở Tư pháp Nghệ An đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tham mưu UBND tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện thành công Thỏa thuận giữa Chính phủ nước bạn Lào và Chính phủ Việt Nam về di cư tự do, kết hôn không giá thú tại vùng biên giới; Đã tổ chức ký kết hợp tác về công tác tư pháp giữa Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An và Sở Tư pháp các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn.

Hiện nay có 211 người Lào sinh sống trên địa bàn các xã biên giới của Nghệ An được nhập quốc tịch Việt Nam, với cuộc sống ổn định, sống hòa đồng trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

TẠO ĐỘNG LỰC MỚI CHO QUAN HỆ HỢP TÁC HỮU NGHỊ VIỆT NAM - LÀO

Hội nghị đã nghe 6 tham luận chính của phía Việt Nam phía Lào với những đánh giá tương đối toàn diện và sâu sắc về quan hệ hợp tác tư pháp giữa 2 nước trong thời gian qua. Kể từ sau hội nghị lần thứ IV, công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, giải quyết các vấn đề quốc tịch tại các tỉnh biên giới Việt Nam-Lào ngày càng được tăng cường; các cơ quan tư pháp các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào tích cực phối hợp thực hiện Thỏa thuận giữa 2 Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam và tỉnh Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Hội nghị đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào, các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự 2 nước trong việc triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị đường biên lần thứ IV, phối hợp giải quyết nhiều nhiệm vụ công tác tư pháp ở địa phương. Đặc biệt, hội nghị đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan tư pháp 2 nước trong việc thực hiện Thỏa thuận giữa 2 Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới 2 nước.

Đến thời điểm hiện tại, số người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú cư trú tại Việt Nam được Trưởng đoàn đại biểu biên giới 2 nước phê duyệt và đã được giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam là 1.516/1.836 trường hợp; số người Việt Nam di cư tự do và kết hôn không giá thú cư trú tại Lào được Trưởng đoàn đại biểu biên giới 2 nước phê duyệt và đã được giải quyết nhập Quốc tịch Lào là 2.726/6.571 trường hợp.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp Lào tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Về các hoạt động trong thời gian tới, hội nghị đã thống nhất việc Bộ Tư pháp 2 nước tiếp tục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên để giải quyết các trường hợp người di cư tự do Việt Nam đang cư trú tại Lào, đã có tên trong Danh sách được Trưởng đoàn đại biểu biên giới 2 nước phê duyệt, có nguyện vọng được nhập Quốc tịch Lào nhưng chưa được nhập quốc tịch, cố gắng sớm hoàn thành trước tháng 6/2023.

Bộ Tư pháp 2 nước sớm hoàn tất việc đàm phán để ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, nâng cao hiệu quả thực hiện các yêu cầu ủy thác tư pháp về dân sự; tăng cường phối hợp trong các hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp đa phương và khu vực, trong đó, có việc phối hợp triển khai thực hiện sáng kiến của Việt Nam về tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự trong ASEAN.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp Lào phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho công dân 2 nước sinh sống ở khu vực đường biên; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thi hành án dân sự; phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình hợp tác hàng năm để thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 giữa 2 Bộ Tư pháp.

Kết luận hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào bày tỏ tin tưởng, những kết quả quan trọng đạt được tại hội nghị sẽ tiếp tục tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt, toàn diện giữa 2 ngành Tư pháp Lào và Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc gìn giữ quan hệ chung giữa 2 nước cũng như vào việc xây dựng khu vực Đông Nam Á, châu Á hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào ký kết Chương trình hợp tác năm 2023. Ảnh: Phạm Bằng

Sở Tư pháp tỉnh Sơn La (Việt Nam) và Sở Tư pháp tỉnh Xay-nha-bu-li (Lào) ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Phạm Bằng

Tại Hội nghị, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào đã ký kết Chương trình hợp tác giữa 2 nước năm 2023; Sở Tư pháp tỉnh Sơn La (Việt Nam) và Sở Tư pháp tỉnh Xay-nha-bu-li (Lào) ký thỏa thuận hợp tác./.

Phạm Bằng