Khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến trong giải ngân đầu tư công

Phạm Bằng 25/08/2022 19:09

(Baonghean.vn) - Làm việc với lãnh đạo 4 tỉnh: Nghệ An, Khánh Hoà, Phú Yên, Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị các địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm với mục tiêu giải ngân 100% vốn.

Chiều 25/8, Tổ công tác số 6 của Chính phủ do đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng đã trực tiếp kiểm tra, làm việc trực tiếp và trực tuyến với lãnh đạo UBND 4 tỉnh: Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hoà, Sóc Trăng nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm việc trực tiếp và trực tuyến với 4 tỉnh Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hoà, Sóc Trăng về giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: mof.gov.vn

TỶ LỆ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG ĐẠT THẤP

Ngày 2/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 Tổ công tác nhằm tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến ngày 31/7/2022 dưới mức trung bình của cả nước (34,47%). Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho 4 tỉnh: Nghệ An, Khánh Hoà, Phú Yên, Sóc Trăng là hơn 23.294 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là hơn 13.469 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương là hơn 7.86 tỷ đồng. Đến nay, tổng số vốn đã được phân bổ chi tiết của 4 địa phương là hơn 22.940 tỷ đồng.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, ước thực hiện 8 tháng, 4 địa phương đã giải ngân hơn 7.239 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch Thủ tướng giao và đạt 31,6% kế hoạch địa phương triển khai. Cụ thể, tỉnh Nghệ An đạt 32,8%, ước 8 tháng đạt 50,6%; tỉnh Khánh Hoà đạt 31,4%, ước 8 tháng đạt 40,1%; tỉnh Phú Yên đạt 26,3%, ước 8 tháng đạt 28,6%; tỉnh Sóc Trăng đạt 30,9%, ước 8 tháng đạt 37,2%.

Bộ Tài chính cho rằng, sau 2 đợt kiểm tra cho thấy các địa phương có chuyển biến về công tác giải ngân. Các địa phương đều ước giải ngân cả năm đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, tại 4 địa phương còn khoảng 125 dự án chưa giải ngân hoặc số giải ngân rất thấp so với kế hoạch vốn được giao.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo 4 tỉnh đã báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công và nêu lên các khó khăn, vướng mắc thực tế. Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã giải thích, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh báo cáo kết quả giải ngân và một số khó khăn, vướng mắc của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2022 tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 10.685 tỷ đồng. Tính đến ngày 25/8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 35,72% kế hoạch, nếu không tính Chương trình mục tiêu quốc gia mới được giao đã giải ngân đạt hơn 40% kế hoạch.

Theo đồng chí Lê Hồng Vinh, nguyên nhân vốn đầu tư công giải ngân chậm là do nhiều dự án khởi công mới nên các bước thủ tục đầu tư, thẩm định, giải phóng mặt bằng... mất rất nhiều thời gian. Giá vật liệu xây dựng tăng đột biến dẫn đến dự toán vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt, dẫn đến điều chỉnh đầu tư nên chậm. Bên cạnh đó, giá đất thị trường cao hơn giá đất nhà nước thu hồi nên một số người dân chưa đồng thuận... Song, Nghệ An cam kết quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2022.

CHỦ ĐỘNG KHẮC PHỤC TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mà còn góp phần kiềm chế lạm phát. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nếu như không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công thì phải kiểm điểm người đứng đầu, đồng thời thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn.

Trên cơ sở các vướng mắc về cơ chế chính sách của các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho các bộ rà soát kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách trực tiếp liên quan đến triển khai các dự án đầu tư, trong đó có dự án đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kết luận buổi kiểm tra, làm việc. Ảnh: mof.gov.vn

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, các sở chuyên ngành rà soát các vướng mắc liên quan các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức triển khai các dự án đầu tư công, gây ách tắc trong giải ngân; đề xuất các giải pháp sửa đổi để gửi các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách cho phù hợp.

Nhấn mạnh thời gian thực hiện đầu tư công năm 2022 chỉ còn 4 tháng và thời gian để thực hiện giải ngân vốn là 5 tháng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, yêu cầu giải ngân 100% vốn kế hoạch giao là nhiệm vụ rất nặng nề, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Vì vậy, 4 địa phương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm; phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án, chủ động vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả.

Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân; tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết khó khăn vướng mắc, ban quản lý dự án, nhà thầu phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, cam kết về tiến độ thực hiện dự án.

Cùng với đó, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân vốn, nhất là những dự án được bố trí vốn kế hoạch năm 2022 nhưng đến nay chưa giải ngân vốn để bố trí cho các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ dự án đường ven biển. Ảnh: Phạm Bằng

Mặt khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, cần phải tăng việc thanh toán theo hình thức trực tuyến trên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia để chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Thực hiện công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường, tạo điều kiện để xác định đúng chi phí cho đầu tư công theo đúng hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án./.

Phạm Bằng