'Một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng'
(Baonghean.vn) - Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942), nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An, người chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng chí đã thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: Sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân...
Tuổi thơ và con đường đến với cách mạng
Mảnh đất làng Đông, thuộc tổng Thông Lãng xưa, nay là xã Hưng Thông (Hưng Nguyên) chỉ cách thành phố Vinh khoảng 6 km. Hưng Nguyên nổi tiếng trù phú, nhưng Thông Lãng thì đất đai khô cằn, dân gian xưa vẫn truyền nhau câu "Cây đa ba chánh, chín cồi/Ai về Thông Lãng cạp cồi lồ ngô”. Và chính tại nơi đây, năm 1902 cậu bé Lê Huy Doãn (tức Lê Hồng Phong) cất tiếng khóc chào đời...
Lê Huy Doãn sinh ra trong một gia đình nhà nho. Thân sinh là ông Lê Huy Quán, hậu duệ đời thứ 12 của dòng họ Lê ở Nghệ An. Dòng tộc ông Lê Huy Quán nhiều người đỗ đạt. Ông là người có học, song con đường khoa cử không được may mắn. Thân mẫu của Lê Huy Doãn là bà Phạm Thị Thứ (thường gọi là bà Sáu). Bà Sáu quê ở tổng Hoa Nam (Nam Đàn). Bà là người có tiếng trong vùng về sự thông minh, nết na và giữ gìn khuôn phép, gia giáo.
Ông bà Lê Huy Quán sinh hạ được 2 trai, 3 gái. Lê Huy Doãn là con thứ tư. Từ thuở nhỏ, cậu bé Lê Huy Doãn đã có dung mạo khôi ngô, cao lớn. Anh em Lê Huy Doãn được cha mẹ tạo điều kiện cho học hành. Với tư chất thông minh, ham học, khi còn nhỏ tuổi, Lê Huy Doãn học chữ Hán ở trường làng. Sau đó, anh học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp.
Chân dung cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Tư liệu |
Sau khi tốt nghiệp Sơ học yếu lược ở Vinh, Lê Huy Doãn không thể tiếp tục con đường học tập vì cha của anh – trụ cột chính của gia đình qua đời, trong khi người mẹ già đau yếu, gia cảnh quá ngặt nghèo. Lê Huy Doãn đi làm công cho một hãng buôn ở Vinh, sau vào làm công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy. Thời gian này, Lê Huy Doãn kết bạn với Phạm Thành Khôi (tức Phạm Hồng Thái - nhà hoạt động trong Phong trào Đông Du và là người đặt bom ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Merlin vào năm 1924); hai người trở thành bạn bè, đồng chí thân thiết trên con đường cách mạng về sau. Cuối năm 1923, do tích cực vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi, phản đối chính sách hà khắc của giới chủ, nên Phạm Thành Khôi và Lê Huy Doãn bị chủ đuổi việc.
Tháng 1 năm 1924, dưới sự tuyển mộ và tổ chức của cụ Vương Thúc Oánh, con rể cụ Phan Bội Châu, 15 thanh niên, trong đó có Phạm Thành Khôi và Lê Huy Doãn tìm đường sang vùng Đông Bắc Thái Lan hoạt động cách mạng. Lê Huy Doãn đổi tên mới là Lê Hồng Phong, Phạm Thành Khôi đổi thành Phạm Hồng Thái. Sau một thời gian ở lại Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa tại Phichit (Thái Lan), hai người được lựa chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc).
Tại Quảng Châu, tháng 4 năm 1924, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái được kết nạp vào Tâm Tâm xã - một tổ chức tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước. Vào ngày 19 tháng 6 năm 1924, khi viên Toàn quyền Đông Dương Merlin trên đường sang Nhật ghé qua Quảng Châu dự tiệc ở Sa Diện, Phạm Hồng Thái được giao nhiệm vụ ám sát tên thực dân khét tiếng này. Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn được giao nhiệm vụ yểm trợ cho Phạm Hồng Thái. Sự việc không thành, Phạm Hồng Thái hy sinh.
Trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô
Nửa cuối năm 1924, Lê Hồng Phong vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố. Tháng 11 năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô tới Quảng Châu. Khoảng tháng 12 năm 1924, Lê Hồng Phong đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, và từ đây, dưới sự dẫn dắt, đào tạo của Người, Lê Hồng Phong trở thành cán bộ ưu tú của cách mạng, một chiến sỹ cộng sản quốc tế kiên cường. Tháng 2 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc chọn Lê Hồng Phong và một số thanh niên ưu tú thành lập nhóm Cộng sản đoàn, sau đó trở thành nòng cốt để thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Thẻ đại biểu Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong. Ảnh: Tư liệu |
Tháng 12 năm 1925, sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Phong vào học tại Trường Hàng không Quảng Châu. Do nỗ lực học tập và rèn luyện tại trường, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Để đào tạo cán bộ quân sự cho sự nghiệp cách mạng sau này, Nguyễn Ái Quốc tiến cử Lê Hồng Phong sang Liên Xô đào tạo tại Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát vào tháng 10 năm 1926. Đến tháng 12 năm 1927, Lê Hồng Phong chuyển sang học tại Trường Đào tạo phi công quân sự số 2 ở thành phố Bôrítxgơlépxcơ, khóa học kết thúc vào tháng 11 năm 1928. Theo kế hoạch, Lê Hồng Phong sẽ tiếp tục học phi công, nhưng lúc này cách mạng Đông Dương đang cần một nhà cách mạng chuyên nghiệp hơn là một phi công chiến đấu, nên Quốc tế Cộng sản quyết định chuyển đồng chí Lê Hồng Phong sang đào tạo lý luận dài hạn, bài bản tại Trường Đại học Phương Đông. Tại đây, đồng chí Lê Hồng Phong bộc lộ những phẩm chất ưu tú, mẫu mực của người cộng sản, nên ngày 25 tháng 5 năm 1929, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô.
Trước khi Đảng ta ra đời, Lê Hồng Phong đã là đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp khóa học 3 năm, tháng 5 năm 1931, đồng chí Lê Hồng Phong tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Phương Đông.
Giữ trọng trách khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng
Sau cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh 1930 - 1931, phong trào cách mạng trong nước bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai đàn áp dã man. Nhiều tổ chức Đảng bị vỡ, nhiều đảng viên của Đảng bị bắt bớ, tù đày. Hầu hết các đồng chí chủ chốt của Đảng đều sa vào tay giặc, bị giam cầm, tra tấn, giết hại. Ở nước ngoài, ngày 6 tháng 6 năm 1931, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hong Kong, các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Sơn... cũng bị bắt.
Trước những tổn thất và khó khăn của cách mạng Đông Dương, tháng 11 năm 1931, Quốc tế Cộng sản quyết định cử đồng chí Lê Hồng Phong về nước chỉ đạo khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam và Đông Dương.
Cuối năm 1931, Lê Hồng Phong từ Liên Xô qua Pháp, đến Nam Kinh (Trung Quốc), Indonesia, Singapore về Bangkok (Thái Lan) định đến Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa ở Phichit (Thái Lan) để bắt liên lạc. Trong khi chưa thể về Việt Nam, tháng 3 năm 1932, đồng chí được tiếp nhận vào học tại Trường Đại học Quảng Châu. Tháng 7 năm 1933, đồng chí về đến Cao Bằng tìm hiểu tình hình, bắt liên lạc với cơ sở cách mạng ở đây rồi trở lại Nam Ninh.
Thuyết minh viên giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Đào Tuấn |
Tháng 3 năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong đến Ma Cao (Trung Quốc) cùng với các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt bàn kế hoạch thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng để thống nhất lãnh đạo các tổ chức Đảng, tiến tới tổ chức lại cơ quan Trung ương của Đảng. Tại hội nghị này, đồng chí Lê Hồng Phong được cử làm Thư ký của Ban Chỉ huy ở ngoài, đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Biên tập Tạp chí Bônsêvích, phụ trách việc tuyên truyền cổ động, đồng chí Nguyễn Văn Dựt phụ trách thanh tra.
Tháng 6 năm 1934, đồng chí Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì hội nghị các đại biểu tổ chức Đảng từ trong nước sang họp với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Sau cuộc họp quan trọng này, theo triệu tập của Quốc tế Cộng sản, Ban Chỉ huy ở ngoài cử các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn do đồng chí Lê Hồng Phong làm Trưởng đoàn đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Moscow, tại Trường Đại học Phương Đông, đoàn được gặp gỡ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào ngày 10 tháng 12 năm 1934.
Trong khi đoàn đang ở Mascow, từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 3 năm 1935, tại Ma Cao (Trung Quốc) Đại hội I của Đảng được triệu tập. Đại hội bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký (Tổng Bí thư) của Đảng. Đại hội cũng đã chuẩn y việc Ban Chỉ huy ở ngoài cử đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và chỉ định thêm các đồng chí: Nguyễn Ái Quốc (đang ở Moscow), Phạm Văn Xô, Nguyễn Chánh Nhì tham gia đoàn.
Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội, được Đại hội bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp ủy Quốc tế Cộng sản và có nhiều hoạt động tích cực đóng góp cho thành công của Đại hội.
Tháng 7 năm 1936, đồng chí Lê Hồng Phong về Thượng Hải, triệu tập và chủ trì Hội nghị với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài nước bàn về công tác tổ chức của Đảng và đường lối đấu tranh trong tình hình mới sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Hội nghị quyết nghị bầu đồng chí Hà Huy Tập là Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng thay đồng chí Lê Hồng Phong.
Ngày 12 tháng 10 năm 1936, tại Nam Kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tổ chức lại.
Ngày 13 và 14 tháng 3 năm 1937, Hội nghị cán bộ ở ba kỳ cử Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 ủy viên. Đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Phùng Chí Kiên được Ban Chấp hành Trung ương phân công ở lại nước ngoài để sau này trở về nước bổ sung cho các tổ chức của Đảng, đồng thời giữ liên lạc với Quốc tế Cộng sản.
Cuối tháng 10 năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong về Sài Gòn - Chợ Lớn thảo luận với Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước cho phù hợp với tình hình mới.
Cuối tháng 3 năm 1938, tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, Hội nghị Trung ương Đảng đã họp quyết định đường lối đấu tranh mới và công tác tổ chức xây dựng Đảng. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 11 ủy viên, Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư.
Ngày 22 tháng 6 năm 1939, đồng chí Lê Hồng Phong sa vào tay giặc và bị Tòa tiểu hình Sài Gòn kết án 6 tháng tù, 3 năm cấm lưu trú ở Nam Kỳ. Hết hạn tù, ngày 23 tháng 12 năm 1939, đồng chí Lê Hồng Phong được thả nhưng bị trục xuất khỏi Nam Kỳ, áp giải về quê.
Ngôi nhà ở làng Đông, xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), nơi Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cất tiếng khóc chào đời. Ảnh: Đào Tuấn |
“Đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng”
Đầu năm 1940, dù đang bị quản thúc tại quê nhà, nhưng để hạn chế hoạt động và ảnh hưởng của đồng chí, Tòa án Pháp kết tội đồng chí “hoạt động lật đổ” và dẫn độ về Sài Gòn. Ngày 22 tháng 10 năm 1940, Tòa thượng thẩm Sài Gòn kết án đồng chí 5 năm tù, mất quyền công dân và chính trị, 10 năm cấm lưu trú. Cuối năm 1940, sau một thời gian đồng chí bị giam giữ ở Sài Gòn, địch đày đồng chí ra Nhà tù Côn Đảo. Đồng chí đã cùng các chiến sỹ cộng sản trong tù tiếp tục đấu tranh, giữ vững khí tiết trước đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù.
Suy kiệt sức khỏe vì nhiều tháng ngày bị giam cầm, tra tấn trong lao tù, đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh ngày 6 tháng 9 năm 1942 khi vừa tròn 40 tuổi. Trước khi hy sinh, đồng chí nhắn nhủ với các bạn tù: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Ðồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, giữ trọn lý tưởng cộng sản, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào tinh thần, sức mạnh và trí tuệ của quần chúng nhân dân, biết dựa vào nhân dân để đưa cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo. Dù trong gian lao, thử thách, kể cả trước cái chết, đồng chí vẫn giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Với những cống hiến xuất sắc của mình, đồng chí Lê Hồng Phong đã để lại cho những người cộng sản và các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau nhiều bài học quý giá.
Đánh giá về lớp cán bộ tài năng, trung kiên bất khuất thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.