Chính sách nào bảo tồn nhà cổ ở Nghệ An?

Minh Quân 28/08/2022 08:52

(Baonghean.vn) - Những ngôi nhà ở truyền thống lâu đời không đơn thuần là nơi sinh hoạt của gia đình, mà còn là nơi lưu giữ văn hóa, kiến trúc cổ truyền. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng có chiến lược bảo tồn, gìn giữ thì chẳng bao lâu, nhà cổ ở Nghệ An sẽ vắng bóng.

Giá trị văn hóa, lịch sử

Đến xóm 6, xã Khánh Sơn (Nam Đàn), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính của một làng quê còn lưu giữ nhiều công trình cổ. Cùng với Di tích Quốc gia đặc biệt đình Hoành Sơn - công trình kiến trúc lịch sử được xây dựng từ thế kỷ XVIII, trong xóm còn có những ngôi nhà cổ có niên đại hơn trăm năm. Một trong số đó là nhà của ông Tạ Quang Nam ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn). Ngôi nhà được xây dựng cách đây khoảng hơn 120 năm, được thiết kế toàn bộ bằng gỗ lim, kiến trúc 3 gian, 2 hồi; mái nhà cũng được lợp ngói vảy âm dương.

Ngôi nhà cổ của ông Tạ Quang Nam ở xóm 6, xã Khánh Sơn (Nam Đàn). Ảnh: Minh Quân

Ông Nam cho biết, trước Cách mạng Tháng Tám, ngôi nhà được ông nội ông là Tạ Quang Chước sử dụng để làm nơi hội họp của các cán bộ trong phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, cán bộ tiền khởi nghĩa như Lưu Đào, Nguyễn Đức Thúy, Lê Sỹ Nguyên, Trần Văn Cảnh… Còn hiện nay nó vẫn được sử dụng để làm nhà ở do vào mùa Đông ấm, mùa Hè mát. Ngôi nhà không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà còn gắn bó với bao kỷ niệm buồn, vui của ông Nam và con cháu trong gia đình, nơi lưu giữ những truyền thống gia phong tốt đẹp, nơi chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của quê hương.

Xã Khánh Sơn (Nam Đàn) là địa phương còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ, với mái lớp ngói vảy âm dương và gian thờ theo phong cách truyền thống... Ảnh: Minh Quân

Cùng với ngôi nhà của ông Tạ Quang Nam, trong xóm 6 hiện còn có một số ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 50-100 năm của ông Tạ Quang Bảo, bà Tạ Thị Yến, ông Đặng Đức Thường…

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, trên địa bàn Nam Đàn có khoảng hơn 20 ngôi nhà cổ. Ngoài xã Khánh Sơn - địa phương tập trung nhiều nhà cổ nhất của huyện, trên địa bàn xã Nam Lĩnh còn có 1 ngôi nhà cổ nổi tiếng của nhà văn - dịch giả Ông Văn Tùng. Ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm này được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim, với các nét chạm trổ trên xà, vì kèo... hết sức tinh xảo. Trong nhà còn có nhiều đồ vật cổ như sập gụ, tủ chè, các bức hoành phi, câu đối... là tâm huyết gìn giữ, sưu tầm hàng mấy chục năm của chủ nhân. Đây không những là nơi thờ tự, nơi dưỡng già của dịch giả - nhà văn Ông Văn Tùng mà còn là một bảo tàng, thư viện tư nhân nổi tiếng trong vùng.

Còn ở xã Nghi Trường (Nghi Lộc), ngôi nhà của ông Nguyễn Thức Hiền ở xóm 15 cũng được xem là một trong những ngôi nhà cổ có giá trị nhất của tỉnh. Nhà được dựng trên 16 chiếc cột tròn, đường kính mỗi chiếc cột trên dưới 20 cm, phía trước nhà thưng bằng gỗ. Phía trong ngôi nhà, mỗi góc xà, đường hạ cũng được chạm trổ tinh xảo. Những năm đầu thế kỷ XX, ngôi nhà này từng là nơi tá túc cho một số học trò của nhà nho yêu nước Nguyễn Thức Tự. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đây còn là nơi các đơn vị bộ đội trú chân khi hành quân qua ngôi nhà rộng nhất vùng. Hiện nay, ngôi nhà được sử dụng để làm nhà thờ của dòng đại tôn Nguyễn Thức.

Những nét chạm trổ tinh xảo trên trần ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Thức Hiền ở xã Nghi Trường (Nghi Lộc). Ảnh: Minh Quân

Ông Hồ Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao) cho biết: “Theo quy định, công trình, hiện vật có tuổi đời trên 100 năm thì được coi là cổ; tuy nhiên, đối với nhà ở có thể ngắn hơn - ít nhất trước năm 1945 thì có thể xem là nhà cổ. Cho đến nay, vẫn chưa có thống kê chính xác trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu ngôi nhà cổ, nhưng nhà cổ thường tập trung ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành, Nghi Lộc…

Ngoài những nhà cổ kể trên, còn có một số ngôi nhà cổ nổi bật khác như nhà của bà Dương Thị Quế ở xã Hưng Lợi (Hưng Nguyên), ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Thanh Xuân (Thanh Chương), ông Nguyễn Viết Linh ở xã Phúc Thành (Yên Thành)…

Trăn trở bảo tồn

Tuy vậy, những năm qua, ngành Văn hóa mới chỉ chú trọng vào các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam, thắng cảnh có tính cộng đồng cao gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo và các nghi lễ hàng năm như đình, chùa, đền, miếu…, còn nhà cổ là loại hình di sản văn hóa ít được quan tâm. Được biết, việc thống kê về nhà cổ đã được thực hiện cách đây khá lâu, vào tháng 7/2004, với dự án khảo sát chi tiết về hệ thống nhà cổ ở Nghệ An của Viện Kiến trúc - Quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc Bộ Xây dựng thực hiện.

Một ngôi nhà cổ ở làng Thọ, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Huy Thư.

Còn hiện nay, qua trao đổi với cán bộ làm công tác di sản văn hóa ở các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, họ cho biết, không thể nắm chính xác trên địa bàn huyện còn bao nhiêu ngôi nhà cổ do trong Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 17/1/2018 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích, danh thắng trên địa bàn Nghệ An, không có danh mục “nhà cổ”.

Đến nay, ở cấp tỉnh cũng như các huyện vẫn chưa có một kế hoạch tổng thể nào đối với việc khảo sát, đánh giá và bảo tồn di sản nhà cổ. Do đó, nhà cổ vẫn thuộc quyền sở hữu tư nhân và việc bảo tồn các công trình kiến trúc cổ này hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức cũng như khả năng kinh tế của từng gia đình.

Có thể nói, ở một tỉnh có khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, mưa nhiều như Nghệ An thì nếu không có chiến lược, biện pháp bảo tồn thì hệ thống nhà cổ xuống cấp rất nhanh và xu hướng dỡ bỏ những ngôi nhà cổ để xây dựng những ngôi nhà kiên cố theo kiến trúc hiện đại là điều khó cưỡng lại.

Cột nhà bị mối mọt, hư hỏng trong một ngôi nhà cổ ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn). Ảnh: Minh Quân

Ví như ngay tại xóm 6, xã Khánh Sơn (Nam Đàn) - nơi lưu giữ những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi có giá trị, trải qua thời gian, do lâu ngày không được sửa chữa nên nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, nền gạch bị nứt, các đầu kèo bị mối mọt…, điển hình là ngôi nhà của bà Tạ Thị Yến. Bà Yến cho biết, thỉnh thoảng vẫn có các đoàn khách nước ngoài cùng cán bộ của tỉnh, huyện đến tham quan, chụp ảnh và động viên gia đình giữ gìn nhà cổ. Tuy nhiên, gia đình không nhận được chính sách hỗ trợ nào và cũng không có điều kiện kinh tế để thực hiện việc bảo tồn nên ngôi nhà cứ thế xuống cấp theo thời gian.

Liên quan đến thực trạng nhà cổ ở xã Khánh Sơn, năm 2018, đoàn công tác của Viện Nghiên cứu Văn hóa quốc tế Nhật Bản đã có chuyến khảo sát lại các điểm văn hóa di sản thuộc huyện Nam Đàn, trong đó có xã Khánh Sơn.

Đoàn đã đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch sớm phối hợp với huyện Nam Đàn và các sở, ngành liên quan xây dựng hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị công nhận làng Hoành Sơn (nay là xóm 6, xã Khánh Sơn) được xếp hạng di tích cấp tỉnh trong năm 2019 và tiến hành các nội dung tiếp theo, trong đó có việc bảo tồn các ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua, vẫn chưa có động thái nào liên quan nhằm hiện thực hóa đề xuất trên.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao) cho biết: “Đối với những khu nhà cổ tập trung như phố cổ Hội An (Quảng Nam), phố cổ Hà Nội, Phố Hiến (Hưng Yên), Làng cổ Đường Lâm (Hà Tây) việc tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thuận lợi hơn. Còn nhà cổ Nghệ An lại phân bố rải rác khắp mọi thôn, xóm, nhưng điều đó không có nghĩa là các ngôi nhà cổ thiếu đi sự quan tâm bảo tồn.

Để bảo tồn nhà cổ ở Nghệ An tốt nhất cần theo hướng khuyến khích sự tham gia của người dân trong việc phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành liên quan gắn bảo tồn với khai thác, phát triển du lịch, đặc biệt, đối với những ngôi nhà có giá trị cao về mặt kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Muốn vậy, phải có tour, tuyến du lịch phù hợp cùng các dịch vụ phụ trợ nhằm thu hút khách tham quan, từ đó, phần nào giải quyết bài toán về kinh phí bảo tồn nhà cổ”.

Sự vào cuộc sớm, tích cực và thiết thực của các cấp, các ngành liên quan trong công tác quản lý, xây dựng chính sách, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn người dân phương pháp bảo tồn nhà cổ, song song với đó là ý thức tự hào, gìn giữ di sản của gia đình, dòng họ mình sẽ giúp các ngôi nhà cổ vững vàng qua thời gian. Ngược lại, nếu không làm tốt công tác bảo tồn ngay từ bây giờ, nhà cổ sẽ dần vắng bóng trong không gian văn hóa làng quê Nghệ An.

Minh Quân