Tân Kỳ: Tháo gỡ khó khăn, tạo bước đột phá

Nguyễn Hải 31/08/2022 09:13

(Baonghean.vn) - Là huyện miền núi thấp và ở trung tâm kết nối giữa vùng trung du với các huyện miền Tây, điều kiện đất đai, tài nguyên khá phong phú, Tân Kỳ có nhiều lợi thế để phát triển chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém nên vẫn khó  để phát triển kinh tế.

Biến tiềm năng thành chỉ số phát triển

So với các huyện miền núi khác, Tân Kỳ có lợi thế nằm ở vị trí trung tâm kết nối giữa các huyện miền núi Nghệ An. Cụ thể, theo đường mòn Hồ Chí Minh kết nối với Tây Bắc như TX Thái Hòa, Nghĩa Đàn; theo Quốc lộ 48E, 48D nối với Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳnh Lưu; theo đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 7C và Tỉnh lộ 534, 535 kết nối miền núi Tây Nam là Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông; qua Quốc lộ 15A, Quốc lộ 7 kết nối với huyện Đô Lương, Nam Đàn, Diễn Châu… Chính vì thế, hiện tại cũng như tương lai, Tân Kỳ có lợi thế lớn về giao thương phát triển kinh tế.

Chợ mới Tân Kỳ gần cột mốc Km số 0 tạo điểm nhấn về đô thị và kết nối Trung tâm huyện Tân Kỳ với đường mòn Hồ Chí Minh và Quốc lộ 7. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, theo ông Vi Văn Quang - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện: Tân Kỳ có lợi thế nguồn tài nguyên đá vôi dồi dào với trữ lượng khoảng 2,8 tỷ tấn ở khu vực lèn Rỏi, 760 triệu tấn mỏ sét các loại ở các xã Nghĩa Hoàn, Nghĩa Thái, Tân Long, Nghĩa Dũng, Nghĩa Phúc, Đồng Văn, Nghĩa Hành; mỏ cát, sỏi chạy dọc 60 km sông Con khá phong phú; nguồn đất badan Feralit đỏ vàng vùng đồi núi thấp là nguyên liệu san lấp mặt bằng rất phong phú.

Trên thực tế, nhờ lợi thế này mà từ trước đến nay, Tân Kỳ được biết đến là huyện có tiếng về sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao. Điển hình là thương hiệu gạch nung và ngói lợp Cừa ở vùng Nghĩa Hoàn khẳng định uy tín cách đây hàng chục năm. Sau khi các lò gạch ngói thủ công trên địa bàn bị xóa bỏ, huyện Tân Kỳ hiện có 4 nhà máy sản xuất gạch ngói là Nhà máy Gạch ngói Tuynel Tân Kỳ, Nhà máy sản xuất gạch ngói công nghệ cao Bình An, Nhà máy sản xuất ngói lợp và gạch ốp lát cotto của Công ty TNHH Hoàng Nguyên, Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng của Công ty Mậu dịch quốc doanh Cừa với tổng công suất khoảng 120 triệu viên gạch và 35 triệu viên ngói mỗi năm. Ngoài ra, huyện còn có 1 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng không nung công suất 14 triệu tấn/năm và 2 nhà máy đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.

Ông Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Phát huy lợi thế trên, mấy năm lại đây, lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp luôn là lĩnh vực có chỉ số phát triển ấn tượng nhất với các sản phẩm chủ lực như đá trắng tăng 12,7%, cát sỏi tăng 12,4%, gạch tuynel tăng 10,4%. Tiếp đà năm trước, 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,1%; đến năm 2022, huyện có 14 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao và 2 sản phẩm nông nghiệp được công nhận thương hiệu đặc sản là dê Tân Kỳ và sản phẩm măng Loi.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, với lợi thế về diện tích tự nhiên là 72.582 ha, trong đó 63.690 ha có thể sử dụng vào mục đích nông nghiệp nên huyện có lợi thế lớn về lĩnh vực này. Ngoài diện tích mía nguyên liệu chủ lực cho Nhà máy đường Sông Con, huyện Tân Kỳ đã thu hút và được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án chăn nuôi với quy mô 268 ngàn con lợn thịt/năm và 24 ngàn con lợn nái/năm. Hiện các chủ đầu tư đang phối hợp với huyện để làm thủ tục đền bù thu hồi đất.

Thác Bồn ở xã Tân Hợp là địa điểm du lịch mới tại Tân Kỳ. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Nguyễn Bá Mão - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp, một trong những địa bàn thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi của Công ty CP Tập đoàn Tân Long chia sẻ: Là xã miền núi, cách trung tâm huyện khoảng 25 km, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, quy mô hộ gia đình, xã cũng có một số mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng nhưng ở vùng hẻo lánh, đi lại khó khăn và xã cũng lo ngại ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông. Địa phương rất mong nhà đầu tư uy tín đầu tư vào địa bàn thành công để giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tại buổi làm việc với Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh, đại diện UBND huyện Tân Kỳ chia sẻ thông tin khá phấn khởi: 2 năm lại đây, huyện thu hút được 7 dự án đầu tư với tổng số vốn là 909,93 tỷ đồng. Hiện tại, sau khi dự án Nhà máy may Minh Anh Tân Kỳ đi vào sản xuất, còn có 2 dự án Nhà máy may Văn Minh Tân Kỳ có tổng mức đầu tư 87,5 tỷ đồng và dự án Khu đô thị phía Tây thị trấn Tân Kỳ với tổng mức đầu tư 925,8 tỷ đồng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trăn trở gỡ nút thắt

Với quyết tâm cao và lợi thế lớn về tài nguyên thiên nhiên thì ngỡ rằng huyện Tân Kỳ sẽ phát triển, tạo vượt trội so với các huyện bạn; tuy nhiên, do còn một số điểm nghẽn, nút thắt nên huyện Tân Kỳ vẫn chưa phát triển được như mục tiêu và kỳ vọng. Một trong những thách thức lớn của huyện là hạ tầng giao thông và hạ tầng nguồn cung điện. Giao thông là để kết các xã 2 bên bờ sông Con thuộc nội huyện và kết nối với các huyện xung quanh. Hạ tầng điện là để cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp.

Xe tải chở cát, sỏi đi lại trên đường Nghĩa Thái về Nghĩa Hợp khiến tuyến đường này chưa làm xong nhưng đã xuống cấp. Ảnh: Nguyễn Hải

Để gỡ nút thắt trên, bước đầu, huyện đã nhờ doanh nghiệp vận động nguồn để tu sửa, nâng cấp đường nội bộ huyện như đoạn từ cầu Rỏi đi ngã tư Tân An và đường từ ngã tư xã Tân An đi xã Phú Sơn; đường từ UBND xã Kỳ Tân đi về đền Song Đồng Ngọc Nữ (xã Nghĩa Hợp). Bên cạnh đó, mới đây, UBND tỉnh cũng đồng ý chủ trương đầu tư thêm cầu Rỏi 2 bắc qua sông Con và làm đường N5 kéo dài (nay là Quốc lộ 7C) từ xã Hòa Sơn lên đến đường mòn Hồ Chí Minh (dự kiến sẽ khởi công vào tháng 9 tới). Tỉnh cũng mong muốn tuyến đường sẽ kết nối Tân Kỳ về với Khu kinh tế Đông Nam và mở ra quỹ đất để huyện mở rộng thêm khu mới là KCN Tân Kỳ và các cụm công nghiệp.

Khai thác cát, sỏi là hoạt động kinh tế của huyện nhưng áp lực lớn về quản lý, hạn chế thất thoát lãng phí và nhất là tuổi thọ các công trình hạ tầng giao thông. Ảnh: Nguyễn Hải

Ngoài các tuyến trên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để kết nối huyện Tân Kỳ với các huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu, huyện đang đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư đường từ xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ) đi xã Lăng Thành (Yên Thành) và xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu); đề nghị Điện lực Nghệ An bổ sung dự án đầu tư xây dựng thêm trạm biến áp và đường điện 110 KV về huyện Tân Kỳ.

Liên quan đến định hướng phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tân Kỳ, các chuyên gia thuộc Tổ tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh khuyến cáo: Với lợi thế lớn về trữ lượng đá vôi và mỏ đất sét, cát, sỏi cũng như một số loại khoáng sản khác, Tân Kỳ cần lựa chọn doanh nghiệp, nhà đầu tư để trở thành trung tâm sản xuất vật liệu xây dựng mới, ứng dụng công nghệ cao; song song với phấn đấu hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì cần nâng tỷ lệ đô thị hóa. Hiện tỷ lệ đô thị hóa của Tân Kỳ mới chỉ ở mức 15-20% là khá thấp so với cả tỉnh (30-34%), cả nước (41%) và thế giới là 60-70%. Theo các chuyên gia, khi tăng tỷ lệ đô thị hóa thì nhân lực và nguồn lực đầu tư sẽ đến và từ đó sẽ giúp Tân Kỳ phá thế chia cắt để tạo ra đột phá.

Nguyễn Hải