Khi 'về lại' với cộng đồng...

Đặng Cường 03/09/2022 07:36

(Baonghean.vn) - Trong công tác cảm hóa, giáo dục đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, mô hình “Chung tay cảm hóa, hướng nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng” ở xã Mỹ Sơn (Đô Lương) mới triển khai nhưng đã được các cấp, ngành đánh giá cao.

Đứng lên sau vấp ngã

Đại úy Đặng Quang Đạo - Trưởng Công an xã Mỹ Sơn nói với chúng tôi trên đường đến nhà anh Đặng Văn Quân trú tại xóm 4 rằng: Khác với thời gian đầu mới trở về địa phương, tâm lý ít nhiều mặc cảm, tự ti khiến anh Quân luôn sống khép mình, thì nay anh đã hoàn toàn khác...

Tham quan mô hình phát triển kinh tế của hộ anh Đặng Văn Quân, trú tại xóm 4. Ảnh: Đ.C

Quả vậy, như anh Quân chia sẻ: “Những ngày đầu mới trở về địa phương tôi cảm thấy lạc lõng. May mắn trong thời gian đó tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, động viên từ gia đình và cộng đồng, chính điều đó dần giúp tôi cảm thấy thoải mái, không còn rào cản nào nữa và “toàn tâm” chí thú làm ăn”.

Sau thời gian chấp hành án phạt tù 27 tháng vì tội “Gây rối trật tự công cộng”, trở về địa phương, ngoài nguồn động viên của gia đình, anh Quân nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể tại địa phương, từ đó anh đã chủ động tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Hiện nay, với diện tích hơn 45 ha keo, mỗi lứa mang lại nguồn thu cho gia đình anh hơn 2 tỷ đồng, để có điều kiện đầu tư vào chăn nuôi, trồng cây ăn quả… Chưa kể, anh còn đấu thầu con đập gần nhà để làm dịch vụ câu cá.

Ngoài ra, không thể không đề cập đến trường hợp anh Đặng Văn Thế, trú tại xóm 5, xã Mỹ Sơn, người từng bị tuyên án tử hình vì phạm tội vận chuyển chất cấm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng cải tạo không biết mệt mỏi trong một thời gian dài, anh Thế đã được các cấp có thẩm quyền trình Chủ tịch nước quyết định ân xá xuống án chung thân.

Sau 18 năm 10 tháng thụ án, tháng 6/2016, anh Thế được đặc xá, ra tù trước thời hạn. Nhớ lại thời điểm đó, anh Thế cho biết, lúc biết tin mình được đặc xá, anh mừng lắm, nhưng càng gần tới ngày được trở về thì lại băn khoăn, suy nghĩ không biết rồi sẽ bắt đầu lại từ đâu để ổn định cuộc sống, cũng như làm thế nào để đối diện với anh em, họ hàng, bà con, làng xóm...

Anh Đặng Văn Thế. Ảnh: Đ.C

Thời gian đầu, anh Thế rất ngại giao tiếp, nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn, anh đã sớm hòa nhập, trở lại với cuộc sống. Hiện anh có thu nhập cao từ vai trò quản lý tại một công ty vận tải trên địa bàn. Đáng nói, được chọn xây dựng điển hình tiên tiến khi triển khai mô hình “Chung tay cảm hóa, hướng nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng” tại địa phương, ngoài vai trò là người truyền năng lượng, anh Thế đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể tổ chức thăm, gặp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cũng như kết nối tìm việc làm cho những người cùng cảnh.

Nhân rộng mô hình

Anh Quân, anh Thế là 2 trong số những cá nhân tiêu biểu tham gia mô hình “Chung tay cảm hóa, hướng nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng” do xã Mỹ Sơn triển khai. Đại úy Đặng Quang Đạo nói thêm: Trước những tác động nhiều mặt của xã hội nên tình hình tội phạm trên địa bàn xã Mỹ Sơn trong những năm qua vẫn còn phức tạp. Hằng năm số lượng người chấp hành xong án phạt tù đều tăng, qua theo dõi, hiện nay trên địa bàn xã có 27 người chấp hành xong án phạt tù thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng đang có mặt tại địa phương, điều kiện kinh tế phần lớn gia đình khó khăn, nguy cơ bị đối tượng xấu khác lôi kéo họ vào con đường tiếp tục phạm tội nếu không được quản lý, theo dõi, giáo dục kịp thời.

Bởi vậy, tháng 9/2021, Công an huyện Đô Lương đã chỉ đạo Công an xã Mỹ Sơn tham mưu cấp ủy, chính quyền xã xây dựng mô hình “Chung tay cảm hóa, giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù” trên địa bàn xã và lựa chọn Đặng Văn Thế - 1 trong 27 người chấp hành xong án phạt tù thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng đang có mặt tại địa phương để tập trung xây dựng gương điển hình trong tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Đặng Văn Thế tại Hội nghị sơ kết mô hình “Chung tay cảm hóa, hướng nghiệp, tái hòa nhập cộng đồng” do xã Mỹ Sơn tổ chức vào tháng 6/2022. Ảnh: CSCC

Sau khi ra mắt mô hình, Công an xã phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng về mọi mặt. Đến nay, 27/27 đối tượng đã có những chuyển biến tích cực và tiến bộ rõ rệt, cụ thể, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào ở địa phương. Cũng nhờ đó, tình hình ANTT tại địa bàn ngày càng ổn định, số vụ việc giảm so với năm trước. 6 tháng đầu năm 2022 xảy ra 2 vụ, 5 đối tượng, so với năm 2021 xảy ra 8 vụ, 14 đối tượng.

Có được kết quả trên, cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và khuyến khích tham gia giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo, các thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt, lựa chọn những thành viên có kinh nghiệm trong Ban Chỉ đạo và tại các cơ sở xóm để thành lập 1 tổ tư vấn, với nhiệm vụ tham vấn, giải đáp các thắc mắc, thường xuyên trao đổi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các đối tượng. Khi lựa chọn anh Đặng Văn Thế để xây dựng điển hình, sự đồng hành của anh Thế đã giúp các trường hợp khác còn ít nhiều tự ti, mặc cảm ngày càng hòa nhập mạnh mẽ, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, cũng như tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn.

Xác định nguyện vọng của các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng là được tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, địa phương đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác hỗ trợ các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng về vấn đề vay vốn. Đồng thời, chủ động trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn về nhu cầu tuyển dụng lao động để định hướng đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp. Nhờ đó, đến nay 24/27 đối tượng có việc làm ổn định.

Vườn cây ăn quả của hộ anh Đặng Văn Quân. Ảnh: Đ.C

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Trực - Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho biết: Trên cơ sở kết quả đạt được, địa phương sẽ nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả. Theo đó, sẽ có chính sách phù hợp, kịp thời cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương như cho thuê đất, vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm… để họ sớm ổn định cuộc sống, ngăn ngừa tái phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Đặng Cường