Nghệ An tìm giải pháp cải thiện PCI phục vụ nhà đầu tư tốt hơn

Trân Châu - Nguyễn Hải 07/09/2022 10:19

(Baonghean.vn) - Theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghệ An đứng thứ 30 trong số 63 tỉnh, thành cả nước. Trên tinh thần cầu thị, Nghệ An đã tiếp thu và tìm giải pháp đột phá, cải thiện các chỉ số thành phần theo yêu cầu mới.

Nguyên nhân PCI tụt giảm

Chỉ số, phương pháp luận PCI đo lường môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh do VCCI xây dựng năm 2005, điều chỉnh vào các năm 2009, 2013, 2017 và 2021. Từ lâu nay, xác định PCI là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá năng lực, môi trường kinh doanh, Nghệ An luôn chú trọng giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra sản xuất kinh doanh tại Anh Sơn. Ảnh: Phạm Bằng

Năm 2019, PCI của Nghệ An dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 18 cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2018. Đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh, cho thấy những tiến bộ trong công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư. Đến năm 2021, PCI của Nghệ An xếp thứ 30, tụt 12 bậc, trong đó chỉ số minh bạch và cạnh tranh bình đẳng còn thấp.

Tại Hội thảo khoa học “Những yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức, dựa trên kết quả công bố PCI, TS. Đậu Hương Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Chia sẻ tri thức Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, vẫn còn thiếu sự nhất quán giữa chủ trương, ý chí với thực thi; tính nhất quán trong chính sách giữa năm này với năm khác, việc thay đổi chính sách chưa tạo được sự yên tâm cho doanh nghiệp; tính nhất quán giữa cấp trên và cấp dưới, chất lượng lao động… Ý kiến xác đáng nêu trên cũng là sự đánh giá của không ít doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh tại Nghệ An.

Phân tích các chỉ số thành phần của PCI năm 2021, dù vẫn gồm 10 chỉ số thành phần nhưng thực tế đã bổ sung thêm chỉ tiêu. Cụ thể, có 142 chỉ tiêu thuộc 10 chỉ số thành phần với tổng điểm là 100. Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần thì 3 chỉ số là môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách đào tạo lao động tốt chiếm 60 điểm trọng số; các chỉ số khác, ngoại trừ thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, TTHC nhanh chóng là 10 điểm, còn lại được duy trì mỗi chỉ số chỉ 5 điểm.

Hội thảo về tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Nghệ An do Sở Khoa học Công nghệ, NAPC và VCCI tổ chức năm 2021. Ảnh: Nguyễn Hải

Từ phương pháp đánh giá trên cho thấy chỉ số đánh giá PCI đã có sự thay đổi, về cơ bản đánh giá kết quả trực tiếp hoạt động điều hành của lãnh đạo tỉnh như ban hành chính sách, thủ tục thay vì các chỉ tiêu biểu hiện môi trường đầu tư kinh doanh với tư cách là kết quả gián tiếp của hành vi điều hành. Nói cách khác, chỉ số PCI năm 202, thiên hướng đánh giá kết quả mối quan hệ nhân quả hoạt động điều hành của lãnh đạo chính quyền tỉnh thay vì đánh giá kết quả chung chung do nhiều bên liên quan mang lại.

Trên thực tế, 3 lĩnh vực mà các tỉnh top 10 đều cao gồm chỉ số đào tạo lao động, chi phí thời gian, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân, thời gian đăng ký doanh nghiệp, thủ tục để được giảm giá thuê mặt bằng...

Đối với các chỉ số, chỉ tiêu và biến số mới trên, Nghệ An đều thấp hơn mức bình quân của các nước và cách xa nhóm các tỉnh dẫn đầu nên việc tụt hạng là có thể hiểu được.

Công dân đến làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ chia sẻ: Với kết quả 64,74 điểm, năm 2021, PCI của Nghệ An vẫn tăng nhưng tụt 12 bậc do các tỉnh bạn làm quyết liệt, còn các giải pháp triển khai ở Nghệ An chưa đủ mạnh.

Lựa chọn chỉ số để tạo đột phá?

Thời gian qua, Nghệ An đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; chỉ đạo rà soát, theo dõi, đôn đốc tiến độ các dự án; phân công lãnh đạo tỉnh theo dõi, chỉ đạo các dự án trọng điểm; mở rộng quy hoạch, đổi mới chính sách thuê đất ở Khu Kinh tế Đông Nam, Cảng Cửa Lò mở lại tuyến container quốc tế, hỗ trợ, sát sao các dự án lớn ở các khu công nghiệp, quảng bá chính sách thu hút đầu tư, chính sách đào tạo nghề, ban hành quyết định thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh…

UBND tỉnh định kỳ 2 tháng/lần tổ chức hội nghị giao ban Hiệp hội, hội doanh nghiệp, doanh nhân để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, góp phần tạo được sự đồng thuận cao…

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An giai đoạn 1 được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Ảnh: N.H

Sau khi PCI năm 2021 được công bố, với tinh thần cầu thị, UBND tỉnh cũng giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An (NAPC) làm việc với VCCI. Trên cơ sở tìm hiểu, tiếp thu các ý kiến tham vấn của chuyên gia, tỉnh sẽ có giải pháp để tạo đột phá, cải thiện PCI phù hợp với tình hình mới.

Theo lãnh đạo NAPC, việc PCI năm 2021 còn thấp có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, phương pháp luận đánh giá PCI đã có sự thay đổi. Trên thực tế, Nghệ An có một số chỉ tiêu mới được đánh giá cao và thế mạnh như TTHC trực tuyến luôn đạt thứ hạng cao, tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An giai đoạn 1 được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Ảnh: N.H

Tuy nhiên, Nghệ An vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế liên quan các chỉ số thành phần như tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, chi phí không chính thức, chỉ số cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và tiên phong của chính quyền… được chỉ ra từ khá lâu nhưng chậm cải thiện và bị đánh giá thấp. Một vài vụ việc liên quan đến cán bộ ở các sở ngành bị bắt, tình trạng “tham nhũng vặt”… cũng làm giảm niềm tin của không ít doanh nghiệp.

Ông Phan Thanh Miễn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh thẳng thắn bày tỏ: “Doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa là thành phần chính lấy phiếu đánh giá PCI. Vài năm lại đây, mặc dù tỉnh quyết tâm cải cách TTHC nhưng đâu đó ở các sở ngành và cấp huyện chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp; cách hướng dẫn, xử lý TTHC đầu tư, tiếp cận đất đai còn rườm rà nên rất khó để nhà đầu tư, doanh nghiệp hài lòng”.

Từ thực tế tìm hiểu, đại diện NAPC chia sẻ: Thời gian tới bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn lên, thực chất hơn, tỉnh cần chọn một vài chỉ số thành phần điểm cao và Nghệ An có thế mạnh để xử lý nhằm tạo bước đột phá, cụ thể là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách đào tạo lao động tốt; chính sách tiếp cận đất đai, giảm giá thuê mặt bằng vào các khu/cụm công nghiệp.

Nghệ An với hệ thống trường đào tạo nghề và nguồn lao động dồi dào thuộc tốp đầu cả nước nhưng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI vẫn khá lo ngại trong thu hút và sử dụng số lao động ở lại quê hương làm việc, đặc biệt là lao động có tay nghề cao.

Lao động tìm hiểu vị trí việc làm tại Hội chợ kết nối cung cầu lao động do Ban quản lý KKT Đông Nam và VSIP tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải

Mặt khác, cùng với ban hành Đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nhân đến năm 2025, tỉnh cũng vừa thông qua Quy trình đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở ngành và cấp huyện (DCCI).

Từ năm 2020, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ về sáng tạo khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Hiện tại, sau khi tiến hành đánh giá DCCI năm 2021, các sở, ngành còn có ý kiến khác nhau nên tỉnh chưa công bố kết quả chính thức. Để thay đổi và tạo đột phá, thiết nghĩ tỉnh cần nghiên cứu và sớm công khai chỉ số đánh giá này.

UBND tỉnh Nghệ An tổ chức gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng container qua cảng biển. Ảnh: Nguyễn Hải

Tựu trung, cùng với một số biện pháp chấn chỉnh, nâng cao đạo đức công vụ, Nghệ An đang quyết tâm tạo đột phá trong cải thiện PCI, hành động quyết liệt để tạo chuyển biến thật sự với những kết quả cao về kinh tế - xã hội.

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vào ngày 8/9, UBND tỉnh Nghệ An sẽ phối hợp VCCI tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng các chỉ số thành phần; đồng thời tìm giải pháp đột phá, nâng cao PCI của tỉnh trong thời gian tới.

Trân Châu - Nguyễn Hải