Lan tỏa giá trị di sản của Danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh

Vân Thiêng 09/09/2022 15:43

(Baonghean.vn) - Chiều 6/9, tại Hà Nội diễn ra Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất”. Sự kiện nhiều ý nghĩa này thêm một lần nữa khẳng định những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật và sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Kế thừa, phát huy, nhân lên Di sản Hồ Chí Minh là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam để những gì thuộc về Người sẽ mãi mãi được lưu nhớ trong nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Khác với Tổng thống Nê-ru, việc xem xét chỉ diễn ra trong 45 phút vì Ấn Độ là nước trung lập, ổn định về kinh tế, đạt “Nhà quán quân của phong trào giải phóng dân tộc”, việc xem xét để quyết định vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khóa họp lần thứ 24 của UNESCO diễn ra tại Paris (từ ngày 20/10 đến 30/11/1987) phải mất 7 giờ. Sau nhiều tranh luận, UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận "Năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.

Sở dĩ có chuyện ấy vì Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa tiêu biểu cho nền văn hóa nhân loại, Anh hùng giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Bà Chủ tịch UNESCO nhiệm kỳ ấy là người Thái Lan đã có bài tham luận rất hay về Hồ Chí Minh. Trong đó, nêu rõ những tiêu chí nổi bật để đại biểu các nước xem xét, tôn vinh Bác.

Đó là, trong khi các nước thuộc địa trên thế giới chìm trong bóng đêm nô lệ thì ở một nước nhỏ như Việt Nam, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dám đương đầu với một nước có nhiều thuộc địa và giành thắng lợi, mở đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước trên thế giới.

Trong khi mãi đến năm 1990, Liên hợp quốc mới đề ra chương trình xóa mù chữ trên thế giới thì từ năm 1945, ngay sau khi thành lập nhà nước dân chủ mới, Hồ Chí Minh đã đề ra phong trào xóa nạn mù chữ đầu tiên. Điều đó cho thấy, là nguyên thủ một quốc gia nhỏ nhưng Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn dự báo rất chiến lược. Hồ Chí Minh đã thấy được những hệ lụy nếu để dân đói, dân dốt thì nguy cơ mất nước còn bị đe dọa. Vì thế, Người đã đề ra phong trào "Tết trồng cây" hằng năm gắn với công tác bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái. Triết lý “Vì lợi ích 10 năm trồng cây; Vì lợi ích trăm năm trồng người” đã khẳng định Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất.

Thế giới ngày nay kêu gọi đối thoại, thì tư tưởng đối thoại, giải quyết mâu thuẫn bằng hòa bình đã được Hồ Chí Minh chủ trương và kiên trì thực hiện từ năm 1946. Bác đã khéo léo đẩy mấy mươi vạn quân Tưởng ra khỏi đất nước để cách mạng tập trung sức chuẩn bị một cuộc kháng chiến kiến quốc lâu dài; để tránh một cuộc chiến tranh Pháp - Việt khi nhà nước cách mạng còn non trẻ, Bác phải sang Pháp 4 tháng để đối thoại (từ 30/5 đến ngày 20/10/1946). Vì vậy, Liên hợp quốc coi Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề ra đối thoại và đã tiến hành đối thoại, kể từ khi có tổ chức này.

Cán bộ Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật Nghệ An xem Triển lãm ảnh chuyên đề “Hồ Chí Minh – Người đi tìm hình của nước". Ảnh tư liệu: Công Kiên

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được xem xét các tiêu chí về đạo đức. Đó là suốt 24 năm trên cương vị nguyên thủ quốc gia, vẫn giữ trọn sự liêm chính, không bị tha hóa bởi quyền lực và vật chất. Hồ Chí Minh là một nhân cách của người cầm quyền kiểu mới. Khi chưa có chính quyền, Người sống với nhân dân, khi giành được chính quyền, Người phục vụ nhân dân. Người tiêu biểu cho thế kỷ XX - thế kỷ mà thế giới đang đứng trước một thảm họa tha hóa về văn minh, vật chất. Khi Người qua đời, ngoài căn nhà sàn để lại, không còn thứ gì là của riêng mình. Hồ Chí Minh là người cộng sản hội tụ được cả tinh hoa, trí tuệ của 2 nền văn hóa, triết học Đông - Tây…

Vì những lẽ đó, UNESCO đã đồng thuận 100% vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới thứ 21, được ghi là “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất”. 88 quốc gia đã ra “Nghị quyết kỷ niệm” Chủ tịch Hồ Chí Minh - một điều hiếm thấy trên thế giới.

Việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất đã khẳng định tính đúng đắn của lý tưởng và con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn; được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kế thừa và phát huy, nhằm hiện thực hóa mong ước của Người là “đem lại độc lập cho dân tộc”, “cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc cho mọi người”. Những giá trị về tư tưởng, nhân văn, đạo đức và nhân cách của Hồ Chí Minh luôn có sức lôi cuốn, lan tỏa mãnh liệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Đồng thời, là sự cổ vũ, ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước của Việt Nam.

Vinh dự và tự hào khi được làm người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta nguyện không ngừng học tập và làm theo Bác để “lòng trong, trí sáng”, để mỗi người biết phấn đấu vươn lên, làm cho mình ngày tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn; cùng nhau lan tỏa, nhân lên những giá trị Di sản mang tính toàn cầu của tư tưởng, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới.

Vân Thiêng