Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri Nghệ An về chính sách đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng
(Baonghean.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An do Ban Dân nguyện chuyển đến liên quan đến khó khăn trong tuyển dụng, giữ chân lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Nội dung như sau: Cử tri phản ánh hiện nay Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, giữ chân lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng làm việc bởi vì chế độ, chính sách của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không cao, chưa thu hút được người làm việc, nhiều người có tâm lý muốn, bỏ việc để tìm công việc khác. Điều đó đặt ra không ít thách thức đối với hoạt động của Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát.
Cử tri kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách ưu tiên hơn cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, như phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù ngành, phụ cấp độc hại và nguy hiểm.
Phút nghỉ ngơi của cán bộ kiểm lâm vườn Quốc gia Pù Mát thực hiện công tác bảo vệ rừng. Ảnh: tư liệu: Nhật Lân |
Trả lời:
Tại Điều 16 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng quy định: Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng chế độ lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật, được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, được trang bị đồng phục, công cụ hỗ trợ, phương tiện, bảo hộ lao động và trang thiết bị cần thiết khác để bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, khó khăn, nguy hiểm, chế độ đãi ngộ còn rất thấp, chưa tương xứng với tính chất công việc được giao.
Tuần tra bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh tư liệu PV |
Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai một số giải pháp sau:
(1) Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách mở rộng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng như dịch vụ hấp thụ, lưu trữ CO2 từ rừng thí điểm, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng...
(2) Trình Chính phủ ban hành Nghị định về “Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp”; trong đó có chính sách hỗ trợ cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
(3) Hướng dẫn các địa phương, chỉ đạo cơ quan chuyên môn ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám trong bảo vệ rừng để giảm bớt khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Đồng thời với việc thực hiện các giải pháp trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất và mong muốn được Quốc hội, các đại biểu quan tâm cho phép xây dựng chính sách, chế độ phụ cấp cho người trực tiếp bảo vệ rừng nhằm tháo gỡ khó khăn, động viên khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực trong công tác bảo vệ rừng.