Các nhà khai thác di động trên thế giới được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh 5G như thế nào?

Phan Văn Hòa 12/09/2022 08:15

(Baonghean.vn) -  Sự ra đời của công nghệ 5G đã mang lại nhiều hứa hẹn cho các doanh nghiệp viễn thông trên thế giới. Theo nghiên cứu của Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Grand View Research (Mỹ), quy mô thị trường dịch vụ 5G toàn cầu đạt 48,25 tỷ USD trong năm 2021 và dự kiến ​​sẽ đạt doanh thu 2.208,2 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 56,7% trong giai đoạn 2022- 2030.

Các dịch vụ thông tin di động 5G cho phép tạo ra một môi trường di động và kết nối hoàn chỉnh bằng cách cung cấp đa dạng các kịch bản ứng dụng và mô hình kinh doanh cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hơn nữa, tốc độ dữ liệu nhanh hơn và độ trễ cực thấp được cung cấp bởi công nghệ 5G sẽ nâng cao trải nghiệm người dùng khi sử dụng các dịch vụ 5G như trò chơi dựa trên điện toán đám mây; trò chơi dựa trên thực tế ảo (VR: Virtual Reality); phát video độ nét cực cao và nhiều ứng dụng cao cấp khác.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (MSIT), số liệu thống kê vào tháng 6 năm 2022 cho thấy mức sử dụng dữ liệu trung bình trên mỗi khách hàng 5G đạt 26,8 Gigabyte, cao hơn 3 lần so với mức sử dụng dữ liệu trung bình trên mỗi khách hàng 4G (8,2 Gigabyte).

Tại Trung Quốc, số liệu thống kê cũng cho thấy mức sử dụng dữ liệu trung bình trên mỗi khách hàng 5G cao hơn 2 lần so với mức sử dụng dữ liệu trung bình trên mỗi khách hàng 4G.

Trong khi đó, tại Phần Lan, người dùng điện thoại thông minh 5G của nhà khai thác di động DNA tiêu thụ 33 Gigabyte dữ liệu mỗi tháng vào năm 2021, cao hơn 15% so với người dùng điện thoại thông minh 4G và cao hơn gần 7 lần so với người dùng điện thoại thông minh 3G, trong khi người sử dụng modem 5G tiêu thụ 231 Gigabyte mỗi tháng, cao hơn 115% so với mức sử dụng của modem 4G.

Các nhà khai thác di động 5G ở một số thị trường đã sử dụng gói dịch vụ dựa trên nội dung để khuyến khích chi tiêu hàng tháng cao hơn và cho phép người dùng tiếp cận với các dịch vụ nội dung nâng cao của 5G như trò chơi trên đám mây, phát video độ nét cực cao và thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường (AR/VR). Những động lực về giá cả và trải nghiệm người dùng này đang góp phần làm tăng mức doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) lên từ 10% đến 20% khi người dùng nâng cấp từ 4G lên 5G.

Các số liệu khảo sát cho thấy, doanh thu trung bình trên một khách hàng sử dụng mạng 5G cao hơn 1,3 lần so với khách hàng sử dụng mạng 4G ở Mỹ và cao hơn 1,6 lần ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, thị trường truy cập vô tuyến cố định 5G cũng đã tạo ra một nguồn doanh thu mới khi số lượng các nhà khai thác di động đầu tư vào thị trường này ngày càng tăng lên trên phạm vi toàn cầu.

Truy cập vô tuyến cố định 5G là một giải pháp truy cập băng rộng vô tuyến dựa trên nhu cầu thị trường băng rộng, phát huy tối đa các đặc tính của phạm vi phủ sóng vô tuyến, triển khai nhanh và với công năng như mạng cáp quang. Giải pháp này sẽ giúp các nhà khai thác di động rút ngắn chu kỳ xây dựng mạng lưới của họ và tiết kiệm chi phí xây dựng mạng.

Ứng dụng truy cập vô tuyến cố định 5G đã mang lại nguồn doanh thu tốt cho các nhà khai thác di động tại các quốc gia vùng Vịnh, Hoa Kỳ và một số thị trường châu Âu như Phần Lan, Áo, Đức và Thụy Sĩ.

Chẳng hạn như nhà khai thác di động Magenta của Áo và Sunrise của Thụy Sĩ đã tạo ra nguồn thu mới từ việc triển khai dịch vụ truy cập vô tuyến cố định 5G tại các khu vực không có kết nối cáp quang. Tại các thị trường quốc gia vùng Vịnh, truy cập vô tuyến cố định 5G đã làm tăng doanh thu của nhà khai thác di động Zain ở Ả Rập Saudi và Kuwait lên hơn 30% so với 4G, trong khi nhà khai thác di động T-Mobile của Hoa Kỳ đã có hơn 1,5 triệu khách hàng sử dụng truy cập vô tuyến cố định 5G, đóng góp khoảng 1,5% doanh thu trả sau của nhà mạng.

Bên cạnh việc tạo ra nguồn thu mới từ các nội dung nâng cao của 5G, triển khai ứng dụng truy cập vô tuyến cố định 5G thì các nhà khai thác di động trên toàn cầu cũng đang nhắm mục tiêu vào mạng 5G dùng riêng như một lĩnh vực kinh doanh mới.

Mạng 5G dùng riêng là mạng di động 5G dành riêng cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng để kết nối máy móc, phương tiện, con người trong khuôn viên, trong nhà máy hoặc trên một phạm vi nhất định và tách biệt với mạng thông tin di động công cộng.

Mạng 5G dùng riêng có thể cung cấp độ trễ thấp, băng thông cao và kết nối an toàn, tin cậy trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như sản xuất, hậu cần, năng lượng, khai thác và giáo dục…

Báo cáo của Grand View Research cho biết,quy mô thị trường mạng 5G dùng riêng toàn cầu đạt 1,38 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến ​​sẽ đạt 41,02 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 49,0% trong giai đoạn 2022 - 2030.

Đánh giá về vùng phủ sóng của mạng di động 5G, Công ty Phân tích chiến lược toàn cầu Strategy Analytics cho biết, mạng 5G đã phủ sóng 27% dân số thế giới trong năm 2021 và tiếp tục tăng lên nhanh chóng trong những năm tới khi các nhà khai thác di động trên toàn cầu đẩy nhanh việc triển khai mạng 5G.

Số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) cho biết, tính đến cuối tháng 6/2022, trên toàn cầu đã có 496 nhà khai thác di động tại 150 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào 5G, thông qua các cuộc thử nghiệm hoặc đã lên kế hoạch hoặc đã triển khai trong thực tế, trong đó có 215 nhà khai thác di động đã cung cấp các dịch vụ 5G thương mại.

Việc mở rộng vùng phủ sóng 5G trên phạm vi toàn cầu cũng đã thúc đẩy việc tiêu thụ điện thoại thông minh 5G tăng lên. Tính đến cuối tháng 3 năm 2022, các nhà sản xuất điện thoại di động đã bán được hơn 500 triệu điện thoại thông minh 5G. Riêng trong quý 1/2022, điện thoại thông minh 5G đã chiếm 42% doanh số bán điện thoại di động trên toàn cầu. Các chuyên gia về điện thoại thông minh của Strategy Analytics dự báo rằng điện thoại thông minh 5G sẽ chiếm 60% doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu vào quý 4/2022.

Doanh thu từ các dịch vụ di động trên toàn cầu hiện đang tăng trưởng hơn 4% mỗi năm, đây được cho là mức tăng trưởng chưa từng có kể từ năm 2012, trong đó doanh thu từ các dịch vụ 5G đã có đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng này.

Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 nhà khai thác di động bao gồm Viettel, VinaPhone và MobiFone tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong năm 2022, Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục thử nghiệm những ứng dụng của 5G, đánh giá nhu cầu của thị trường, phương án kỹ thuật để xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả nhất khi được cấp phép chính thức.

Đánh giá về tiềm năng của mạng 5G, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho biết, đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3 đến 7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp. Ngoài ra, 5G còn góp phần phát triển về mặt xã hội và kỹ năng số của người dân Việt Nam, từ đó tạo ra những công việc liên quan tới khoa học, công nghệ, môi trường, sản xuất. Đến năm 2030, 5G dự kiến đem lại cho các nhà khai thác di động Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD./.

Tài liệu tham khảo

[1]. https://www.telecomlead.com/5g/how-telecom-operators-benefited-from-5g-business-strategy-analytics-106022

[2]. https://www.grandviewresearch.com/industry-analysis/5g-services-market

[3].https://www.grandviewresearch.com/industry-analysis/private-5g-network-market#:~:text=The%20global%20private%205G%20network,49.0%25%20from%202022%20to%202030.

[4].https://ictnews.vietnamnet.vn/vien-thong/40-tinh-thanh-pho-da-duoc-phu-song-5g-415668.html

[5]. GSA: Evolution from LTE to 5G - July 2022

Phan Văn Hòa