Nhận diện khó khăn, bất cập, tiếp tục đưa Luật Hộ tịch vào cuộc sống
(Baonghean.vn) - Luật Hộ tịch có nhiều điểm mới mang tính đột phá, cải cách mạnh mẽ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Chuẩn bị cho công tác tổng kết 6 năm thực hiện Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp về nội dung này.
P.V: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật qua 6 năm thi hành Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An?
Ông Nguyễn Công Hoan: Nhận thức được tầm quan trọng của Luật Hộ tịch, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật, với sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, để bảo đảm thi hành Luật từ ngày 01/01/2016. Sở Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu HĐND, UBND tỉnh Nghệ An ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn, bố trí đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch và tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.
Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng |
Qua 6 năm thực hiện, Luật Hộ tịch đã đạt được những kết quả quan trọng. Các cơ quan thực hiện việc đăng ký hộ tịch đã ý thức được trách nhiệm của mình, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng “sinh không khai, tử không báo” trước đây.
Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch đi vào nề nếp, cơ sở vật chất được cải thiện rõ rệt. Các việc hộ tịch đều được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng hạn, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã đăng ký hộ tịch: 1.129.529 trường hợp, trong đó: đăng ký khai sinh: 661.012 trường hợp, đăng ký kết hôn: 152.880 cặp, đăng ký khai tử: 128.492 trường hợp; đăng ký hộ tịch khác: 187.145 trường hợp.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Từ năm 2017 đến nay, phần mềm hộ tịch điện tử đã được triển khai đồng bộ, ổn định, nề nếp, tạo sự chuyển biến tốt trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, từ ngày 1/3/2020, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh… kết nối liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh của trẻ em dưới 6 tuổi trên Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch với Hệ thống cấp Thẻ bảo hiểm y tế.
Hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Gia Huy |
Sở Tư pháp cũng đã triển khai việc số hóa sổ đăng ký khai sinh (giai đoạn 2 từ năm 2006 đến hết năm 2015) trên địa bàn toàn tỉnh với số lượng: 858.133 trường hợp. Năm 2022, 2023, Sở Tư pháp tiếp tục tiến hành số hóa các giai đoạn còn lại của sổ đăng ký khai sinh và tất cả các giai đoạn của sổ đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử...Việc đăng ký hộ tịch trực tuyến được các địa phương quan tâm đẩy mạnh, đưa đăng ký hộ tịch trực tuyến đến gần hơn với người dân.
P.V: Vậy trong quá trình triển khai đưa Luật Hộ tịch vào cuộc sống đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Hoan: Thực tế, trong quá trình triển khai Luật Hộ tịch đã có những khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn như trong việc triển khai Đề án "Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử"; số hóa Sổ hộ tịch, đăng ký hộ tịch trực tuyến tại địa phương: phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch dùng chung thường xuyên bị quá tải, không đăng nhập được, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết TTHC cho người dân. Sự liên kết giữa phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp và phần mềm dữ liệu dân cư của Bộ Công an còn chưa hoàn chỉnh dẫn đến việc cấp số định danh cá nhân một số trường hợp còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đăng ký khai sinh.
Phòng Tư pháp phối hợp với Công an huyện tổ chức Hội nghị quán triệt, tập huấn, triển khai quy chế phối hợp cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu hộ tịch. Ảnh tư liệu: Đ.C |
Hiện nay phần mềm hộ tịch đã mở thêm một chức năng cho phòng Tư pháp là duyệt sửa sai sót thông tin đăng ký hộ tịch của cấp xã. Tính năng này giúp cấp huyện quản lý được thực trạng sử dụng phần mềm hộ tịch của cấp xã. Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng khối lượng công việc của phòng Tư pháp, đặc biệt là ở những phòng ít biên chế, quản lý nhiều đơn vị cấp xã. Bên cạnh đó, trên phần mềm chưa có loại trích lục ghi chú kết hôn hoặc trích lục ghi chú ly hôn nên khi cấp bản sao trích lục phải tự chỉnh sửa thủ công.
Về đăng ký hộ tịch trực tuyến, ở cấp xã và cấp huyện, khi công dân đến giao dịch, cán bộ tiếp nhận đã hỗ trợ công dân đăng ký tài khoản dịch vụ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và Cổng dịch vụ công tỉnh nhưng vẫn còn nhiều sim không chính chủ nên đăng ký không thành công. Mặt khác, do địa bàn nông thôn khả năng ứng dụng Internet trong thực hiện TTHC trên môi trường điện tử của người dân còn hạn chế nên tỷ lệ người dân thực hiện đăng ký hộ tịch còn khiêm tốn.
Bên cạnh đó, do ngân sách ở cấp xã hạn hẹp nên chưa đầu tư được một số trang, thiết bị phục vụ riêng cho công tác đăng ký hộ tịch, đăng ký hộ tịch trực tuyến như máy scan, máy photocopy. Trình độ chuyên môn, năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác hộ tịch còn hạn chế nên việc thực hiện các thao tác trên phần mềm hộ tịch chưa được nhuần nhuyễn dẫn đến một số trường hợp nhập dữ liệu còn sai sót phải chỉnh sửa hoặc đề nghị Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp hủy hồ sơ. Tính đến nay, toàn tỉnh mới chỉ đăng ký hộ tịch trực tuyến cho 847 trường hợp.
Về công tác phối hợp liên ngành giữa cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, Y tế, Giáo dục…, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: một số trường học chỉ tiếp nhận giấy khai sinh (bản sao), không chấp nhận giấy khai sinh được chứng thực từ bản chính, việc này gây khó khăn cho người dân cũng như không đúng theo quy định của Luật Hộ tịch và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chứng thực bản sao từ bản chính. Tại một số địa phương vẫn tồn tại tình trạng cấp giấy chứng sinh tùy tiện… nhiều trường hợp, quyết định ly hôn của Tòa án nhân dân chưa gửi về UBND cấp xã nơi đăng ký kết hôn hoặc nơi thường trú của hai bên nam, nữ để công chức tư pháp – hộ tịch tiến hành ghi chú vào sổ, do đó vẫn còn khó khăn khi xác định tình trạng hôn nhân của những đối tượng này.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành cũng gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, về thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài: Hiện nay, mới chỉ có thông tin về giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của một số nước trong danh mục kèm theo công văn hướng dẫn của Bộ Tư pháp, do đó, đối với những trường hợp không nằm trong danh mục địa phương còn lúng túng phải xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ làm kéo dài thời gian giải quyết.
Về đăng ký khai sinh, Luật Hộ tịch không quy định công dân được cấp lại bản chính giấy khai sinh, gây khó khăn cho công dân, bởi một số cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu bản chính để đối chiếu. Việc cấp giấy chứng tử khi đăng ký khai tử chưa có văn bản quy định cụ thể về mẫu giấy báo tử nên gây lúng túng cho UBND cấp xã trong việc thực hiện cấp giấy báo tử, cũng như thực hiện đăng ký khai tử…
P.V: Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Nghệ An có những giải pháp cũng như kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Hoan: Để tiếp tục đưa Luật Hộ tịch đi vào cuộc sống có hiệu quả, chúng tôi đã đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu sửa đổi một số quy định của Luật Hộ tịch và văn bản hướng dẫn thi hành với những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc xảy ra ở nhiều địa phương; cho phép sử dụng Trích lục bản sao khai sinh như giai đoạn trước đây để thuận tiện trong việc cấp bản sao khai sinh, giảm áp lực trong việc cấp phát biểu mẫu hộ tịch của phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch.
Bên cạnh đó, cần sớm liên thông, đưa vào cơ sở dữ liệu hộ tịch dùng chung đối với các loại việc mà cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đã thực hiện để tạo điều kiện trong việc cấp giấy tờ hộ tịch cho công dân Việt Nam đã đăng ký hộ tịch tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài nay về nước cư trú; đồng thời tránh việc đăng ký trùng với các loại việc đã đăng ký tại nước ngoài. Xây dựng quy trình rà soát dữ liệu hộ tịch đã số hóa để địa phương kịp thời điều chỉnh dữ liệu có sai sót thông tin sau khi rà soát nhằm đảm bảo dữ liệu hộ tịch “đúng, đủ, sạch”.
Đồng thời sớm nâng cấp, hoàn thiện phần mềm đăng ký hộ tịch để công chức hộ tịch thuận tiện hơn trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, các cơ quan quản lý hộ tịch nắm bắt, theo dõi dễ dàng hơn.
Lực lượng chức năng thực hiện các thủ tục cấp căn cước công dân. Ảnh tư liệu Nguyên Nguyên. |
Về phía ngành Tư pháp Nghệ An, bên cạnh việc tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng Tin học cho bộ phận công chức Tư pháp - Hộ tịch, để khắc phục những bất cập trong công tác phối hợp liên ngành trong việc triển khai thi hành Luật Hộ tịch, Sở Tư pháp đã chủ động có các văn bản trao đổi và tổ chức các cuộc hội thảo liên ngành để cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đăng ký hộ tịch.
Đặc biệt, Sở Tư pháp đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh; giao cho các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện, xã thực hiện nghiêm túc pháp luật về hộ tịch, đáp ứng yêu cầu đăng ký hộ tịch cho người dân.
P.V: Xin cảm ơn ông!