Lắng nghe tiếng nói người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
(Baonghean.vn) - Đó là chủ đề cuộc tọa đàm "Mặt trận lắng nghe tiếng nói người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022" do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An tổ chức.
Chiều 13/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tọa đàm "Mặt trận lắng nghe tiếng nói người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022". Chủ trì có đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Lê |
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước để phát triển kinh tế - xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa.
Qua đó, góp phần từng bước làm thay đổi cơ bản đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực miền núi nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Trong kết quả đó có vai trò rất quan trọng của các già làng, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong phát huy vai trò gương mẫu của mình để tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lê Văn Ngọc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thanh Lê |
Người có uy tín luôn đồng hành cùng cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp, phát huy vai trò, uy tín của mình để vận động bà con thôn, bản nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng bản, làng văn hóa, văn minh.
Tại buổi tọa đàm, đại diện người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ghi nhận Đảng, Nhà nước, MTTQ các cấp đã luôn quan tâm, chăm lo để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm trong tuyên truyền, vận động và phát huy tốt vai trò của người có uy tín.
Bà La Thị Phương - bản Phổng, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương bày tỏ trăn trở về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Thanh Lê |
Thông qua buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đề đạt, gửi gắm nhiều ý kiến, nguyện vọng như chế độ cho cán bộ ở xóm, bản còn thấp; Giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho đồng bào thiểu số vay vốn thoát nghèo; bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; Giải quyết việc làm cho con em đồng bào thiểu số, nhất là các cháu đã tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi…
Một số ý kiến cũng kiến nghị đến một số vấn đề cụ thể tại một số bản, xã như hỗ trợ xây dựng công trình tưới tiêu phục vụ đồng bào phát triển sản xuất, chăn nuôi; làm cầu dân sinh...
Các đại biểu cũng kiến nghị cần có giải pháp hữu hiệu trong giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm, hướng dẫn để người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tham gia nhiều hơn và có hiệu quả hơn các hoạt động xã hội.
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh - đồng chí Lô Xuân Vinh trao đổi các ý kiến của các đại biểu đề xuất tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, đồng chí Võ Thị Minh Sinh ghi nhận, đánh giá cao, trân trọng cảm ơn những đóng góp hết sức hiệu quả của các vị già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong việc đồng hành, hỗ trợ các hoạt động của Mặt trận ở khu dân cư.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng đã trực tiếp giải trình một số vấn đề các đại biểu hiểu rõ, từ đó tuyên truyền sâu rộng cho đồng bào hiểu. Đối với những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp thu, tổng hợp và có kiến nghị.
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh tiếp thu, trả lời ý kiến của các đại biểu. Ảnh: Thanh Lê |
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, với uy tín, kinh nghiệm của bản thân, các cụ người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, phát triển miền núi… đến với người dân một cách hiệu quả; động viên đồng bào tự lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần làm cho diện mạo nông thôn miền núi từng bước khởi sắc hơn.