Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cho ý kiến thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp

Thành Duy 16/09/2022 12:16

(Baonghean.vn) - Sáng 16/9, tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp năm học 2021 - 2022; nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

Toàn cảnh phiên họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số ban Đảng Trung ương, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

3 NHIỆM VỤ ĐỘT PHÁ TRONG NĂM HỌC 2022 -2023

Tại cuộc làm việc, ý kiến các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá kết quả năm học vừa qua. Theo đó, ngành Giáo dục Nghệ An đã đạt được 10 kết quả nổi bật về giáo dục mầm non, phổ thông; 5 kết quả về giáo dục nghề nghiệp và 5 kết quả của giáo dục đại học trong năm học 2021-2022; đặc biệt một số kết quả vượt trội so với các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước.

GS.TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An trình bày báo cáo kết quả năm học 2021 - 2022 và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022 - 2023. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, Nghệ An tiếp tục giữ vững vị trí tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, đứng vị thứ 20 toàn quốc, tăng 14 bậc so với năm 2021. Tỉnh cũng đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về nhiệm vụ năm học 2022-2023, ngành Giáo dục - Đào tạo và Giáo dục nghề nghiệp chú trọng thực hiện đồng bộ, thống nhất 3 nhiệm vụ đột phá phát triển, 6 nhiệm vụ chủ yếu về giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; 6 nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp và 6 nhiệm vụ về giáo dục đại học.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thảo luận sôi nổi, sâu sắc một số vấn đề trong lĩnh vực giáo dục, - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục quan tâm các điều kiện đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt ngoài kiến thức, còn chú trọng về kỹ năng sống; kiểm soát chất lượng tại các trung tâm dạy kỹ năng sống, ngoại ngữ; quản lý hoạt động của Hội phụ huynh; giải quyết kịp thời cho giáo viên hợp đồng;…

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy đề nghị Sở Nội vụ xem xét tăng cường phân cấp quản lý biên chế giáo viên cho các đơn vị cấp huyện, gắn với cơ chế hậu kiểm chặt chẽ để vừa đảm bảo tỉnh quản lý được, nhưng đồng thời giao cho cấp huyện và chịu trách nhiệm việc này.

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị cần thực hiện tốt việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị dạy và học, đặc biệt cần làm rõ hạng mục nào thuộc ngân sách Nhà nước đảm bảo, hạng mục nào không thuộc ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chỉ đạo đối với các địa phương quan tâm sâu sắc hơn, đặc biệt là về phương pháp, khâu tổ chức thực hiện khi tiến hành công tác sáp nhập trường, nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng nêu lên những trăn trở trong công tác giáo dục nghề nghiệp nhằm đảm bảo nguồn nhân lực có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, nêu lên sự cần thiết phải tập trung mạnh mẽ, có giải pháp hiệu quả hơn nữa trong công tác đào tạo nghề.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông phân tích toàn diện các khía cạnh và những vấn đề đặt ra trong thực hiện những khoản thu xã hội hóa trong nhà trường hiện nay.

Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế thống nhất tuyệt đối về các khoản thu xã hội hóa thông qua phụ huynh học sinh đúng tinh thần đây là một khoản đóng góp tự nguyện.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, cần phải “cởi bỏ" trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm đối với thực hiện các khoản thu từ học phí, đến các khoản đóng góp chính thức, các khoản xã hội hóa thông qua Hội phụ huynh học sinh. Ban giám hiệu các trường cũng không được lấy kết quả thực hiện các khoản thu là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của giáo viên, để đội ngũ nhà giáo yên tâm thực hiện công tác giảng dạy.

TIẾP TỤC CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT TRONG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá rất cao sự chủ động, linh hoạt của ngành Giáo dục và Đào tạo, của cấp ủy, chính quyền các cấp trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid -19, qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Trong năm học 2022 -2023, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục chủ động, linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, để đạt được kết quả cao nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận nội dung cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, liên quan đến thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với yêu cầu đặt ra là bên cạnh việc giảng dạy kiến thức, còn dạy kỹ năng sống, tin học, ngoại ngữ, hội nhập cho học sinh, trong khi nhiều địa phương trong tỉnh còn khó khăn, người đứng đầu Tỉnh ủy yêu cầu ngành chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo thực hiện tốt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của từng vùng, địa phương.

Đồng tình với các ý kiến thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh để có chỉ đạo thống nhất trong công tác xã hội hóa giáo dục, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác này.

Mặt khác, hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá cụ thể và bài bản việc thí điểm trường học trọng điểm chất lượng cao để rút kinh nghiệm kịp thời, qua đó phát huy những điểm tiến bộ, khắc phục điểm hạn chế, bất cập.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện cơ chế phối hợp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề, theo đó bên cạnh các chương trình đào tạo đã có, các trường cao đẳng, trung cấp nghề của tỉnh cần mở rộng đào tạo nghề ngắn hạn theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Niềm vui của cô, trò Trường THPT Kỳ Sơn khi bước vào năm học 2022 -2023 trong ngôi trường khang trang, được đầu tư hiện đại. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị rà soát lại mạng lưới giáo dục, vì quy hoạch đã tương đối lâu trong khi quá trình phát triển đã có những thay đổi về học sinh, đội ngũ giáo viên, hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, nghiên cứu xem các phương án sắp xếp còn phù hợp không để có tính toán, triển khai cụ thể, bài bản, tránh hành chính hóa.

Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất xây dựng mô hình cho 6 huyện miền núi vùng cao Nghệ An với 18 trường thực hiện thí điểm Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, trung học cơ sở kiểu mới; thí điểm trường phổ thông dân tộc bán trú tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn và Quế Phong; thảo luận các giải pháp nhằm huy động nguồn lực xây dựng cơ sở mới Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu đảm bảo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Bắc Trung Bộ và hội nhập quốc tế.

Cũng trong phiên làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy giày Ever Plus tại xã Long Thành và Tăng Thành, huyện Yên Thành; hỗ trợ kinh phí cho huyện Nghi Lộc đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện;...

Thành Duy