Nghệ An chuyển đổi số hệ thống thư viện công cộng

Minh Quân 16/09/2022 12:28

(Baonghean.vn) - Đó là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Kế hoạch chuyển đối số hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngày 15/9/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 630/KH-UBND về Chuyển đổi số hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đặt ra trong kế hoạch là đến năm 2025, từng bước đầu tư, phát triển hệ thống thư viện công cộng trở thành thư viện hiện đại, triển khai hạ tầng thiết bị đồng bộ, tự động hoá chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng các phần mềm quản trị thư viện tích hợp, thư viện số vào hoạt động thư viện; triển khai liên thông, tạo lập chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin giữa các thư viện trong tỉnh và cả nước.

Học sinh đến đọc sách tại Thư viện tỉnh Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Kết nối truyền thông số, các ứng dụng tương tác đọc, tra cứu trực quan cho độc giả mọi lúc, mọi nơi được thực hiện một cách hiệu quả qua kết nối Internet trên môi trường Web và ứng dụng điện thoại thông minh... Xây dựng Trang thông tin điện tử hệ thống thư viện công cộng để cung cấp dịch vụ trực tuyến trên website.

Ứng dụng tối đa các công nghệ mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số cho ngành Thư viện tỉnh Nghệ An như: công nghệ điện toán đám mây (Cloud), công nghệ thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)... để chuyển đổi số toàn diện hệ thống thư viện công cộng của tỉnh trên công nghệ hiện đại cũng như cung cấp các tiện ích tốt nhất cho các độc giả trong tỉnh.

Nhân viên Thư viện tỉnh Nghệ An nhập dữ liệu sách mới. Ảnh: Minh Quân

Kế hoạch đề ra chỉ tiêu cụ thể, đến năm 2025: 80% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học tại Thư viện tỉnh và các thư viện cấp huyện, xã thu thập, quản lý được số hóa; 100% cán bộ quản lý, người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng quản lý, vận hành thư viện hiện đại.

Cũng theo kế hoạch, định hướng đến năm 2030: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, số hóa tài liệu bảo đảm cung cấp dịch vụ thư viện hiệu quả cho người sử dụng; 100% thư viện cấp huyện được sử dụng phần mềm thư viện điện tử do Thư viện tỉnh triển khai, hướng đến hệ thống thư viện tập trung, bảo đảm tính liên thông, chia sẻ tài nguyên thuận tiện.

Học sinh Trường Tiểu học Hương Tiến, xã Thanh Hương (Thanh Chương) đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: Minh Quân

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị rà soát, tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực thư viện nhằm phục vụ có hiệu quả yêu cầu chuyển đổi số, trong đó chú trọng chính sách đối với những người làm công tác thư viện.

Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thư viện; khuyến khích việc tài trợ và đóng góp, ủng hộ vật chất cũng như các điều kiện khác thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện.

Ưu tiên đầu tư mua sắm, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật (hạ tầng phần cứng, hạ tầng phần mềm), các trang thiết bị thư viện thông minh đáp ứng yêu cầu xây dựng thư viện số theo hướng kết nối hiện đại, linh hoạt, liên thông tại Thư viện tỉnh.

Tập trung số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp vào cơ sở dữ liệu sẵn có theo hướng mở. Tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị, hệ thống thư viện thông minh trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại tại các thư viện cấp huyện, xã, thư viện tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh…

Minh Quân