Truyện ngắn: Chiếc nhẫn trung quân
(Baonghean.vn) - Lên xe đò, An mở cái bao đựng hình ra. Một chiếc nhẫn xếp bằng lá trung quân. Chiếc xe đò chở An về lại nhà buổi ấy cứ chênh chao những nỗi niềm. An nhắm mắt thiêm thiếp, vẳng bên tai là tiếng hát chiều hôm nào bên dòng sông Vàm Cỏ…
Minh họa: Vũ Thủy |
Ngoại nói mê, ngay hôm bỏ cơm, làm gì làm, cũng cho tao về với ổng nhen bây. Bữa ngoại nằm thiêm thiếp rồi với tay bắt bướm hái hoa. Giữa những tỉnh mê, ngoại biểu má lấy cái giỏ tao đi thăm ổng. Xe An Sương chuyến chiều về Tây Ninh đông lắm. Đưa tao đi sớm cho kịp. Hay vài lần má đút sữa ngoại uống trào ra. Má dỗ ngon dỗ ngọt, uống vô lấy sức đặng còn đi Tây Ninh. Ngoại lắc đầu môi mấp máy thều thào, tiếng được tiếng mất. Lắng tai nghe thiệt kỹ, rồi ráp lại lơ mơ cũng ra cái câu ổng về rủ tao đi chơi. Mấy bận đó má hay thở dài thườn thượt, ngoại bây cạn tim như ngọn đèn dầu rồi. Chắc sớm thôi.
Hồi đó ngoại học Gia Long, ông học Pétrus Ký. Gặp nhau lúc xuống đường, thương nhau từ những ngày bãi khóa. Yêu nhau từ hồi nắm tay nhau hát vang “Dậy mà đi”, từ Duy Tân ra đến Tòa đô chánh. Bị bố ráp, ông nắm tay ngoại chạy vào một nhà dân ven đường, trốn dưới gầm giường. Đêm đó, ông đưa ngoại về xóm Giếng nằm sâu trên con đường Phan Thanh Giản. Ông ngập ngừng ngỏ lời. Ngoại gật đầu hứa đợi. Rồi ông xuôi theo chuyến xe lam một chiều trái châu ỳ đùng ven đô. Mất hút. Chỉ còn vương lại nụ hôn vội bỡ ngỡ trên mái tóc dài đen mượt.
Ngoại mười bảy, bắt đầu biết ngó mong khi nghe tiếng súng vang động trên bốn ngả đường thành. Thời đó ác liệt, chỉ biết thương nhau thì chờ nhau. Tin vào một niềm tin mỏng manh rằng ông sẽ về. Tin là tin vậy thôi, chứ kỳ thực thời cuộc nghiệt ngã, người đi thì ngày càng đông, nhưng người về thì ngày càng âm u. Đôi khi là cái tin báo tử cùng vài món đồ quân hành.
Mãi một năm sau, trận Mậu Thân pháo kích dồn dập ngoài phi trường. Đêm hiu hắt tiếng gà, ngoại nghe tiếng gọi cửa, thót mình trở dậy. Ông về, đen đúa, gầy guộc, duy chỉ có ánh nhìn là sáng quắc và tình yêu thêm thắm đượm. Lần đầu tiên ông tặng cho ngoại chính là chiếc nhẫn làm bằng lá trung quân. Ông gãi đầu, đời lính nghèo, có bấy nhiêu thôi. Ông thoát ly rồi lên tận Tà Xia, có khi địch càn thì chuyển điểm qua thượng nguồn Vàm Cỏ. Núp ngay mé sông giáp ranh Cam. Động thì lặn một hơi là qua xứ bạn. Chừng êm êm thì lại mò về. Ông kể Lò Gò, ông nói Xa Mát. Bà nghe gật gù chứ có biết gì đâu. Trời chưa kịp sáng, ông lại ra đi. Ông bảo về lần này, chắc phải tàn cuộc chiến mới có thể gặp lại bà. Ngày nước nhà thống nhất, nếu ông còn về thì kêu ba má qua hỏi cưới. Còn không, ờ nếu không thì bà lấy chồng đi. Đời lính mà, biết đi là không có về. Bà khóc nhiều, mười tám tuổi, nơi chái bếp sau nhà, bà trao thân cho ông mà chẳng nghĩ ngợi gì nhiều. Biết đâu được, cả đời bà chỉ có mỗi lần này là được làm vợ của ông.
***
Ngoại hay kể với An, những chiều bên hiên ngồi đợi ông, dẫu dăm ba lần An thở dài thườn thượt khi nhìn phía bàn thờ, di ảnh ông đang cười hiền với hàm râu trắng phơ phất. Ông bây giỏi lắm, ổng gan dạ lỳ đòn. Tụi nó bắt ổng trong một lần phục ở Tà Xia, tụi nó lôi về sân bay Thiện Ngôn đánh nhừ tử, tính đem ra Côn Đảo, nhưng hình như trời thương. Đêm ổng canh tụi nó ngủ say, ổng cạy ngục rồi trốn vào rừng. Cứ lấy lá ngụy trang mà băng rừng về tới căn cứ R. Cứ lội bộ đường rừng, đói thì lấy trái rừng ăn. Khát thì tìm suối mà uống. Đi mệt thì chui vào mấy cái đám lá tối màu mà ngủ.
Tỷ như ổng nhớ rất dai bây ơi! Sau trận trốn ngục, ổng dẫn cả tiểu đội, nửa đêm vây đánh sân bay Thiện Ngôn, đánh phá vậy thôi, rồi rút. Cứ kiểu đánh du kích làm địch rối tung rối mù. Cũng trong trận đánh đó, thằng bạn thân hy sinh tại chỗ. Một thằng bị địch bắt. Ổng bị thương nằm cạnh thằng bạn thân trúng đạn. Địch cho nã liên tục. Chắc tổ tiên độ, đạn không rơi trúng lùm cây ổng trốn. Ổng nằm đó, hai tay hai súng, nằm giữ xác bạn. Là nằm chờ chết. Ổng nói giây phút đó, ổng chỉ cầu mong sau này tao lấy chồng khác vẫn được yêu thương hạnh phúc là ổng mãn nguyện. Nhưng mà ổng đâu biết, năm đó ổng còn có một đứa con đã chập chững biết hỏi ba ở đâu? May là trong đêm, bên mình tìm ra trước theo ký hiệu dấu lá để lại trên đường hành quân. Vậy là hai bên từ xa ra ám hiệu. Hai chớp ngắn ba chớp dài. Cây đèn pin buông thõng xuống giữa đám lá, ông bây kiệt sức, cũng là lúc đồng đội theo phía sáng đèn pin mà lần mò tới. Thằng bạn xác quy tập về rừng. Thằng còn lại nghe đâu cũng bị tra tấn đến chết, tụi nó cho máy bay thả xác xuống Xa Mát, xác vướng cây rừng, vắt vẻo trên cao. Mãi cả tháng sau, trên đường hành quân ngang qua, mấy anh lính chung tiểu đoàn mới phát hiện.
Ổng trở về cứ thao thiết ngày sum vầy cùng đồng đội. Bận ổng đi, ổng trối cứ đem tro cốt về rừng mà rải. Nơi đó đồng đội ổng còn đang hành quân. Nơi đó bạn bè còn chờ ổng về để báo công. Mà chừng tao mất đó An, bây cũng đem tao về nơi đó nha. Gái theo chồng mà con, đồng đội ổng có ai biết tao đâu bây. Tao về ra mắt người ta.
Ngày nào ngoại cũng thế, ra hiên đợi ông, thể như ông còn đâu đó quẩn quanh căn nhà này. Dẫu đôi lần má dùng dằng với ngoại, ông đâu mà ông, ba mất cũng gần mười năm rồi má. Hồi tàn cuộc chiến ổng về trên đôi nạng gỗ, rồi má dắt tui nè, bảy tuổi đầu chạy đi nhận ba. Rồi thêm một đám nheo nhóc lọt tọt ra đời. Ổng làm tròn bổn phận rồi má ơi. Bữa ổng xin má cho ổng về với đồng đội rồi còn gì nữa.
Hổng biết ngoại nhớ hay quên, nhưng những lần má dùng dằng như vậy, ngoại buồn rười rượi, hổng ra hiên nhà cả năm ba bữa. Chừng má nhìn xót quá thì lại làm giọng cáu gắt, ủa rồi ngoại tụi nhỏ hổng ra chờ ông về hả? Ổng về hổng có ai mở cửa là ổng đi nữa đó nghen. Vậy là ngoại lại lẩn thẩn ngồi hong nắng chiều. Mắt dịu vợi ngóng đợi. Tiếng xe máy chạy ngang qua là nhấp nhổm: Mình ơi!
***
Tháng chín Lò Gò mưa dầm dề. Anh lính biên phòng sau khi xin phép chỉ huy thì đèo An bằng con xe bụi bặm về đồn. Chiều Tà Nốt hoàng hôn chia đôi, nửa phần bên đất bạn, nửa phần bên nước mình, dẫu ở bên nào, hoàng hôn cũng vàng võ một màu cô đơn hiu hắt.
Đêm đầu tiên ở rừng An không ngủ. Tiếng côn trùng rền rĩ. Thoảng khi vẳng xa nghe như có tiếng ai hát bài quân hành. Có tiếng bước chân xào xạc theo từng nhịp đếm. Phải chăng hồn thiêng những người lính thức dậy theo những tháng ngày xưa xa vọng về?
Ngày thứ hai mưa vẫn sụt sùi, mấy anh lính ghé lán của An bảo chờ thêm một hai hôm nữa xem mưa như thế nào. Mùa mưa rừng thường dai dẳng có lúc cả tuần lễ. Khi quyết định thực hiện chuyến đi này, An cũng không biết bắt đầu từ đâu, chỉ biết thì thầm khấn ngoại dẫn đường cho An đi trót lọt, đến đâu xin cũng được đồng ý. Bữa má đắng đót tròn ba năm tang chế mà cái di nguyện của ngoại biết chừng nào làm được. Má cũng già rồi, lên rừng lội suối, sức đâu mà nổi. Mấy bận giỗ ngoại, má cứ thở dài thườn thượt. Biết khi nào ngoại bây mới về được với ông? An nhìn má, nhìn hai cái di ảnh ông bà đặt gần nhau trên bàn thờ. Ánh mắt ông bà sao xa xăm qua làn khói trắng dữ thần.
Sớm tinh mơ hôm thứ năm ở rừng, trời quang đãng, An xuôi theo chiếc tàu nhỏ cùng anh lính biên phòng về thượng nguồn sông Vàm Cỏ. Gió no căng sóng nước. Chiếc hũ đựng tro cốt được An cẩn thận bọc trong tấm vải trắng. An hỏi ngoại có nghe tiếng đêm rì rầm không, chắc ông đang cùng đồng đội hành quân qua những cánh rừng lá thấp. Ở rừng có nhiều cái hay, tỷ như cái hoa dầu nó to gấp năm lần mấy cánh dầu của thành thị. Hay như trẻ em nơi này lấm lem đen trùng trục nhưng hễ gặp An thì khoanh tay chào rất lễ phép. Dân biên giới chẳng có gì, có mỗi tấm lòng thảo thơm. Hôm con gà, bữa trái bắp, có khi là dăm ba bó rau rừng nhưng chân tình thắm thiết. Mấy anh lính rừng anh nào cũng hiền, cũng thương đứa con gái thị thành. Nghe mưa là hối hả chạy về lán của An, sợ cô bị dột, bị lạnh, hay bị muỗi rừng đốt sưng tấy da thịt thị thành. Bữa mưa rỉ rả, nhưng có dịp chạy ra chợ huyện, anh lính biên phòng cũng ráng mua cho cô nước xịt côn trùng, thứ cả đời lính biên phòng chẳng dùng tới. Giờ thì An hiểu vì sao ông thương cái mảnh đất giáp biên này đến vậy. Cạn cùng cuộc đời cũng nhất quyết về với Lò Gò mà thôi.
Từng đợt tro ngoại được An thả xuôi dòng. Vậy là ngoại lại về với ông. Hổng biết ngoại ra mắt đồng đội ông có vui lắm không? Chẳng còn tiếng pháo sáng, chẳng còn mùi khói súng, chẳng còn cái thắt thẻo trông đợi ngóng chờ của thời lửa đạn. Ngoại về với ông, đất Lò Gò lại thêm một hương linh tìm về như mười bốn ngàn hương linh tề tựu tại đây, họ nằm nghe khúc quân hành vang dậy rừng xanh.
Anh lính biên phòng cho tàu cặp sát mé sông. Cô có gì buồn thì gởi vào cây gừa ngàn tuổi này nhen! Lính biên phòng tụi tui mỗi lần nhớ nhà, nhớ cha mẹ, hay đại thể có gì buồn lo, cũng đến cây gừa này mà thủ thỉ với ông Gừa. Hồi đó có anh bạn cắc cớ, hỏi cây gừa sao đời lính cái gì cũng vui, mỗi tội khó có người yêu quá. Vậy mà linh thiệt đó cô. Chừng năm sau ảnh lấy được vợ. Gừa ngàn năm nên thiêng lắm cô à!
An ngồi giữa chiều tháng Chín. Rừng lào xào lá đổ. An nói gì với ông Gừa, với đất Lò Gò, với dòng Vàm Cỏ đây? Hổng lẽ An nói con tim mình đã để quên lại mảnh đất này! Hoàng hôn bắt đầu thẫm tím mé sông. Tàu xuôi dòng về lại đồn Lò Gò. Bốn bề lặng im. Ờ thì lặng im từ lúc An khẽ khàng nói ngày mai mình về lại thị thành. Anh lính biên phòng chưng hửng rồi lặng lẽ nổ máy tàu. Sóng nước dập dềnh mấy cây tràm ven sông. Anh lính biên phòng khẽ hát bài ca về miền Đông đất đỏ. Giọng hát quyện gió treo lưng lửng thinh không. Tóc An bay theo rối cả một vùng mắt buồn. Tiếng hát bời bời sóng nước rừng thiêng.
Sớm trời chưa hửng nắng, anh lính biên phòng mang đến cho An một bịch rỏi vừa hươm hươm chín. Lính đâu có gì, lính chỉ mấy thứ trái rừng. Ờ có thêm cái này. Mấy cái lá trung quân này ngộ lắm, lửa đốt không cháy. Tui… ờ thì tui… xếp mấy cái hình vui vui tặng cô giáo coi thử thích hông nhen!
Ngồi phía sau xe anh lính biên phòng về lại chợ huyện, An ngoái đầu nhìn bụi tung mờ mảnh đất giáp biên. Nghe lòng mình dường như đâm chồi nảy nở một nhánh cây thương tưởng cho cánh rừng này. Lên xe đò, An mở cái bao đựng hình ra. Một chiếc nhẫn xếp bằng lá trung quân. Chiếc xe đò chở An về lại nhà buổi ấy cứ chênh chao những nỗi niềm. An nhắm mắt thiêm thiếp, vẳng bên tai là tiếng hát chiều hôm nào bên dòng sông Vàm Cỏ…