Chủ tịch UBND tỉnh: Phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo cam kết đã ký
(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư thực hiện quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công theo mục tiêu trong Nghị quyết số 124 của Chính phủ, đúng cam kết đã ký.
Sáng 20/9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban toàn tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham gia hội nghị có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị giao ban toàn tỉnh về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Ảnh: Phạm Bằng |
ĐÁNH GIÁ ĐÚNG NGUYÊN NHÂN, ĐỀ RA ĐÚNG GIẢI PHÁP
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, mặc dù lãnh đạo UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, thúc đẩy, đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh rất chậm, tỷ lệ đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước.
Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, nhìn thẳng vào vấn đề, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hội nghị phân tích, đánh giá đúng nguyên nhân, đề ra đúng giải pháp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của năm 2022, tối thiểu đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 124 của Chính phủ: Giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 95-100%; vốn ngân sách địa phương đạt 100%; vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt tối thiểu 50%. Mỗi cá nhân, đơn vị phải xác định trách nhiệm chung, cùng gánh vác để thúc đẩy và đạt mục tiêu đề ra, vì thời gian từ nay đến hết năm chỉ còn 4 tháng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc Hội nghị giao ban về công tác giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Phạm Bằng |
Năm 2022, Nghệ An được giao kế hoạch vốn đầu tư công tập trung 7.124,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hơn 5.566 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 1.557 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ chi tiết cho 201 dự án với số vốn hơn 5.801 tỷ đồng, còn hơn 1.322 tỷ đồng chưa được giao chi tiết cho các chủ đầu tư.
Đến ngày 10/9, tổng vốn đầu tư công tập trung của tỉnh đã giải ngân hơn 2.119 tỷ đồng, đạt 29,74%; nếu không tính các khoản chưa phân bổ chi tiết (bao gồm nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn chuẩn bị đầu tư nguồn ngân sách địa phương) kết quả giải ngân đạt 36,52%; kế hoạch vốn kéo dài đã giải ngân hơn 360 tỷ đồng, đạt 13,3%.
Toàn tỉnh có 19 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân chung của tỉnh (36,52%); 18 huyện, thành, thị và 13 đơn vị chủ đầu tư giải ngân có tỷ lệ dưới mức bình quân chung của tỉnh; 15 đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân. Tính theo dự án, có 130/201 công trình giải ngân dưới 50%, trong đó có 61 công trình với kế hoạch vốn hơn 890 tỷ đồng chưa giải ngân.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng |
Đến hết năm 2022, dự kiến có 27 dự án không giải ngân hết, với số vốn hơn 560 tỷ đồng. Một số đơn vị có vốn lớn và nhiều dự án giải ngân dưới 50%, gồm Khối huyện, thành, thị: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và Diễn Châu; Khối ngành: Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, có 4 dự án trọng điểm tiến độ giải ngân chậm: Dự án Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (giai đoạn 2); Dự án đường ngang N5 trong Khu kinh tế Đông Nam; Dự án đường ngang N2 trong Khu kinh tế Đông Nam; Dự án đường giao thông nối Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ).
Phó Giám đốc Sở TT&TT Phan Nguyên Hào báo cáo nguyên nhân dự án do Sở làm chủ đầu tư đến nay chưa giải ngân được. Ảnh: Phạm Bằng |
Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị báo cáo nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Ban đạt thấp. Ảnh: Phạm Bằng |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức cho rằng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chậm, tỷ lệ đạt thấp là do giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến; Quy trình thực hiện thủ tục đối với các công trình khởi công mới và công trình chuyển tiếp có gói thầu mới mất nhiều thời gian; Nguồn vốn kéo dài từ các năm trước sang năm 2022 giải ngân chậm; Các dự án ODA còn nhiều vướng mắc...
Đặc biệt, một số chủ đầu tư, ngành, huyện chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Năng lực một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn, xây lắp, giám sát... chưa đáp ứng yêu cầu.
Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai Nguyễn Hữu An báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Phạm Bằng |
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, chủ đầu tư báo cáo cụ thể nguyên nhân kết quả giải ngân chậm, thấp; nêu khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới. Một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay. Trong đó, hầu hết các huyện, ngành, chủ đầu tư đều cam kết phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng, để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân đầu tư công, cần xây dựng tiến độ chi tiết của từng dự án theo các mốc thời gian cụ thể; rà soát đánh giá lại năng lực của nhà thầu, đơn vị tư vấn; nghiệm thu theo tuần, theo tháng để giải ngân tốt hơn và thường xuyên báo cáo giám sát đầu tư để điều chỉnh giá, tránh thất thoát, lãng phí, quản lý dự án tốt hơn; chủ động đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Đặc biệt, cần mạnh dạn điều chỉnh những chủ đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm; không giao làm chủ đầu tư các dự án cho những đơn vị này những năm tiếp theo. Song song với đó, đồng chí đề nghị không vì tiến độ giải ngân mà làm ẩu, không đảm bảo chất lượng công trình.
THỰC HIỆN ĐÚNG CAM KẾT ĐÃ KÝ, PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH MỤC TIÊU
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao một số ngành, địa phương có sự quan tâm, tỷ lệ giải ngân tốt: Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Sở Văn hoá và Thể thao, các huyện Nghi Lộc, Quế Phong, Kỳ Sơn...
Đi sâu phân tích nguyên nhân chủ quan khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt thấp, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, một số chủ đầu tư của ngành, huyện chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều dự án đã có chuẩn bị từ trước nhưng không chủ động; lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu chưa đúng.
Công tác chuẩn bị đầu tư còn hạn chế, không kỹ, không sát, dẫn đến hồ sơ thủ tục chậm. Trong công tác giải phóng mặt bằng, ngoài nguyên nhân khách quan, nhiều địa phương chưa chủ động, chưa theo tinh thần "mặt bằng đi trước một bước".
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kết luận hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Đối với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, Nghệ An được bố trí vốn lớn, có nhiệm vụ phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nhưng thực tế, các ngành, địa phương triển khai rất chậm.
Nhắc lại các mục tiêu trong Nghị quyết số 124 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, thời gian giải ngân chỉ còn khoảng 4 tháng trong khi khối lượng công việc, số lượng dự án chưa giải ngân còn rất nhiều.
Trên cơ sở nhìn nhận rõ nguyên nhân, vướng mắc, trong thời gian tới, người đứng đầu UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư căn cứ mục tiêu trong Nghị quyết số 124 của Chính phủ, căn cứ số vốn, số dự án được giao trong năm 2022 để thực hiện theo đúng cam kết đã ký. Những ngành, địa phương, người đứng đầu nào không hoàn thành cam kết giải ngân vốn đầu tư công thì không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào cuối năm.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động hơn nữa, tiếp tục rà soát, đôn đốc các ngành, địa phương, chủ đầu tư thực hiện cam kết đã ký; kịp thời báo cáo các vướng mắc, tồn tại; thẳng thắn chỉ ra ngành, địa phương, chủ đầu tư nào năng lực hạn chế, có phương án thay thế ngay.
Đối với 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thành công tác giao chi tiết vốn, chậm nhất trước ngày 30/9 để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua; phấn đấu đến hết năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đạt tối thiểu 50%.
Mặt khác, các ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung xử lý các vướng mắc, khó khăn đã nhận diện ra; trong đó các ngành liên quan phải cùng tham gia tham mưu tháo gỡ.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Đánh giá công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương giải quyết các vướng mắc, nhất là các địa phương như: TP. Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai... Mặt khác, các sở, ngành chuyên môn tập trung hỗ trợ các ngành, địa phương rút ngắn thời gian thẩm định các thủ tục đầu tư các dự án.
Ngành Tài nguyên và Môi trường giúp đỡ, hướng dẫn các huyện xung quanh công tác mỏ đất, xác định giá đất, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ngành Xây dựng cập nhật thường xuyên, tính giá hợp lý, công bố giá nguyên vật liệu theo tháng để giúp chủ đầu tư, nhà thầu cơ sở trong quá trình triển khai dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu đủ năng lực từ khi bắt đầu triển khai những thủ tục đầu tiên của dự án để hồ sơ dự án đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đối với nhà thầu năng lực yếu, chủ đầu tư quyết định việc thay thế. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, cần chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, cố gắng rà soát khối lượng thực hiện hàng tuần, hàng tháng.
Lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Các chủ đầu tư cũng phải rà soát kỹ, cụ thể các dự án không có khả năng thực hiện giải ngân, tập trung biện pháp tăng tỷ lệ giải ngân, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao, hạn chế việc điều chuyển vốn, đặc biệt là trả vốn.
Song song với đó, các ngành, địa phương chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2023 sát với thực tế để đăng ký nhu cầu vốn. Ngành, địa phương, chủ đầu tư nào không giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 đạt yêu cầu thì xem xét giảm bố trí vốn hoặc dừng bố trí vốn trong năm 2023.