Nghệ An tiếp tục chỉ đạo ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Phú Hương 23/09/2022 18:38

(Baonghean.vn) - Trước tình hình mưa lớn xảy ra liên tục trên địa bàn tỉnh, chiều 23/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An tiếp tục có Công văn số 178/BCH PCTT chỉ đạo tập trung ứng phó.

Để tập trung ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt một số nội dung cần thiết, tập trung ứng phó diễn biến thời tiết phức tạp.

Tập trung lực lượng, phương tiện, nhất là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai khẩn trương tiến hành khắc phục nhanh các hậu quả do mưa lớn gây ra, khôi phục sản xuất, sớm đảm bảo ổn định đời sống cho người dân bị thiệt hại.

Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời diễn biến mưa lũ để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Nhiều tuyến đường miền núi Kỳ Sơn hư hỏng sau mưa lớn đầu tháng 9/2022. Ảnh tư liệu: Quang An

Chủ động triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ, hồ đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Đặc biệt, để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân và tài sản của Nhà nước, các địa phương, đơn vị phải tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc.

Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ; nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người; tuyệt đối không để người dân có tư tưởng chủ quan trước, trong và sau mưa lũ; đặc biệt quan tâm, giám sát đối với người già, trẻ em, người khuyết tật sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng.

Tràn trên địa bàn huyện Quỳ Châu ngập nước trong sáng 9/9. Ảnh: Văn Trường

Bên cạnh đó, phải tập trung kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Các địa phương, ngành, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh (qua Văn phòng thường trực).

Phú Hương