Nghệ An có 82 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm OCOP 3 sao trở lên
(Baonghean.vn) - Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, Nghệ An hiện có 864 hợp tác xã, trong đó có khoảng 57% hợp tác xã sản xuất kinh doanh khá tốt; 35 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 47 hợp tác xã có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Sáng 23/9, đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề: "Chuyển đổi số - động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022".
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG KINH TẾ HỢP TÁC, HỢP TÁC XÃ CÒN CHẬM
Khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong khu vực kinh tế tập thể và cho rằng, nguyên nhân khu vực này phát triển không nhanh là do chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. Vì thế, kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.
Báo cáo những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức kinh tế hợp tác trong chuyển đổi số, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, chuyển đổi số tại các hợp tác xã vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn bởi ba nguồn lực quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời là điều kiện nền tảng để thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin tại các hợp tác xã nông nghiệp gồm tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực đều hạn chế.
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng |
Trong đó, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp đang gặp khó khăn về vốn trong kinh doanh, khó bố trí nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật; mức độ sẵn sàng và khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã đều ở mức dưới trung bình.
Cơ sở vật chất từ nhà xưởng đến trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số còn lạc hậu. Vẫn còn thiếu những quy định, cơ chế thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi đặc thù áp dụng cho đối tượng đặc thù hợp tác xã liên quan đến chuyển đổi số. Các hợp tác xã khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển và thông tin liên quan đến chuyển đổi số.
"Để chuyển đổi số thành công, vấn đề cốt lõi là thay đổi nhận thức của các thành viên của hợp tác xã. Khi các hợp tác xã nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thì sẽ có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, thay đổi mô hình quản trị", Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nói và đề nghị tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho các lãnh đạo hợp tác xã, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp, có cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ về nguồn nhân lực, tài chính cho các hợp tác xã...
NGHỆ AN CÓ 35 HỢP TÁC XÃ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Tại diễn đàn, một số hợp tác xã đã báo cáo thực trạng chuyển đổi số, các khó khăn, vướng mắc; đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm, phương thức thực hiện chuyển đổi số tại các hợp tác xã ở các nước tiên tiến; các địa phương đã báo cáo thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã; các bộ, ngành báo cáo về thách thức, cơ hội chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã và phản hồi, tiếp thu các chính sách.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, Nghệ An hiện có 864 hợp tác xã. Số hợp tác xã đạt kết quả khá, tốt đạt khoảng 57%, đóng góp vào khu kinh tế tập thể, hợp tác xã và GRDP của tỉnh chiếm 4,62%, cao hơn bình quân chung của cả nước là 3,62%.
Về tình hình chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo, trong xu thế chuyển đổi số, 1 số hợp tác xã đã chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng các công nghệ tạo tiền đề cho việc chuyển đổi số, bước đầu đạt được một số kết quả cụ thể.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Phạm Bằng |
Hiện tỉnh có 35 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 47 hợp tác xã có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, các hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu. Cùng với đó, xây dựng và vận hành trang thông tin cho các đơn vị giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các hợp tác xã; Triển khai đưa vào vận hành Hệ thống quản lý dữ liệu hợp tác xã nông nghiệp do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn triển khai cho các địa phương.
Chỉ ra tồn tại, hạn chế trong chuyển đổi số tại các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nghệ An sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của hợp tác xã; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hợp tác xã; tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, quản trị điều hành, quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất; tiếp tục huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chuyển đổi số.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An tham dự diễn đàn. Ảnh: Phạm Bằng |
Bên cạnh đó, các hợp tác xã cũng cần chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực tài chính của hợp tác xã và các nguồn lực khác để chuyển đổi số. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã để giảm thủ tục hành chính, chi phí và thời gian.
Tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách theo Đề án được phê duyệt. Bên cạnh đó, sớm nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký hợp tác xã theo hướng chuẩn hoá...
XÂY DỰNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHU VỰC KINH TẾ TẬP THỂ PHÁT TRIỂN
Kết luận diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Chuyển đổi số là công khai, minh bạch, bình đẳng, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp.
Nhắc lại các mục tiêu trong Nghị quyết 20, Thủ tướng cho rằng, đây là mục tiêu cao, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, ngành, đơn vị, cá nhân. Chuyển đổi số sẽ giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận tại diễn đàn. Ảnh: Phạm Bằng |
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển còn chưa tương xứng tiềm năng, nguyên nhân không phải do khu vực này không phát triển mà do các khu vực khác phát triển nhanh hơn và nguy cơ khoảng cách ngày càng gia tăng. Để tạo điều kiện cho khu vực này phát triển, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương quán triệt đầy đủ, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 20.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đổi mới tư duy, nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Chuyển đổi số không ngừng, không nghỉ, tránh việc nói không đi đôi với làm, chọn việc làm, tránh dàn trải và quan trọng là phải tạo ra kết quả thiết thực, hiệu quả. Chuyển đổi số là công việc, đòi hỏi sự chung tay của tất cả mọi người dân.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự diễn đàn. Ảnh: Phạm Bằng |
Mặt khác, cần xây dựng quy hoạch tốt, có tầm nhìn xa, lâu dài, trong đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo trong chuyển đổi số. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ cho chuyển đổi số, sử dụng thông tin có tính kết nối, liên thông, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung một cách bao trùm, tổng thể, hiện đại.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, Ban chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia, các địa phương khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trong các Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án, Chỉ thị về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Đại diện các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham dự diễn đàn. Ảnh: Phạm Bằng |
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khu vực này, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã; xây dựng mô hình và xây dựng, phát triển nền tảng số cơ bản có thể dùng chung, miễn phí, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã.
Với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ, Thủ tướng cũng đề nghị các hợp tác xã chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh để tồn tại và phát triển, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước./.