Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp trực tuyến ứng phó với bão Noru

Phú Hương 25/09/2022 15:46

(Baonghean.vn) - Trước nhận định bão Noru là cơn bão di chuyển quá nhanh, nguy hiểm, lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo: Các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến của bão. 

Chiều 25/9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến nhằm chỉ đạo ứng phó với bão Noru đang tiến vào Biển Đông với sức gió lên đến 183 km/h.

Đồng chí Lê Văn Thành - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì. Ngoài các bộ, ngành liên quan, cuộc họp có sự tham gia của 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Điểm cầu Nghệ An tham gia cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Ảnh vệ tinh của siêu bão Noru vào ngày 25/9. Ảnh: Chụp màn hình TROPICAL TIDBITS

Chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn người và tài sản

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, bão Noru di chuyển quá nhanh và nguy hiểm, là cơn bão lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây; có 4 địa phương hiện nằm trong khu vực cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, trong thang 5 cấp rủi ro thiên tai. Dự báo, từ ngày 27/9, bão sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung nước ta.

Tại cuộc họp, sau khi nghe các điểm cầu báo cáo về tình hình triển khai phương án ứng phó bão tại các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo: Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn kéo dài ở khu vực miền Trung, yêu cầu các tỉnh quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm đếm, theo dõi tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến. Ảnh: VGP/Đức Tuấn

“Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương chủ động kích hoạt các phương án theo kịch bản đã được phê duyệt, sơ tán dân trong trường hợp cần thiết; chủ động, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; khắc phục các sự cố giao thông, hướng dẫn người dân qua lại an toàn; triển khai tốt các phương án "4 tại chỗ", trực 24/24h.

Từng tỉnh căn cứ vào dự báo mưa bão và chỉ đạo của Trung ương để triển khai các biện pháp cấm biển, cấm đường, cấm ra đường, cho học sinh nghỉ học trong thời gian mưa bão. Làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin liên lạc. Trong ngày mai phải hoàn thành cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa; đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, đê sông; khẩn trương thu hoạch hoa màu đến kỳ thu hoạch...”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Nghệ An sẵn sàng ứng phó bão Noru

Tại Nghệ An, từ ngày 22/9 đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Tổng lượng mưa từ ngày 22/9 đến 7h00 ngày 25/9 phổ biến từ 70 - 150 mm, nơi cao như Quỳnh Lưu 304 mm, thành phố Vinh 261 mm, Thanh Chương 162 mm…

Tính đến 10h ngày 25/9, Nghệ An có 3.009 phương tiện với 13.778 lao động đang neo đậu tại bến; 339 phương tiện/2.019 lao động đang hoạt động trên biển; không có phương tiện nằm trong khu vực nguy hiểm. Các tàu thuyền này đã được cơ quan thông tin duyên hải thông báo về vị trí, hướng đi của bão Noru và giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Nghệ An tham gia họp trực tuyến dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu. Ảnh: Phú Hương

Hiện phần lớn các hồ, đập lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh đã đầy nước và đang được triển khai vận hành theo phương án phòng, chống thiên tai được phê duyệt. Trong 22 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, có 8 hồ chứa đang vận hành theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả; các hồ còn lại vận hành theo quy trình đơn hồ, tất cả đã được phê duyệt các phương án phòng, chống thiên tai, phương án an toàn đập và hồ chứa.

Nghệ An cũng đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện và tài sản của Nhà nước, nhân dân. Sẵn sàng công tác tiêu úng; thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch.

Tổ chức nghiêm túc công tác trực ban 24/24 giờ để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Phú Hương