Thủ tướng Chính phủ: 'Nếu có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân'

Phạm Bằng 26/09/2022 12:20

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân, chưa làm tròn trách nhiệm với quê hương, đất nước. 

Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TỶ LỆ GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG ĐẠT 46,7%

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp góp phần tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giải quyết việc làm, tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển nhanh, bền vững. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm. Vì vậy, cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp như thế nào?

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị hơn 526.105 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 222.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 304.105 tỷ đồng. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ, giao chi tiết kế hoạch cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân hơn 508.362 tỷ đồng, đạt 93,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Quang cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An.

Ước giải ngân đến ngày 30/9, cả nước đã giải ngân được 253.148 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch giao; 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 14 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương giải ngân dưới 20% kế hoạch giao.

Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đến ngày 23/9 đã có 47/52 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; trong đó có 29/52 địa phương đã phân bổ, giao 100% kế hoạch được giao. 10/52 địa phương giao trên 90% kế hoạch, còn lại giao được trên 70% kế hoạch.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có khoảng 25 tồn tại, khó khăn, vướng mắc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dẫn đến việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thuộc 3 nhóm: khó khăn liên quan đến thể chế, chính sách; khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện và khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nguyên nhân triển khai chậm là do công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn tại một số địa phương chưa đảm bảo thời hạn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư tại các cấp ở hầu hết các địa phương chưa hoàn thành.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo. Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng đã báo cáo kết quả giải ngân và phân tích, làm rõ, cho ý kiến vào các kiến nghị của các địa phương.

Năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư công của tỉnh Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ giao là 10.685,521 tỷ đồng. Tính đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đã giải ngân là 4.159,55 tỷ đồng/kế hoạch, đạt 38,93%. Nếu không tính nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, kết quả giải ngân của tỉnh đạt 44,3%, trong đó nguồn ngân sách Trung ương đạt 42,41%.

GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG LÀ NHIỆM VỤ HẾT SỨC QUAN TRỌNG

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu tham dự hội nghị và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tổng hợp, hoàn thiện, khẩn trương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành 10 Nghị quyết, tổ chức 3 cuộc họp toàn quốc; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo về đầu tư công nhưng chuyển biến trong giải ngân còn ì ạch, chậm chạp. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; các địa phương đầu tư tập trung, không dàn trải; báo cáo kịp thời các vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận tại hội nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung tháo gỡ, tham mưu Chính phủ tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra. Các cơ quan Trung ương, địa phương phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt triển khai các giải pháp đã đề ra, tập trung đẩy mạnh giải ngân dự án trọng điểm đảm bảo thủ tục pháp lý, hiệu quả, chất lượng. Nghiên cứu giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng đến từng chủ đầu tư, coi chỉ tiêu giải ngân là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm và xem xét giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của đơn vị.

Các bộ, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao, đảm bảo về thời hạn, chất lượng, khả thi theo Nghị quyết số 124/NQ-CP. Thực hiện nghiêm pháp luật về đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Các bộ, ngành Trung ương, địa phương phải xác định, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục về đầu tư công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn về các nội dung liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư công. Các ngành, địa phương những tháng cuối năm dành thời gian ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phạm Bằng