Tăng cường giám sát của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí

Thành Duy 27/09/2022 12:43

(Baonghean.vn) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý cần tăng cường giám sát của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí theo hướng triển khai các hoạt động giám sát như: Chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri.

Sáng 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 nhằm tạo sự thống nhất về ý chí và hành động và sự chủ động, góp phần tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Toàn cảnh hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Thượng tướng Trần Quang Phương, Nguyễn Đắc Định, Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Cùng dự có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Cùng dự có Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi; các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An, cùng lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh và một số sở, ngành.

TRIỂN KHAI 4 CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, chương trình, kế hoạch nhiệm kỳ của Quốc hội; là năm tập trung cho triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Căn cứ đặc điểm tình hình năm 2023 và đề xuất của các cơ quan, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023 và Kế hoạch số 248/KH-UBTVQH15 ngày 04/8/2022 nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Theo đó, năm 2023, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành các hoạt động xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Đoàn giám sát báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh - đại biểu Quốc hội khóa XV dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” tại phiên họp tháng 8 và tháng 9/2023.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và triển khai Chương trình giám sát năm 2023; tiến hành tham luận, thảo luận, đề xuất các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội.

TĂNG CƯỜNG TÍNH TRANH LUẬN, ĐI SÂU LÀM RÕ VẤN ĐỀ

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đã khái quát những đổi mới, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác giám sát; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, đáp ứng yêu cầu, mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

Trên cơ sở đó, để triển khai có hiệu quả các chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn ĐBQH, từng ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

“Xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, là khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát.

Theo đó, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo điều hành, phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng chủ động, thống nhất, tránh trùng lặp và phù hợp với từng chuyên đề giám sát, từng hoàn cảnh cụ thể; tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề; tăng cường sử dụng thông tin từ kết quả các cuộc giám sát có liên quan, các thông tin từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, các chuyên gia; tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn; tăng cường hoạt động chất vấn và ban hành nghị quyết về chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thường xuyên xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện;…

“Ngay sau hội nghị này, các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu dự hội nghị để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành để tổ chức thực hiện ngay trong năm 2022”, đồng chí Vương Đình Huệ chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý cần tăng cường giám sát của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí theo hướng triển khai các hoạt động giám sát như: Chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri.

Các đại biểu Quốc hội dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn ĐBQH và ĐBQH phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; phát huy cơ chế tham gia của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các ban chỉ đạo cấp tỉnh; MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhân dân và các cơ quan truyền thông báo chí trong các hoạt động giám sát của Đảng và Nhà nước, trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu căn cứ tình hình thực tế lồng ghép nội dung về phòng, chống tiêu cực trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Chính phủ, Toàn án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải báo cáo Quốc hội nội dung này./.

Thành Duy