Nghệ An: Các địa phương kiểm tra công tác ứng phó bão Noru

Thanh Toàn - Thuý Hằng 27/09/2022 16:59

(Baonghean.vn) - Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 4 (tên gọi quốc tế là Noru), ngày 27/9, một số địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão.

* Tại huyện Quỳnh Lưu, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do đồng chí Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã về kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 4. Cùng đi có lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện.

Đoàn đã đến kiểm tra công tác ứng phó bão tại một số địa điểm xung yếu như Cảng Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận), vùng rau màu thuộc các xã Bãi Ngang, vùng nuôi cá nước ngọt (xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lâm)…

Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đoàn kiểm tra công tác ứng phó bão tại cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thanh Toàn

Theo báo cáo, Quỳnh Lưu hiện có 750 phương tiện đánh bắt xa bờ, tính đến 10h sáng 27/9 đã có 727 phương tiện vào bờ neo đậu tại bến an toàn và 7 phương tiện đang hoạt động trên biển. Trong đó, 2 phương tiện hoạt động vùng biển ven bờ tỉnh Nghệ An và 5 phương tiện hoạt động ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ.

Về tình hình sản xuất, do ảnh hưởng gió mùa nên từ ngày 24 - 26/9, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có mưa to, làm cho khoảng 600 ha rau màu đang thời kỳ gieo trồng và chăm sóc của bà con nông dân bị ngập nước, hư hỏng, nặng nhất là các xã vùng bãi ngang. Ngoài ra, toàn huyện cũng có hơn 50ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng.

Đoàn kiểm tra vùng nuôi cá nước ngọt tại xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Thanh Toàn

Quá trình kiểm tra, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Bão số 4 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua đang tiến vào đất liền khu vực Trung bộ. Mặc dù Nghệ An không phải là trọng tâm của cơn bão, nhưng địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, cần chủ động triển khai các phương án, kế hoạch; tập trung huy động tối đa lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cho mọi tình huống.

Các ngành chức năng cần phối hợp với Bộ đội Biên phòng thông báo tình hình diễn biến của bão Noru, kêu gọi chủ các phương tiện tàu thuyền đang khai thác thuỷ, hải sản, tàu thuyền hoạt động trên biển khẩn trương vào bờ, di chuyển tránh bão; kiểm tra, rà soát, neo đậu tàu thuyền ở vị trí an toàn. Yêu cầu các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản có biện pháp bảo vệ lồng bè và lên bờ tránh trú trước thời điểm bão đổ bộ. Chú trọng làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những khu vực, địa bàn có nguy cơ ngập do nước biển dâng để phối hợp tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương phương án di dời người dân tránh bão và có phương án ứng phó.

* Cùng ngày, tại huyện Đô Lương, các đồng chí: Hoàng Văn Hiệp - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và Trần Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ban quản lý dự án huyện đã khẩn trương kiểm tra các công trình hồ đập trước cơn bão Noru.

Đập Mới xóm 1, xã Đại Sơn tưới tiêu cho 30-50 ha đất nông nghiệp của xã. Qua kiểm tra, đã xảy ra tình trạng sạt lở nơi thân đập, có nguy cơ vỡ và hư hỏng hệ thống cống nước, ảnh hưởng tới 200 hộ dân tại đây.

Cầu Đường Pam tại xóm 8, xã Đại Sơn (Đô Lương) đã bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Thuý Hằng

Tại cầu Đường Pam ở xóm 8, xã Đại Sơn cũng đã bị sụt lún, sạt lở nơi chân cầu. Nếu mưa lớn có thể gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến 200 hộ dân nơi đây.

Đoàn cũng đã về tại đập Chùa ở xóm 8, xã Trù Sơn kiểm tra tình trạng sạt lở tại bờ đập. Hiện tại thân đập đã bị sạt lở hàng chục mét khối đất, gây ảnh hưởng tưới tiêu trên 30 ha đất nông nghiệp.

Kiểm tra thân đập Chùa, xã Trù Sơn. Ảnh: Thuý Hằng

Để bảo đảm an toàn về người, tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão Noru gây ra, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương yêu cầu UBND các xã thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru, chủ động ứng phó phòng tránh mưa lớn, gió giật mạnh có thể xảy ra trong những ngày tới. Chú ý kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm, các khu vực ven sông, hồ, đập, khu vực thấp trũng, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra./.

Thanh Toàn - Thuý Hằng