Bà Merkel cho rằng phương Tây cần xem xét nghiêm túc cảnh báo của ông Putin
Cựu thủ tướng Đức Merkel cho rằng, phương Tây nên xem xét nghiêm túc cảnh báo hạt nhân của ông Putin, bởi đó không phải "lời nói suông".
"Không nên coi những phát biểu đó là nói suông, việc xem xét chúng một cách nghiêm túc cũng không phải dấu hiệu của yếu đuối. Ngược lại, đó là biểu hiện khôn ngoan chính trị", cựu thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại sự kiện ra mắt Quỹ Thủ tướng Helmut Kohl ở Berlin ngày 27/9.
Bình luận của bà được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước rằng Moskva sẽ sử dụng "mọi biện pháp để bảo vệ đất nước và người dân" nếu toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa. Theo ông Putin, những người sử dụng hành vi "tống tiền hạt nhân" chống lại Nga "nên biết rằng gió có thể xoay chiều".
Đây là một trong những lần hiếm hoi bà Merkel bình luận về chính sách với Nga, kể từ khi bà mãn nhiệm năm ngoái. Trong 16 năm bà nắm quyền, Đức đã xây dựng quan hệ tốt với Nga, nhưng cũng phụ thuộc lớn vào năng lượng nước này.
Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel tại sự kiện ra mắt Quỹ Thủ tướng Helmut Kohl ở Berlin ngày 27/9. Ảnh: AFP |
Bà cũng từng bị chỉ trích vì quan hệ làm ăn với Moskva, dù ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Nga do phương Tây áp đặt sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Hồi tháng 6, bà Merkel nói việc bà từ chức năm ngoái có thể ảnh hưởng đến quyết định của ông Putin về phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bà cũng thừa nhận sự thất bại của bản thân trong việc tạo ra "khuôn khổ đàm phán bổ sung với Nga về trật tự an ninh châu Âu, bên cạnh định dạng Normandy", từng mở đường cho các thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015 để hạ nhiệt xung đột ở miền đông Ukraine từ năm 2014.
Ông Putin hôm 21/9 tuyên bố Nga có thể sử dụng mọi công cụ sẵn có, kể cả các loại "vũ khí với mức độ hủy diệt khác nhau", để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ". "Toàn vẹn lãnh thổ" Tổng thống Nga nhắc tới có thể sắp bao gồm 4 vùng lãnh thổ của Ukraine là Donetsk, Lugansk, Zaporizhia và Kherson, nơi vừa tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga.
Cảnh báo của Tổng thống Nga Putin khiến giới chức phương Tây lo ngại về nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ trong xung đột ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tin rằng người đồng cấp Nga không "dọa suông", trong khi quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói phải xem xét cảnh báo "một cách nghiêm túc".
Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Tổng thống Nga coi thường trách nhiệm không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo Washington sẽ đáp trả dứt khoát và khiến Nga chịu những hậu quả "thảm khốc" nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Nga đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với khoảng 6.000 đầu đạn hạt nhân và kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khổng lồ.
Uy tín của Tổng thống Putin vẫn gia tăng bất chấp 'mong đợi' của phương Tây
12/09/2022