Luật Dầu khí cần đặt lợi ích quốc gia, chủ quyền biển đảo lên hàng đầu
(Baonghean.vn) - Chiều 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương, 69 điều. Đây là dự án Luật điều chỉnh nội dung điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động có tính đặc thù về chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ, mức độ rủi ro, quy mô đầu tư, tính chất quốc tế hóa, liên quan đến tài nguyên, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia.
Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: Mỹ Nga |
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá nội dung dự thảo Luật đã bảo đảm các mục tiêu, quan điểm, định hướng, chính sách lớn đã đề ra của việc xây dựng dự án Luật về: thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Ý kiến của các đại biểu tập trung vào một số vấn đề như: bố cục của dự thảo Luật; bổ sung giải thích từ ngữ đối với các từ chuyên ngành trong dự thảo Luật; giải thích riêng về từ “dầu” và “khí”, làm rõ sự khác biệt giữa “dầu khí”, “dầu” và “khí" nhằm tránh nhầm lẫn mà vẫn đáp ứng được nội hàm của khái niệm. Quy định lựa chọn nhà thầu phải thực hiện theo đúng nguyên tắc của Luật đấu thầu.
Đại diện Công an tỉnh cho rằng, cần quy định rõ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trong Luật Dầu khí. Ảnh: Mỹ Nga |
Đối với nội dung các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị thay thế cụm từ "ảnh hưởng quốc phòng an ninh" thành "xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia", bởi đây là nội dung rất quan trọng. Các ý kiến cho rằng, không đánh đổi chủ quyền quốc gia để khai thác, hoạt động kinh tế.
Ngoài ra, khai thác dầu khí chủ yếu diễn ra trên Biển Đông trong khu vực đặc quyền và chủ quyền của Việt Nam, các hoạt động trên Biển có liên quan và tác động chặt chẽ đến an ninh, quốc phòng, tuy vậy trong dự thảo Luật Dầu khí chưa đề cập quy định nhiều đến thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, sự phối hợp giúp đỡ của Bộ Quốc phòng, Cảnh sát biển. Do đó, ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đề cập để Luật Dầu khí được hoàn thiện hơn.
Các đại biểu cũng cho rằng, Luật Dầu khí cần đưa các điều khoản khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình khai thác với sản xuất; cần có quy định về việc sử dụng, khai thác tiết kiệm dầu khí bởi đây là nguồn tài nguyên có giới hạn; Dự thảo luật cần đưa vào nội dung thanh tra, kiểm tra.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga |
Kết luận hội nghị, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận những ý kiến đóng góp tích cực của các đại biểu, bởi đây là dự luật khó, mang tính chuyên ngành cao.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, và trình các cơ quan có thẩm quyền của Quốc hội để rà soát, nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội.