Chàng trai 'làng truyền hình' xứ Nghệ vang danh ở xứ sở hoa anh đào

Trần Công Bình 01/10/2022 09:34

(Baonghean.vn) - Đến “làng truyền hình” tức khối 17, phường Hưng Bình (TP. Vinh) hỏi gia đình ông Lê Hữu Phác và bà Phạm Thị Hồng Phương không ai là không biết về gia đình đặc biệt này.

Gia đình ông Lê Hữu Phác bà Phạm Thị Hồng Phương cùng các con, cháu. Ảnh: Gia đình cung cấp

Ngôi nhà ấm áp và những chàng trai hiếu học

Đặc biệt, không chỉ bởi ông Lê Hữu Phác - từ một cậu bé mồ côi, vượt qua biết bao gian khổ, nỗ lực học tập thành tài, và trước khi nghỉ hưu là Phó Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An; đặc biệt, không chỉ bởi bà Phạm Thị Hồng Phương - người con gái xứ Huế đã yêu, đã cảm thương người đàn ông xứ Nghệ để rồi theo chồng về Vinh và quyết định chọn nơi nương náu của cuộc đời mình. Sự đặc biệt của ngôi nhà ấm áp ấy còn đến từ những đứa con hiếu đễ, ngoan hiền. Cả 3 người con của ông Phác và bà Phương là những tấm gương hiếu học, tài năng không chỉ của phường Hưng Bình mà của cả thành phố Vinh. Trong đó, chàng trai Lê Quang Phúc xuất sắc hơn cả.

Lê Quang Phúc trên đất nước Nhật Bản. Ảnh: Gia đình cung cấp

Noi gương ba là một nhà báo được đồng nghiệp cả nước nể trọng, mẹ là giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, thuở nhỏ Quang Phúc đã cho thấy khả năng ham học đến lạ. Phúc học giỏi đều tất cả các môn, đặc biệt xuất sắc các môn khoa học tự nhiên. Năm 1999, Quang Phúc đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và được nhà trường lựa chọn vào lớp kỹ sư tài năng Toán - Tin. Giai đoạn này cũng có thể xem là bước chuyển rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu, học tập, lĩnh hội tri thức của cậu học trò xứ Nghệ. Sau 5 năm miệt mài học tập, Lê Quang Phúc bảo vệ đồ án tốt nghiệp đạt loại xuất sắc và được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Viện Toán - Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với nhiều người, được trở thành giảng viên tại một trong những ngôi trường nổi tiếng, giàu truyền thống nhất cả nước đã là một sự thành công lớn. Tuy nhiên, sự học và trưởng thành của Lê Quang Phúc không dừng lại ở đó. Đầu năm 2004, khi chuẩn bị kết thúc khóa học lớp tài năng, sinh viên Lê Quang Phúc được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cử tham gia hội thảo khoa học tại thành phố Huế. Với bản thuyết trình bằng tiếng Anh lưu loát về lĩnh vực “Tập mờ”, chàng sinh viên xứ Nghệ đã lọt vào “tầm ngắm” của Giáo sư Hirota Nhật Bản. Thế là sau 2 năm làm cán bộ giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Lê Quang Phúc nhận được giấy báo mời sang Học viện Công nghệ Tokyo để học tập và tiếp tục làm nghiên cứu sinh với học bổng toàn phần của đất nước Nhật Bản. Và đây lại thêm một cột mốc quan trọng trong quá trình nghiên cứu, học tập của anh.

Vào cuối Thu năm 2006, tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, người ta nhìn thấy ông Lê Hữu Phác và bà Phạm Thị Hồng Phương tay va li, túi lớn, túi bé. Ông bà tiễn Lê Quang Phúc lên đường sang Nhật Bản. Càng thương con bao nhiêu, ông Lê Hữu Phác càng muốn con thỏa nguyện ước mơ học tập. Đất nước Nhật Bản là chân trời rộng mở đáng để mẹ cha nén tình cảm riêng vào lòng, giữ cho con sự vững vàng trước giờ máy bay cất cánh.

Ông Lê Hữu Phác cho biết, điều ông lo lắng nhất lúc ấy là Quang Phúc chưa biết một chữ nào tiếng Nhật, mà đất nước xứ sở hoa anh đào không phải là quốc gia sử dụng rộng rãi tiếng Anh. Kỷ niệm đáng nhớ lúc ở sân bay còn là hành lý của Phúc vượt quá mức quy định. Chẳng phải áo quần hay đồ dùng gì mà chỉ là anh mang quá nhiều sách học tiếng Nhật, tiếng Anh và tài liệu chuyên môn. Điều này khiến ông Phác nhớ mãi đến bây giờ.

Ông Lê Hữu Phác và con trai Lê Quang Phúc tại Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Gia đình cung cấp

Tự học và thành công trên đất nước Nhật Bản

Sang Nhật Bản, Lê Quang Phúc lao vào học bản ngữ. Thực ra cái khả năng tự học để “xoay chuyển” tình hình đã được Phúc áp dụng từ hồi còn ở nhà. Những năm học ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, gia đình không đủ điều kiện cho Phúc đi học thêm tiếng Anh, em đã rủ một số bạn cùng lớp, cùng “làng truyền hình” nhờ mẹ mở lớp dạy. Bà Phạm Thị Hồng Phương là giáo viên tiếng Anh. Ba Phác là nhà báo nên ít có thời gian lo toan việc học của các con. Ba Phác của anh em Phúc nhắc nhở việc học của các con bằng một dòng chữ lớn treo trong phòng: “TRÊN CON ĐƯỜNG THÀNH CÔNG KHÔNG CÓ DẤU CHÂN CỦA KẺ LƯỜI BIẾNG”. Đến bây giờ Lê Quang Phúc và các bạn học lớp tiếng Anh của mẹ vẫn nhớ lời dặn của ba nhằm định hướng cho sự học tập cần cù của các con.

Sang Nhật, với bản chất cần cù của một chàng trai xứ Nghệ, nhớ lời dạy của ba mẹ, sau 2 năm tự học, Lê Quang Phúc vừa hoàn thành N5 tiếng Nhật, vừa tốt nghiệp Thạc sĩ để tiếp tục làm nghiên cứu sinh ngành trí tuệ tính toán của Học viện Công nghệ Tokyo.

Tiến sỹ Lê Quang Phúc và tấm bằng “Nhà khoa học trẻ” do Tổ chức Nghề nghiệp thế giới IEEE công nhận. Ảnh: Gia đình cung cấp

Năm 2009, đề tài nghiên cứu chuyên ngành của anh được Tổ chức Nghề nghiệp thế giới IEEE (viết tắt từ Institute for Electricaland Electronics Engencecrs), phân hội Nhật Bản cấp Bằng công nhận “Nhà khoa học trẻ”. Đây là một danh hiệu rất ít người Việt Nam và nước ngoài ở Nhật Bản đạt được.

Tháng 3 năm 2012, khi vừa tròn 31 tuổi, Lê Quang Phúc gửi tấm ảnh cho gia đình báo tin vui về lễ đón nhận Bằng Tiến sĩ của em tại Học viện Công nghệ Tokyo.

Anh Lê Quang Phúc nhận Bằng Tiến sĩ tại Tokyo. Ảnh gia đình cung cấp

Noi gương anh cần cù, chịu khó học tập, em trai Lê Hoàng Phong đã hoàn thành 2 bằng đại học chính quy. Đó là bằng Đại học Quản trị kinh doanh và bằng Cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh. Em Lê Quang Phú năm 2015 tốt nghiệp lớp kỹ sư đào tạo theo Dự án Việt - Nhật của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với ông Lê Hữu Phác và bà Phạm Thị Hồng phương, các con tự giác, chăm chỉ học tập thành người đó là niềm hạnh phúc không gì đo đếm được. Trong ngôi nhà nhỏ số 27, đường Hồ Sỹ Dương, phường Hưng Bình chưa bao giờ vắng tiếng cười.

2 bằng sáng chế của Tiến sĩ Lê Quang Phúc được Chính phủ Nhật Bản công nhận. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tháng 9 năm nay vào đúng dịp kỷ niệm 66 năm thành lập Đài Phát thanh, 46 năm thành lập Đài Truyền hình của Đài PT-TH Nghệ An nơi ba công tác; cũng là dịp mẹ bước vào mùa giảng dạy năm học mới 2022-2023, Lê Quang Phúc gửi về tặng ba, mẹ món quà đặc biệt: Đó là hai bằng sáng chế của Cục Phát minh, sáng chế Nhật Bản mà anh vừa được công nhận ở Tokyo. Niềm vui nối tiếp niềm vui, hạnh phúc nối tiếp hạnh phúc. Mảnh đất Hưng Bình và thành phố Vinh tự hào và tin tưởng ở sức trẻ của Lê Quang Phúc và những người em của anh.

Lê Quang Phúc cùng vợ đến viếng Bác Hồ tại Quảng trường Hồ Chí Minh trong ngày lễ thành hôn của mình. Ảnh: Gia đình cung cấp

Vợ và con gái của Tiến sĩ Lê Quang Phúc tại Nhật Bản. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tháng 5/2012, sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh, Lê Quang Phúc cưới vợ. Ngày cưới vợ chồng Phúc đã đến dâng hoa lên Tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh). Đây là một trong những đám cưới đầu tiên ở thành phố Vinh mà cô dâu, chú rể đến dâng hoa lên tượng đài Bác. Vợ anh Lê Quang Phúc là chị Phan Thị Hướng - Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Hiện làm việc tại trung tâm dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài tại Tokyo. Chị Hướng là người con của quê hương Quảng Bình và chị trưởng thành tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ chồng có một con gái sinh năm 2015.

Trần Công Bình