Sẻ chia với những gia đình đặc biệt khó khăn
(Baonghean.vn) - Sau khi trao quà hỗ trợ 50 triệu đồng đến hai hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên trong chiều 1/10, mọi người ra về nhưng lòng vẫn còn mãi day dứt trước những gì mắt thấy tai nghe. Mong sao, sự hỗ trợ của những tấm lòng sẻ chia sẽ góp thêm niềm tin, nghị lực để các thành viên của các gia đình sẽ tiếp tục vững vàng trước mưa bão của cuộc đời.
Vợ chồng bệnh tật thuê nhà trọ nuôi 4 đứa con
Đó là hoàn cảnh gia đình em Lê Văn Giáp ở khối Phan Bội Châu, Thị trấn Nam Đàn. Giáp là con trai đầu của anh Lê Văn Thành và chị Nguyễn Thị Liên. Em là học sinh giỏi toàn diện, năm học lớp 12 đạt giải Nhì cấp tỉnh môn Vật lý và thi đậu Trường Đại học Công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh với 26,7 điểm.
Đại diện Nhóm Thiện nguyện Niềm tin trao quà hỗ trợ cho gia đình anh Lê Văn Thành ở thị trấn Nam Đàn. Ảnh: HT |
Chiều 1/10, nhóm thiện nguyện Niềm tin đến thị trấn Nam Đàn để trao quà 20 triệu đồng động viên em Lê Văn Giáp và gia đình cố gắng chèo chống với những khó khăn, động viên chàng tân sinh viên nỗ lực học tập tốt. Hiện nay, chị Nguyễn Thị Liên đang đưa Giáp vào Thành phố Hồ Chí Minh để nhập học Trường Đại học Công nghệ thông tin nên nhóm đã trao món quà đến tay anh Lê Văn Thành và 3 em nhỏ.
Ba đứa em của Giáp sinh năm 2014 đến 2016. Mẹ của Giáp làm nghề thợ may, đi may thuê cho 1 hiệu may gần nhà trọ, mỗi tháng làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm ngày cũng chỉ kiếm được khoảng 5 đến 6 triệu đồng nuôi cả gia đình 6 miệng ăn, và trả tiền thuê nhà 2 triệu đồng/tháng. Còn chồng chị, anh Lê Văn Thành bị u thận, bị thoái hoá xương khớp phải uống thuốc quanh năm nên hầu như không còn khả năng lao động, chỉ có thể phụ giúp vợ đưa đón 3 đứa con nheo nhóc đi học. Bản thân chị Liên còn bị u nang, u tuyến giáp, u vú và u gan đã phẫu thuật 2 lần nên cuộc sống của chị và gia đình nhiều lúc rơi vào túng quẫn, bế tắc. Trước đây vợ chồng chị có chút vốn liếng nhờ được chia một khoản tiền nhỏ từ việc bán mảnh đất của ông bà nội, nhưng vợ chồng đã phải dành để chữa bệnh, nên đành phải đi thuê nhà ở.
Em Lê Văn Giáp và gia đình trước lúc đi nhập học Trường Đại học Công nghệ thông tin ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Qua điện thoại, chị Liên cho biết, Giáp hiện được người bà con có nhà cách trường 4km cho ăn ở cùng. “Chị chỉ lo không kiếm đủ tiền để cho con nộp học phí. Vào nhập học, gom tất cả các khoản tiền, từ học bổng Vallet, các khoản tiền thưởng của Giáp đến sự hỗ trợ của nhà trường mới được 15 triệu đồng nộp học phí kỳ 1. Vào đây tranh thủ lúc Giáp ở trường, chị nhờ người bà con giới thiệu đi làm thuê để kiếm thêm tiền. Chị thương lắm, con trai đi nhập học trong tâm thế bất an nhưng chị cũng không biết phải làm sao. Chị biết ơn lắm lắm sự hỗ trợ của các anh chị nhóm thiện nguyện, đây là sự chia sẻ bất ngờ chẳng khác gì trong mơ. Biết tin này, nụ cười đã trở lại với con trai chị. Nó chẳng mấy khi cười vì luôn thương bố mẹ, thương các em và cả vì lo lắng cho việc phải bỏ học giữa chừng” - chị Liên bày tỏ.
Chồng 70 tuổi chăm vợ tai biến và con trai suy thận
Qua sự chia sẻ của các đoàn thể địa phương, nhóm Thiện nguyện Niềm tin biết đến tình cảnh của anh Nguyễn Thế Hùng ở xóm 3 xã Hưng Phúc (Hưng Nguyên). Anh Hùng là trụ cột kinh tế của gia đình nhưng bị suy thận mãn tính, hai mắt hầu như không còn nhìn thấy và 1 tuần phải xuống bệnh viện ở Thành phố Vinh chạy thận 3 lần.
Một mình ông Tiến phải chăm vợ bị tai biến và con trai nằm liệt giường. Ảnh: HT |
Chiều 1/10, nhóm Thiện nguyện Niềm tin đến thăm, động viên và hỗ trợ anh Hùng 30 triệu đồng. Khi vừa bước chân lên bậc thềm nhà, hình ảnh một người phụ nữ tóc đã bạc trắng ngồi bất động trên chiếc ghế nhựa, hai tay run run nắm chặt những chấn song cửa sổ thu hút sự chú ý của mọi người. Ông Nguyễn Văn Tiến (bố anh Nguyễn Thế Hùng) ra đón chúng tôi, còn anh Hùng thì nằm bệt trên chiếc giường cũ, hơi thở mệt nhọc, giọng nói đứt quãng.
Hỏi về cụ bà ngồi gần cửa sổ, ông Tiến cho biết đó là bà Nhung, người vợ hơn 70 tuổi đã một đời tảo tần cùng ông nuôi nấng 3 đứa con khôn lớn nên người. “Bà ấy bị tai biến mạch máu não, kèm thêm bệnh tim và xương khớp nên phải ngồi ăn, ngủ trên ghế đã 5 năm rồi. Từ năm 2017, bà ấy đã không thể nằm xuống, mỗi lần đỡ bà ấy nằm dù chỉ chưa đầy 1 phút là phải ngồi dậy vì đau không thể chịu được, nên kể cả lúc ngủ vợ tôi cũng cứ phải ngồi trên ghế như vậy” - ông Tiến bộc bạch.
Trong ngôi nhà thấp bé, tuềnh toàng, mọi đồ đạc, vật dụng sinh hoạt đều đã cũ kỹ. Trước khi bà Nhung đổ bệnh, anh Nguyễn Thế Hùng cùng vợ đi làm công nhân ở Bình Dương. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn để nuôi 2 đứa con 1 trai 1 gái và gửi tiền về phụ giúp bố mẹ ở quê. Năm 2017, bà Nhung bị tai biến nên anh và đứa con trai về quê để cùng với bố chăm sóc mẹ. Anh đi làm thuê đủ thứ nghề, từ thợ xây đến bốc vác. Mỗi năm anh cố gắng đưa con trai vào Nam thăm vợ và cô con gái nhỏ. Nhiều lần bị đau lưng dữ dội nhưng rồi cứ nghĩ do lao động nặng nhọc nên anh tự đi mua thuốc uống. Cách đây 3 tháng, sau buổi đi làm về đôi mắt anh bỗng đau nhức và gần như mất hẳn thị lực. Vội vàng đến viện khám thì bác sỹ kết luận anh đã bị suy thận giai đoạn cuối, cần phải chạy thận 3 lần/tuần để duy trì sự sống. Ngoài bị thận còn bị đau tim và như anh nói là kèm nhiều bệnh khác nữa.
Nhóm Thiện nguyện Niềm tin thăm, động viên gia đình ông Tiến. Ảnh: HT |
Con trai đổ bệnh, mọi gánh nặng dồn lên vai ông Tiến, từ việc chăm sóc ăn uống, vệ sinh đến thuốc thang, đi khám chữa bệnh của cả vợ và con trai. Tâm sự cùng các thành viên nhóm thiện nguyện, ông Tiến cho biết, vợ chồng ông cũng từng tham gia kháng chiến. Rồi anh trai cả cũng lên đường bảo vệ Tổ quốc và hy sinh tại mặt trận Quảng Trị năm 1968. Hiện nay vợ chồng ông không có khoản thu nhập nào khác ngoài chế độ trợ cấp gia đình khó khăn…Bản thân ông Tiến cũng mang nhiều căn bệnh, nhưng ông vẫn gắng gượng, nhường sự chạy chữa cho vợ và con. Theo những lời tâm tư, đôi mắt của ông cũng đỏ hoe, nhưng ông vẫn kìm nén để không khóc. Dường như bao lâu nay ông đã quen kìm nén như vậy, để gồng mình gánh trên vai sự lo lắng về cả tinh thần lẫn vật chất, có khi còn là sự tuyệt vọng…
Sau những món quà gửi trao, đã có những niềm vui đọng lại cả với người trao và người nhận. Mong sao sự chia sẻ dù nhỏ những sẽ là món quà tinh thần ý nghĩa giúp họ thêm vững vàng để bước tiếp con đường phía trước, như lời chị Nguyễn Thị Liên bộc bạch "sự chia sẻ của các cô, các bác đã mang nụ cười trở lại với con trai chị - chàng tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin".