Thận trọng với quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Tiến Hùng 03/10/2022 09:44

(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, trang điện tử tổng hợp lại tràn lan quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Điều đáng nói, những thực phẩm này được thổi phồng công dụng một cách thái quá. Đã không ít người dân ở Nghệ An phản ánh bị lừa tiền vì tin vào những quảng cáo này, đặc biệt là các cụ cao tuổi.

Thổi phồng quảng cáo

Nhiều ngày này, mỗi lần thấy tivi hoặc trên mạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện lên, ông Võ Nữu (80 tuổi, ở thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành) lại bực mình. Trong đơn phản ánh gửi tới Báo Nghệ An, vị cựu binh này nói rằng, ông không tiếc khoản tiền đã bị lừa, mà ông chỉ bức xúc, buồn vì hình ảnh người lính, hình ảnh người bác sỹ bị đưa ra để lừa đảo. “Tôi muốn đưa câu chuyện của mình lên để bà con cùng cảnh giác với kiểu lừa đảo này”, ông Nữu nói.

Ông Nữu là Thượng tá quân đội về hưu. Như nhiều cụ cao tuổi khác, vài năm nay ông bị những cơn đau xương khớp hành hạ. Gần đây, ông lên mạng xã hội, phát hiện một bài đăng quảng cáo về bài thuốc thảo dược, tuyên bố “chấm dứt mọi bệnh lý xương khớp dù 10 hay 20 năm”. Bài đăng này còn lấy hình ảnh của một vị bác sỹ quân y, có chức vụ cao trong quân đội và cho biết, chính vị đại tá quân đội, thầy thuốc ưu tú này bào chế ra thực phẩm bảo vệ sức khỏe này.

Ngoài ra, bài viết còn cho biết, bài thảo dược này đã được nhiều đài truyền hình uy tín, các tờ báo đưa tin. Trong bài đăng còn đính kèm nhiều video, trong đó đóng logo các kênh truyền hình uy tín, thể hiện như một phóng sự truyền hình đang ca ngợi bài thuốc thảo dược này.

Bài quảng cáo trên mạng khiến ông Nữu tin tưởng. Ảnh: Tiến Hùng chụp lại

“Sau khi xem qua các quảng cáo, tôi rất tin. Tôi tin vì người chia sẻ bài thuốc là đại tá quân đội, tôi tin vì các tờ báo, đài truyền hình uy tín cùng quảng cáo”, ông Nữu nói. Vị cựu binh sau đó đã liên hệ, mua 3 hộp thuốc với giá 1,8 triệu đồng, sau khi đã nói chuyện điện thoại với người tự xưng là “bác sỹ, thầy thuốc ưu tú, đại tá quân đội”.

Tuy nhiên, vài ngày sau, thứ mà ông Nữu nhận được là 3 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên An cốt phục linh. 3 hộp này có giá ngoài thị trường chỉ 180.000 đồng (60.000 đồng/hộp).

“Tôi trả tiền cho nhân viên bưu điện xong, mở hàng ra thì mới tá hỏa vì phát hiện loại thực phẩm chức năng này không phải do vị bác sỹ kia bào chế ra. 3 hộp này được sản xuất và phân phối ở Hà Nội, không hề liên quan vị bác sỹ kia. Chưa kể là nó đắt gấp 10 lần”, ông Nữu nói và cho hay, ông sau đó nhiều lần điện thoại lại nhưng vị “bác sỹ” kia cứ lẩn tránh, không nghe máy. Ông đã gửi 3 hộp thuốc trở lại theo địa chỉ vị “bác sỹ” đã gửi cho ông. Tuy nhiên, lúc này mới phát hiện ở địa chỉ đó không hề có vị “bác sỹ” nào có tên như vậy. Vì thế, ông Nữu đành phải nhận lại 3 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe với giá cắt cổ.

Ông Nữu bên mấy hộp thực phẩm chức năng mua với giá "cắt cổ". Ảnh: Tiến Hùng

Lần theo số điện thoại mà ông Nữu cung cấp, phóng viên trong vai người bệnh đã nhiều lần liên hệ. Tuy nhiên, ở phía bên kia, dù cùng một giọng nói nhưng khi thì tự nhận là “bác sỹ, đại tá quân đội”, khi thì nhận là người khác. Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, các video quảng cáo trên mạng đều là giả mạo đài truyền hình.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Ông Nữu không phải là nạn nhân duy nhất ở Nghệ An, mới đây cử tri ở Nghệ An đã kiến nghị lên tới Quốc hội, trong đó, phản ánh thực trạng bất cập về quảng cáo trên sóng truyền hình, nhất là các loại thực phẩm chức năng có hiệu quả chữa bệnh, làm người xem nhầm lẫn về tác dụng của thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông sau đó đã có văn bản trả lời cử tri Nghệ An. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận, gần đây, trên môi trường mạng xuất hiện nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm “thần y”, “thần dược”, thổi phồng công dụng, tính năng sản phẩm, hoặc quảng cáo sản phẩm tiêu dùng thiếu, kém chất lượng... Bộ Thông tin và Truyền thông đã nắm bắt được thực trạng này và triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Ông Nữu mong muốn người dân sẽ cảnh giác sau bài học của ông. Ảnh: Tiến Hùng

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã cung cấp thông tin về chủ thể đăng ký của 10 tên miền (website) đăng thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật cho Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế để làm việc và xử lý. Kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp quảng cáo có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cổng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 25 website vi phạm pháp luật, không được gắn quảng cáo.

Thời gian gần đây, trên trang website của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cũng thường xuyên phát cảnh báo về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật. Chỉ trong vòng thời gian ngắn, đơn vị này công bố tới hàng chục thương hiệu vi phạm quảng cáo. Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên đường link website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm nêu trên vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Một đoạn quảng cáo giả mạo đài truyền hình. Ảnh: Tiến Hùng chụp lại

Những thực phẩm bị cảnh báo vi phạm quảng cáo gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Hoàng Hường; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe OvaQ Plus; Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Res-1000; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Again Beauty; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Orihiro Nattokinase capsules; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Orihiro Nattokinase 4000, 60 capsules; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hạ Khiết Vương; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phục nhãn quang…

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết, tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra tràn lan, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng. Chưa hết, họ còn giả danh Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Công an, Quốc phòng... và sử dụng hình ảnh người của công chúng, nhà khoa học đã nghỉ hưu để quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thuốc chữa bệnh, đặc biệt là quảng cáo trên các trang mạng xã hội.

Một trong hàng chục sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị xử lý vì vi phạm quy định quảng cáo. Ảnh: Tiến Hùng

Để xử lý triệt để, ông Quy cho rằng, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành và các địa phương. Cụ thể, Bộ Y tế có thể kiến nghị với Chính phủ chỉnh sửa Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Quy định chặt chẽ hơn điều kiện đối với lĩnh vực hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng. Bộ Công Thương cần tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm chức năng, có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp. Bộ Thông tin và Truyền thông cần xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời, có biện pháp mạnh với Facebook, Google, Youtube, yêu cầu họ thực hiện nghiêm pháp luật của Việt Nam về quảng cáo. Xử lý các cơ quan phát hành quảng cáo khi nội dung quảng cáo chưa được thẩm định. Bộ Công an cũng nên vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội...

Tiến Hùng