Cộng đồng hướng về vùng lũ Kỳ Sơn

Nhóm Phóng viên 06/10/2022 09:11

(Baonghean.vn) -  Sau 4 ngày xảy ra trận lũ quét lịch sử ở huyện Kỳ Sơn, mặc dù nước lũ đã rút nhưng cuộc sống của bà con đối diện với những khó khăn, thiếu thốn. Những ngày này, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng quân sự, an ninh và bà con thôn, bản cùng nhau hỗ trợ khắc phục thiệt hại. Dòng người và xe của các đoàn thiện nguyện cũng đang hướng về huyện biên giới Kỳ Sơn...

Những tấm lòng hảo tâm nơi vùng lũ đi qua

Trở lại sau 4 ngày xảy ra trận lũ ống, lũ quét lịch sử tại các bản Bình Sơn 1, Bình Sơn 2, Sơn Hà và Hòa Sơn của xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, trước mắt chúng tôi vẫn là những ngôi nhà xiêu vẹo, tứ bề đất, đá và cây rừng bủa xây; nhiều tài sản quý giá vẫn đang nằm trong đống bùn đất.

Rạng sáng 2/9, trận lũ quét tràn qua bản Sơn Hà, Hòa Sơn, Bình Sơn 1, Bình Sơn 2 và một phần của thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn.

Những tấm lòng hảo tâm cứu trợ người dân vùng lũ Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Đứng trước ngôi nhà bị vùi lấp một nửa, ông Vi Văn Kỷ ở bản Hòa Sơn buồn bã nói: Cơn lũ khủng khiếp quá, vợ chồng tôi chỉ kịp chạy thoát thân chứ không mang được thứ gì ngoài bộ quần áo mặc trên người. Sau 2 ngày nước rút mới dám trở lại, 4 vách nhà bị cuốn trôi; toàn bộ tài sản trong nhà như giường, bàn ghế, tủ, ti vi, bếp, bát đĩa… bị đất, đá vùi sâu, hư hỏng hoàn toàn.

Trận lũ quét đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, tài sản cùng vật nuôi. Nhiều gia đình bỗng chốc trắng tay.

“Mấy hôm nay, gia đình đã được các đoàn thể, cá nhân hỗ trợ 5 triệu đồng tiền mặt, 20 kg gạo, 1 thùng mỳ tôm, 1 cái chăn vài bộ quần áo và nước uống. Nhờ vậy, chúng tôi đã có được cái ăn qua ngày. Sắp tới, nếu Nhà nước bố trí cho vị trí nào để làm nhà ở thì gia đình chuyển đi chứ không dám ở đây nữa”, ông Vi Văn Kỷ nói trong nước mắt.

Ông Vi Văn Kỷ trước ngôi nhà xiêu vẹo của mình sau khi lũ đi qua. Ảnh: Xuân Hoàng

Đang được anh em, bạn bè giúp đỡ sửa chữa lại ngôi nhà bị lũ cuốn, ông Vừ Bá Vừ ở bản Sơn Hà cho biết, trong sáng 5/10, được anh em, bạn bè và bà con trong bản đến hỗ trợ, dỡ hết mái nhà để dựng lại mà ở. Mấy ngày qua, gia đình cũng nhận được một số đồ ăn và tiền mặt của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm.

Phóng viên Báo Nghệ An tiếp cận hiện trường sau cơn lũ.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đến tận nhà hỗ trợ gia đình ông Vi Văn Kỷ. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Vi Văn Truyền - Trưởng bản Hòa Sơn cho rằng, do hàng chục gia đình lâm cảnh tay trắng sau trận lũ lịch sử, nên những ngày này có rất nhiều đoàn thiện nguyện mang hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nước uống… vào tận nơi cứu trợ bà con. “Đây là nguồn động viên rất lớn để người dân chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”, anh Truyền tâm sự và cho biết, trước mắt, ngoài lương thực, thực phẩm ăn liền và nước uống, thì bà con cần được hỗ trợ quần áo, chăn, màn, dụng cụ gia đình, dụng cụ sản xuất, các loại thuốc chữa bệnh...Về lâu dài, những hộ bị ảnh hưởng nặng nề, Nhà nước cần bố trí điểm tái định cư cho bà con ở an toàn, bởi các sườn núi bao quanh bản Hòa Sơn có nhiều điểm nguy cơ sạt lở cao. Nhiều cánh đồng sản xuất lúa của bản cũng bị vùi lấp dày bởi đất, đá, cần được khắc phục để bà con có đất sản xuất.

Người dân cố gắng cứu vớt tài sản trong bùn đất.

Ông Vừ Bá Vừ ở bản Sơn Hà cho biết, toàn bộ tài sản của gia đình bị nước lũ cuốn trôi và ngôi nhà cũng bị hư hỏng. Ảnh: Xuân Hoàng
Anh em bạn bè và người dân trong bản hỗ trợ sửa chữa ngôi nhà bị hư hỏng của gia đình ông Vừ Bá Vừ. Ảnh: Xuân Hoàng

Chiều 5/10, việc khắc phục hậu quả của trận lũ quét kinh hoàng vẫn đang diễn ra một cách khẩn trương. Dọc Quốc lộ 7, những dòng người và xe vẫn tiếp tục đổ về vùng tâm lũ Kỳ Sơn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cử 150 cán bộ, chiến sĩ lên giúp dân khắc phục hậu quả của trận lũ quét

Lực lượng công an tỉnh hỗ trợ người dân di dời tài sản

Trong dòng người đó, chúng tôi gặp anh Long ở xã Diễn Hồng (Diễn Châu). Anh tâm sự, ngay khi xem những hình ảnh về trận lũ kinh hoàng ở huyện Kỳ Sơn, anh và nhóm bạn đã quyên góp được một số mặt hàng: Mỳ tôm, nước uống… vận chuyển lên trực tiếp hỗ trợ bà con, phần nào giúp bà con có cái ăn trong những lúc khó khăn này. “Lũ quá kinh hoàng. Người dân quá khổ. Hy vọng rằng, ngoài sự quan tâm của Nhà nước thì bà con vùng lũ tiếp tục nhận được sự chung tay, góp sức của những tấm lòng hảo tâm khắp cả nước”, anh Long trò chuyện.

Lực lượng vũ trang vận chuyển nhu yếu phẩm vào tâm lũ.


Theo số liệu của UBND huyện Kỳ Sơn, tính đến cuối chiều ngày 5/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã nhận được hơn 15 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trong đợt lũ này. Ngoài ra, huyện còn tiếp nhận nhiều hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nước uống từ các đoàn thể chuyển lên cho bà con.

Một trong những cánh đồng của bản Sơn Hà bị đất đá vùi lấp sau cơn lũ. Ảnh: Xuân Hoàng

Cần bố trí khu tái định cư tránh lũ

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung kiểm tra hiện trường sau trận lũ quét.

Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do lũ.

Thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, tính đến ngày 5/10, trận lũ ống, lũ quét xảy ra sáng 2/10 đã làm chết 1 người; 232 nhà dân bị hư hỏng, cuốn trôi, sập hoàn toàn: 141 nhà bị ngập, sạt lở. Lũ cuốn trôi 2 ô tô của người dân, làm ngập 10 ô tô. Trôi 2 xe máy, 112 chiếc xe máy, xe đạp bị vùi lấp và hàng trăm tài sản có giá trị khác bị cuốn trôi. Mưa lũ làm ngập và sạt lở, tắc đường rất nghiêm trọng tuyến Mường Xén đi Tây Sơn, Tà Cạ, Nậm Cắn

Các nhà hảo tâm từ mọi miền đến vùng lũ Kỳ Sơn trao quà hỗ trợ bà con. Ảnh: Xuân Hoàng
Người dân vùng lũ Kỳ Sơn nhận hàng cứu trợ. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Những ngày qua, Huyện ủy, UBND huyện đang nỗ lực hết sức, huy động tổng lực địa phương cùng phối hợp với các đơn vị bên ngoài vào hỗ trợ khắc phục như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa lũ. Các lực lượng đã hỗ trợ nhân dân, các cơ quan, đơn vị tại địa bàn khối 1, thị trấn Mường Xén, các bản Hòa Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ xúc bùn, đất ra khỏi nhà để sớm ổn định cuộc sống và trở lại công việc. Huyện huy động xe máy của cơ quan, các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động hết công suất làm cả ngày, đêm xúc, chở bùn đất để sớm thông tuyến giao thông đoạn QL7 thuộc khối 1, thị trấn Mường Xén.

Các tổ chức và lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do lũ gây nên. Ảnh: Xuân Hoàng

Trước mắt, kịp thời cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư cần thiết cho người dân vùng ảnh hưởng do lũ quét, giúp địa phương, người dân sớm vượt qua thiên tai. Sau đó là hỗ trợ sửa chữa, xây mới các công trình, bố trí kinh phí khắc phục hệ thống giao thông bị hư hỏng; Hỗ trợ xử lý môi trường vùng bị lũ quét để tránh các mầm bệnh, dịch bệnh gây nguy hiểm cho nhân dân.

Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ quét.

Về lâu dài, để giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện Kỳ Sơn đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, các sở, ngành cho chủ trương lập hồ sơ dự án tái định cư cho các hộ dân vùng lũ quét xã Tà Cạ… đến nơi ở mới an toàn với 150 hộ dân cư trên 10 ha...

Nhóm Phóng viên