Lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc: Đừng để 'quýt làm cam chịu'

Thanh Nga 06/10/2022 09:12

(Baonghean.vn) - Trong thông báo việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với 8 huyện trong cả nước, thì Nghệ An có tới 3 huyện gồm Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò. Đây đều là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

"Quýt làm cam phải chịu"

Lao động tìm hiểu các cơ hội xuất cảnh tại phiên giao dịch việc làm tháng 8 diễn ra ở Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. Ảnh: Đình Tuyên

Anh Trần Đình Vinh, trú tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc từng có nhiều năm làm việc ở Hàn Quốc theo diện hợp đồng. Đầu năm nay, khi hết thời hạn, anh phải về nước vì phía bạn chưa có chính sách gia hạn ngay. Lúc này, được một người bạn giới thiệu, anh nhảy ra ngoài với mong muốn ở được thêm năm nào hay năm đó, kiếm thêm đồng thu nhập ổn định cuộc sống sau này. Trong tổ của anh hiện cũng có tới 7/10 người hết hạn nhưng trốn ở lại. Cũng theo anh Vinh, đa số lao động Nghệ An và một số địa bàn khi sang được Hàn Quốc đều mong muốn ở càng lâu càng tốt, mặc dù họ nhận thức rằng nếu họ không về theo hợp đồng thì người khác không thể sang.

Người lao động tham gia phỏng vấn xuất cảnh sang các thị trường có thu nhập cao. Ảnh: CSCC

Không chỉ riêng anh Vinh, trên địa bàn Nghi Thiết còn có tới 4 lao động trong diện được thông báo đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, vận động, đến nay, đã có 3 lao động về lại Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Hạnh, một lao động trở về từ Hàn Quốc cho biết, việc cư trú bất hợp pháp cũng là bất đắc dĩ, bởi hầu hết lao động đi theo diện này đều có hoàn cảnh khó khăn, mức phí xuất cảnh cao. Nhiều người thậm chí đã “cắm sổ đỏ” để vay ngân hàng mới có chi phí xuất cảnh. “Chỉ đi có 4 năm 10 tháng thì không kiếm được là bao dù thu nhập ở Hàn Quốc khá cao nên tâm lý là hết hợp đồng, ai cũng muốn ra ngoài làm chui, bị bắt lúc nào thì về lúc đó”, anh Hạnh tâm sự và cho biết, sở dĩ anh tự nguyện về nước sau một thời gian làm chui là để tạo cơ hội cho đứa em họ của mình có cơ hội sang Hàn Quốc lao động.

Người lao động tham gia dự tuyển sang Hàn Quốc và các nước có thu nhập cao đang chờ được xuất cảnh. Ảnh: CSCC

Hầu hết những lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc đều biết rằng, việc mình ở lại làm chui, đồng nghĩa với việc những lao động khác ở quê nhà sẽ không có cơ hội để sang Hàn Quốc. Việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây có thông báo tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc của 3 địa phương Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò đã khiến nhiều người rơi vào cảnh khó khăn do đã hoàn thành các thủ tục và nghĩa vụ tài chính, chờ ngày xuất cảnh nhưng bị tạm dừng.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó phòng LĐ,TB&XH huyện Nghi Lộc, hiện toàn huyện có tới 230 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nếu trong thời gian tới, những lao động này không tự nguyện về nước thì Nghi Lộc tiếp tục lại là địa phương có thời gian lâu nhất nằm trong black list (sổ đen) của Hàn Quốc theo diện EPS.

Tại phiên giao dịch việc làm tổ chức ở Nghĩa Đàn có rất nhiều lao động tìm hiểu cơ hội XKLĐ sang các nước có thu nhập cao. Ảnh: CSCC

Cũng như huyện Nghi Lộc, TX Cửa Lò là địa phương bị “điểm tên” vì có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp nhiều. Trong thời gian qua, thị xã Cửa Lò đã có công văn chỉ đạo các địa phương kêu gọi con em đang lao động bất hợp pháp trở về nước. Ông Nguyễn Đức Lâm - Chủ tịch UBND phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò cho biết: Việc kêu gọi con em về nước khi hết hạn hợp đồng là rất khó, nhưng chúng tôi xác định, khó cũng phải làm vì nếu những người này không về thì người sau không còn cơ hội. Không thể để "quýt làm cam chịu" được mãi.

Hiện nay, Nghệ An có gần 10.000 lượt lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc. Bình quân hàng năm có từ 500 – 700 người lao động của tỉnh được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, nhận sang làm việc. Với mức tiền lương hấp dẫn từ 1.000 – 1.500 USD/người, góp phần vào việc giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh nhà.

Cần giải pháp và chế tài đủ mạnh

Tình trạng lao động Nghệ An làm việc tại Hàn Quốc tự ý đổi chỗ làm việc, không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, ở lại Hàn Quốc làm việc và cư trú bất hợp pháp đã diễn ra từ hơn 10 năm nay. Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều địa phương trong cả nước. Các cơ quan chức năng của Hàn Quốc thường xuyên thực hiện rà soát và đưa ra cảnh báo, tạm dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam ở một số địa phương. Trong các đợt rà soát này, Nghệ An luôn là một trong những tỉnh có số lượng nhiều nhất. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hợp tác lao động giữa 2 nước và làm mất quyền lợi của các lao động khác có nguyện vọng được sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp vận động lao động về nước đúng hạn. Nhờ sự nỗ lực đó, số lượng lao động Nghệ An cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm xuống. Đợt rà soát năm 2017, Nghệ An có 11 địa phương cấp huyện bị phía Hàn Quốc tạm dừng tuyển chọn lao động thì năm 2022, chỉ còn 3 địa phương là Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX Cửa Lò.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng An toàn lao động & Việc làm, Sở LĐ,TB&XH tỉnh cho biết: Quan điểm của Sở LĐ,TB&XH và các cấp, các ngành là cương quyết xử lý và tuyên truyền để nhanh chóng giảm số lượng lao động làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Thời gian qua, Sở đã phối hợp cấp huyện tổ chức nhiều cuộc, nhiều hình thức vận động lao động về nước theo quy định. Các xã trực tiếp làm việc với các gia đình có người lao động cư trú bất hợp pháp hoặc sắp hết hạn hợp đồng để gia đình có trách nhiệm động viên, thuyết phục con em đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Đồng thời, không xác nhận hồ sơ và các thủ tục, giấy tờ cần thiết của những lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc khi những lao động này có anh, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc...

Theo ông Hùng, có nhiều nguyên nhân khiến lao động sang Hàn Quốc ở lại cư trú bất hợp pháp. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan của mỗi lao động thì còn có nguyên nhân khác là các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn né tránh, giảm các khoản chi phí tuyển dụng mới lao động và muốn sử dụng lại những người lao động Việt Nam đã làm việc thành thạo công việc đã làm trước đó, nên đã tạo điều kiện cho người lao động ở lại làm việc bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc từ phía Hàn Quốc chưa chặt chẽ; các cơ quan quản lý hộ khẩu như Công an, Cảnh sát, Tư pháp chưa có sự phối hợp đồng bộ và các chế tài xử phạt chưa nghiêm, nên người lao động Việt Nam dễ lợi dụng sơ hở để trốn tránh các cơ quan chức năng để ở lại làm việc bất hợp pháp.

“Hơn nữa, các giải pháp tuyên truyền, vận động chủ yếu thực hiện ở trong nước, trong khi đó người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin” - ông Hùng chia sẻ.

Nhiều lao động có tay nghề muốn có cơ hội tiếp cận thị trường thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản. Ảnh: Đức Anh

Để giảm lao động bất hợp pháp một cách có hiệu quả, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, các cơ quan chức năng như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, các cấp, các ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp cần tích cực tham gia trong công tác tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin bằng nhiều hình thức về chính sách, pháp luật xuất khẩu lao động và các quy định hướng dẫn chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc; nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ và ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, hợp đồng lao động...

Thanh Nga