GS Đặng Hùng Võ: Trí thức thì nhiều mà bằng phát minh hữu dụng không được bao nhiêu

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường 07/10/2022 08:52

(Baonghean.vn) - Lẽ sống xã hội hiện nay là nâng cao giá trị tri thức nhưng mắc phải nhược điểm rất lớn là tri thức chỉ như một cuộc chơi về độ thông minh sách vở, không góp gì đáng kể cho phát triển kinh tế. Đến nay, tư duy dạy và học đã thay đổi nhiều ở các nước công nghiệp mới, nhưng nếp cũ vẫn chi phối sự phát triển rất nhiều. Đỗ đạt rồi mà vẫn chỉ loanh quanh chữ nghĩa suông.

Ngày nay, chúng ta thường hay nói theo ngôn ngữ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới. Sự thực, chất lượng tri thức mới là điều quyết định, tri thức tạo ra công nghệ để trợ giúp con người, chứ không phải công nghệ quyết định sự phát triển. Alvin Toffer - nhà tương lai học người Mỹ đã nói và tiên đoán điều này từ gần 30 năm trước. Ông đã viết một bộ 3 cuốn sách để lý giải quá trình phát triển của xã hội loài người, từ nền văn minh nông nghiệp lấy động lực dựa vào lao động chân tay, chuyển sang văn minh công nghiệp lấy động lực từ máy móc cơ khí thay thế lao động chân tay, rồi đến chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh thông tin lấy động lực từ máy móc thông tin trợ giúp lao động trí óc. Alvin Toffer cũng dựa vào quy luật thay đổi sức lao động con người gắn với công nghệ để dự báo các quy luật vận hành của xã hội thông tin.

Thung lũng Silicon là nơi tập trung nhiều công ty công nghệ nổi tiếng. Nguồn: wrenchinthegears.com

Những dự báo của Alvin Toffer đã làm cho nước Mỹ rất giàu tài nguyên thiên nhiên đã quyết định để lại các tài nguyên đó mà tập trung vào kích thích sự sáng tạo của tư duy con người. Đến nay, cả thế giới đều biết “vườn ươm” công nghệ Thung lũng Silicon (Silicon Valley) tại California, được coi như mảnh đất trợ giúp cho mọi ý tưởng khởi nghiệp.

Nhìn trên toàn thế giới, các nước công nghiệp đã bước vào kỷ nguyên thông tin với nhiều tỷ phú mới nổi lên từ những ý tưởng khởi nghiệp rất giản dị nhưng hiệu quả. Microsoft đã mua lại hệ điều hành DOS của IBM để chuyển sang Windows; Google đã làm cho mọi người cần đến mình chỉ bằng công cụ tìm kiếm trên mạng Internet; Apple đặt ra mục tiêu chế tạo điện thoại thông minh như một bộ phận sống của con người; Amazon bắt đầu từ các giao dịch sách trên mạng giữa người có nhưng không cần với người cần nhưng không có… Các tỷ phú công nghiệp đã nhường “chiếu trên” cho các tỷ phú thông tin.

Đảng ta ngay từ sau Đổi Mới đã khẳng định giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là những nhân tố then chốt của sự phát triển. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về “định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000”. Tại thời điểm năm 2000, nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết quan trọng vẫn được coi là “then chốt” nói trên, có thể đánh giá là cái được không nhiều. Giáo dục - đào tạo được mở rộng mang tính hình thức, nội dung không thay đổi được gì nhiều, tình trạng này có thể khái quát bằng phản thành ngữ “quý hồ đa, bất quý hồ tinh”.

Ngày 04/11/2013, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tên Nghị quyết rất gọn gàng nhưng từ ngữ rất quyết liệt, giống như yêu cầu xây dựng lại nền giáo dục - đào tạo của đất nước. Đến nay, Nghị quyết này đã thực hiện được gần 10 năm. Vậy nhưng, ở đâu đó, căn bệnh hình thức và bệnh thành tích vẫn còn nguyên. Trường học, lớp học, người học, người dạy đâu cũng thấy. Chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ đặt ra rất cao, cao hơn yêu cầu thực tế rất nhiều. Trí thức thì nhiều mà bằng phát minh hữu dụng không có được bao nhiêu.

Tôi đã học tập và nghiên cứu ở Ba Lan 8 năm rồi về nước vào cuối năm 1988. Hồi đó, tôi cũng cân nhắc việc về nước làm việc hay làm việc ở nước ngoài có đủ điều kiện nghiên cứu khoa học hơn. Tôi đã tâm sự với mấy ông thầy người nước ngoài về sự lưỡng lự của mình. Rồi cũng có một ông vẫn coi tôi như bạn đã nói thẳng: “Tôi cũng không hiểu tại sao người Việt thích làm việc ở nước ngoài, vậy bỏ lại đất nước mình cho ai?”. Tôi không còn đắn đo thêm gì nữa, ngay ngày hôm sau tôi mua vé máy bay về nước…

Về nước lúc đó, Đảng cũng đã quyết định Đổi Mới, tư duy “thoáng” hơn nhiều nhưng khó khăn vẫn còn xuất hiện ở mọi nơi, không chỉ đời sống kinh tế còn rất kém mà giáo dục - đào tạo cũng khó theo kiểu khác. Việt Nam cần chuyển từ tư duy đào tạo con người chỉ học rộng, học sâu về chữ nghĩa sang kiểu tư duy tạo ra những con người biết sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn của mình. Tôi đã tìm cách mở ra triết lý đào tạo gắn với công nghệ để có được những trí thức cho kỷ nguyên thông tin.

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Tôi nhận học hàm Giáo sư do Nhà nước quyết định từ năm 1992 vì những công trình khoa học của mình. Từ đó, tôi hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho nhiều cơ sở đào tạo cả trong nước và nước ngoài. Vì vậy mà biết khá rõ sự khác biệt giữa cách đào tạo ở các cơ sở của Việt Nam và các cơ sở ở các nước công nghiệp.

Có nhiều cơ sở ở ta, một đề tài luận án tiến sĩ làm cho huyện này bảo vệ được thành công, rồi đem y nguyên sang huyện khác cũng được “thành công”, không có gì sáng tạo cả. Tôi vẫn cho rằng các luận án kiểu này chẳng khác gì “nhân bản”. Chỉ một luận án thành công ở một huyện, có thể làm y nguyên ở nhiều huyện khác là ổn cả, có khả năng tạo ra được hơn 500 (số lượng huyện trên cả nước) tiến sĩ nữa rồi. Thấy mà buồn!

Trong đánh giá các luận văn tiến sĩ, tôi vẫn chỉ băn khoăn một điều duy nhất là luận án tiến sĩ này có điều gì mới đã chỉ ra. Nhẹ nhàng thôi mà cũng làm khó nhiều người, nhưng rồi cũng phải tìm cách làm ra điều mới. Nhưng nếu hỏi sâu hơn là điều mới đó giúp được gì cho con người thì chắc còn khó khăn lý giải hơn nữa.

Ở ta hiện nay, tiến sĩ cần đào tạo nhiều mà trên thực tế cũng đã rất nhiều, nhưng thật giả lẫn lộn, chẳng biết đằng nào mà lần. Ngày xưa, người ta thường phải “tầm sư học đạo”, có người tìm mãi mà không thấy được thầy, đành vỡ mộng mà coi là không may.

Để ý xuống tới lớp trẻ mới đầu đời đến trường, một tuổi thơ trong trẻo cần học trải nghiệm từ thực tế, lại bắt chúng cõng đến trường một cặp sách dày cộp, nặng trĩu mà chữ nghĩa ở đó hầu hết là vô nghĩa với trẻ thơ. Triết lý giáo dục cho rằng kiến thức trên thế giới nay đã quá nhiều nên phải học thật nhiều mới kịp là không đúng. Học bao giờ cho kịp sự phát triển của cuộc sống. Cái cần là dạy trẻ tìm thông tin trên mạng sao cho lọc được mà lấy ra các thông tin đúng, bỏ đi các thông tin sai. Trẻ con cũng gia nhập kỷ nguyên thông tin nhẹ nhàng như vậy.

Sự thực, cái của trẻ cần ngay không phải là các kiến thức quá khó hình dung. Trẻ cần đầu tiên vẫn là đạo đức trong gia đình riêng và trong xã hội chung. Nhiều khi, vì một lẽ xây dựng luật pháp làm nền tảng cho nhà nước pháp quyền, mà quên đi căn cốt của con người là đạo đức, đạo đức thấm sâu sẽ trở thành văn hóa.

Nói lan man về nhược điểm của giáo dục - đào tạo ở ta hiện nay thì chắc không có điểm dừng. Trên thực tế, những người có nhiều tiền đều cho con cái đi học nước ngoài với chi phí rất cao, nhưng sung sướng. Yên chỗ bên đó rồi ở lại, chuyển đất nước cho những người ít tiền lo toan. Một bài toán đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không có lời giải hợp lý.

Đại hội Đảng khóa XIII đã đặt ra chủ trương Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp với thu nhập cao vào năm 2045. Chúng ta chỉ còn hơn 20 năm để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”. Như kinh nghiệm của nhiều nước công nghiệp gần ta, muốn vậy phải lấy nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ cao làm nguồn động lực.

Chất lượng giáo dục - đào tạo hiện nay khó đáp ứng được nhiệm vụ “vượt bẫy”, cần cấp tốc giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tách ra thành Bộ Giáo dục và Bộ Đào tạo độc lập. Cùng là dạy và học, nhưng với người lớn đã “chìm nổi” trong đời khác hoàn toàn với trẻ con trong trắng mới bước vào đời. Viết đến đây, tôi trộm nghĩ phải chăng nên chọn những vùng đất học như Nghệ - Tĩnh để mở ra Thung lũng Silicon của Việt Nam để trợ giúp khởi nghiệp?

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường