EU đánh vào doanh thu của Nga như thế nào?
(Baonghean.vn) - Liên minh châu Âu (EU) đang cùng nhóm G7 triển khai áp dụng trần giá dầu thô có nguồn gốc từ Nga. Ý định này được truyền thông phương Tây cổ vũ là nên áp dụng rộng nhất có thể trên quy mô toàn cầu để hạn chế doanh thu của Điện Kremlin.
Các biện pháp của EU sẽ hạn chế các ngân hàng, hãng bảo hiểm và công ty vận tải trong các giao dịch khí đốt của Nga. Ảnh: AFP |
Để hạn chế dòng tiền chảy vào túi của người Nga, EU có ý định tìm cách bảo đảm rằng Moskva chỉ có thể xuất khẩu dầu thông qua tàu chở dầu ở mức giá chiết khấu. Toàn bộ lượng dầu xuất khẩu, bao gồm tới Trung Quốc và Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng bởi biện pháp này. Đây là động thái tương tự quyết định của G7 hồi mùa Hè vừa qua. EU đã đưa trần giá vào gói trừng phạt thứ 8 kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cách thức triển khai
Từ ngày 5/12, EU và các nước G7 sẽ cấm các ngân hàng cấp tiền cho hoạt động mua và bán dầu của Nga, các công ty bảo hiểm không được bảo hiểm các chuyến hàng, và các cảng không được dỡ hàng khỏi các tàu chở dầu nếu tàu đó được mua bán ở mức giá cao hơn con số mà EU đưa ra. Lệnh cấm vận đối với mọi dịch vụ liên quan đến xuất khẩu dầu dự kiến cũng khiến hoạt động vận tải hàng hoá trở nên gần như không khả thi.
Trần giá sẽ là bao nhiêu?
Theo Ủy ban châu Âu (EC), những con số cụ thể chưa được xác định. Tuy nhiên, cơ quan điều hành EU ước tính mức giá phải thấp hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay và gần với mức giá trước khi Nga khởi động chiến dịch tại Ukraine. Các nước thành viên EU hiện vẫn đang bàn thảo và chưa bỏ phiếu thuận hay chống đối với lệnh cấm vận.
Nga vẫn được phép xuất khẩu dầu?
Từ ngày 5/12, lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga cung ứng qua tàu chở dầu sẽ áp dụng riêng với EU và các nước G7. Các nước khác vẫn có thể mua dầu của Nga nhưng ở mức giá tối đa cố định.
Tàu của EU vẫn được phép vận chuyển dầu của Nga?
Các nước có các hãng tàu chở dầu đường biển như Hy Lạp, Cyprus và Malta, có thể bảo đảm rằng các tàu sẽ được phép tiếp tục vận chuyển dầu nếu được mua bán ở mức giá trần. Các tàu của EU chạy trên các đại dương có treo cờ phương tiện, chẳng hạn cờ Panama hay Liberia, cũng sẽ phải tuân thủ lệnh trừng phạt này. EU và Mỹ đang cố gắng gây sức ép lên các nước chấp thuận thực tiễn này, và có thể sẽ áp trừng phạt nếu họ không tỏ ra hợp tác hơn với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Nguồn cung dầu của Balkan thì sao?
Dầu của Nga cho Serbia và các nước khác ở vùng Balkan hiện đang được dỡ tại quốc gia thành viên EU là Croatia bởi Serbia không có cảng biển. Nếu thông qua lệnh cấm vận, về lý thuyết việc này sẽ không còn được phép nữa kể từ ngày 5/12. Dù là ứng viên gia nhập EU, Serbia vẫn chưa tham gia các biện pháp trừng phạt Nga. EU sẽ phải quyết định liệu Croatia có thể tiếp tục cung cấp dầu cho Serbia và các nước Balkan khác hay không. Dẫu bằng cách nào, vẫn phải tuân thủ quy định trần giá.
Vậy còn dầu của Nga giao qua đường ống?
Sẽ không có lệnh cấm vận đối với dầu qua đường ống bởi Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia hiện đang nhận dầu qua đường ống Druzhba, hay Hữu nghị từ Nga. Tuy Ba Lan và Đức cũng có khả năng tiếp cận dầu qua đường ống này, 2 nước sẽ tự nguyện không làm thế trong tương lai để hạn chế lợi nhuận của Nga. Trần giá sẽ không áp dụng với dầu qua đường ống.
Ba Lan, Đức và Cộng hoà Czech tiếp nhận dầu của Nga qua đường ống Hữu nghị. Ảnh: dpa |
Đã có những phản ứng như thế nào?
Nga đã kịch liệt lên án trần giá của EU và hiện đã tuyên bố rằng họ sẽ không cung ứng dầu cho bất cứ quốc gia nào áp dụng trần giá đó. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu trên truyền hình: “Công cụ như vậy phá vỡ toàn bộ các cơ chế thị trường và có thể gây tác động rất xấu đến ngành công nghiệp dầu toàn cầu”.
Tại một sự kiện của ngành năng lượng ở London, CEO hãng dầu Total của Pháp Patrick Pouyanne cũng cảnh báo về việc áp trần giá. “Tôi nghĩ đó là ý tưởng tồi. Trên thực tế, đó là cách để trao quyền dẫn dắt trở lại cho ông Vladimir Putin, và tôi sẽ không bao giờ làm thế”.