Nghệ An: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao năng lực phòng vệ thương mại

Việt Phương 07/10/2022 13:09

(Baonghean.vn) - Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đảm bảo cho ngành sản xuất trong nước.

Ngày 7/10, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến về phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Toàn cảnh hội nghị tuyên truyền, phổ biến về phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới. Ảnh: Việt Phương

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cao Minh Tú cho biết, Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Trong khi đó, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành. Chính vì thế, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do nhằm đảm bảo cho ngành sản xuất trong nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Việt Phương

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe phổ biến tổng quan về pháp luật phòng vệ thương mại của thế giới và Việt Nam; Quy định về phòng vệ thương mại trong một số hiệp định thương mại tự do; Thực tiễn và tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại thời gian qua; Tổng quan về tình hình điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam và một số lưu ý cho doanh nghiệp.

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng đã thông qua tình hình xuất khẩu của việt Nam 9 tháng đầu năm 2022, tổng quan các vụ việc phòng vệ thương mại, quy trình xử lý vụ việc phòng vệ thương mại thông thường, thực tiễn trong quá trình xử lý kháng kiện...

Bà Phan Mai Quỳnh - Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ nội dung thực tiễn và tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại thời gian qua. Ảnh: Việt Phương

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, mâu thuẫn thương mại giữa nhiều nền kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp và xu thế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để bảo hộ sản xuất trên thế giới tiếp tục gia tăng.

Việt Nam đang là địa chỉ để các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế chuyển dịch đầu tư, do đó, các nước nhập khẩu cũng e ngại tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của hàng hóa bị thị trường này áp dụng. Vì thế, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần có giải pháp để chủ động ứng phó với các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, tránh các thiệt hại, đảm bảo lợi ích chính đáng của mình.

Việt Phương