Nghệ An kết nối cung, cầu và đào tạo lao động cho các khu công nghiệp
(Baonghean.vn) - Nhằm chủ động nguồn nhân lực lao động cho doanh nghiệp tại khu công nghiệp, chiều 10/10, tại TP Vinh, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo kết nối cung, cầu, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chủ trì hội thảo có ông Lê Tiến Trị - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Dự hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo; Liên đoàn Lao động tỉnh; đại diện UBND các huyện; các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và đại diện 30 doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam.
Toàn cảnh Hội thảo kết nối cung cầu lao động tại các khu công nghiệp do Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và Sở Lao động, Thương binh và xã hội Nghệ An đồng tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải |
Mở đầu hội thảo, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam báo cáo đề dẫn nêu tình hình nhu cầu nhân lực hiện tại và trong tương lai tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế. Theo đó, Khu kinh tế Đông Nam gồm 6 khu công nghiệp, hiện có 275 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 96.636,86 tỷ đồng (tương đương 4.175,28 triệu USD); trong đó có 61 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.904,47 triệu USD. Toàn tỉnh, các doanh nghiệp sử dụng khoảng 35.000 lao động, trong đó có 29.247 lao động làm việc trong 132 doanh nghiệp tại khu công nghiệp, Khu kinh tế Đông Nam. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2022 cần thêm 10.006 người.
Lao động tìm hiểu nhu cầu việc làm tại Hội chợ kết nối cung - cầu lao động do VSIP Nghệ An và Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tổ chức vào tháng 6/2022. Ảnh: Nguyễn Hải |
Cũng theo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, giai đoạn 2022 - 2025, trong Khu kinh tế, khu công nghiệp thu hút được trên 100 dự án đầu tư, trong đó nổi bật là các dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động là Goertek Vina, Everwin Precision Việt Nam, Juteng (Việt Nam); dự án sản xuất giày dép của Tập đoàn Hoa Lợi... Sau khi đi vào hoạt động chính thức, nhu cầu sử dụng lao động trong Khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 ước khoảng từ 80 - 100 ngàn lao động.
Các doanh nghiệp FDI trong Khu kinh tế Đông Nam có nhu cầu lao động phổ thông rất lớn. Ảnh tư liệu: An An |
Tại hội thảo, trên cơ sở đánh giá, phân tích nhu cầu tuyển dụng, cơ cấu nhân lực hiện tại về ngành nghề, trình độ lao động; xu hướng tuyển dụng; các yếu tố tác động ảnh hưởng đến khả năng tuyển dụng của người sử dụng lao động và tâm lý lựa chọn việc làm của người lao động trên địa bàn, các nhà quản lý, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo đã nêu một số thế mạnh, ưu điểm cũng như thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, tồn tại của thị trường lao động Nghệ An; từ đó có sự kết nối ,xây dựng kế hoạch hợp tác đào tạo, tuyển dụng.
Tổng Giám đốc Công ty Everwin Precision Việt Nam - một trong những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động đang đầu tư tại VSIP Nghệ An phát biểu tham luận nêu nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động từ năm 2023 - 2025. Ảnh: Nguyễn Hải |
Kết luận hội thảo, đồng chí Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam trân trọng ghi nhận các phát biểu tham luận và đề xuất của các sở, ngành, nhà đầu tư, địa phương và cơ sở đào tạo. Hội thảo là diễn đàn để các bên gặp gỡ kết nối, cung cấp thông tin đầy đủ để các bên xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng thật sát thực; các bên cần tận dụng cơ hội, tăng cường liên kết, hợp tác trong đào tạo, tuyển dụng lao động trong thời gian tới.
Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam phát biểu nêu đề dẫn và kết luận một số nội dung, định hướng trọng tâm hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hải |
Về một số đề xuất, khó khăn, vướng mắc, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp thu, tham mưu trình UBND tỉnh có phương án, lộ trình giải quyết.