Nhiều cơ sở sản xuất tôm nõn đạt chuẩn 3 sao của Diễn Châu dừng hoạt động

Q.A 05/11/2022 06:50

(Baonghean.vn) -  Là sản phẩm OCOP 3 sao trên địa bàn huyện Diễn Châu, tuy nhiên hiện nay nhiều cơ sở sản xuất tôm nõn trên địa bàn đang hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm đóng cửa do thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng.

Tôm nõn từ lâu đã là đặc sản nức tiếng của các địa phương vùng biển Nghệ An nói chung và trên địa bàn huyện Diễn Châu. Năm 2017, tôm nõn Diễn Châu được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đến năm 2021, tôm nõn huyện Diễn Châu tiếp tục được chứng nhận đạt OCOP 3 sao, những tưởng đây sẽ là các bước đà để sản phẩm này vươn lên khẳng định vị thế trên thị trường, tuy nhiên, việc sản xuất tôm nõn hiện lại đang gặp vấn đề thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng.

Các cơ sở sản xuất tôm nõn truyền thống tại Diễn Châu vắng vẻ do thiếu nguyên liệu. Ảnh: Q.A

Ghé thăm cơ sở sản xuất tôm nõn của chị Đào Thị Kim Oanh, xã Diễn Ngọc, chúng tôi ghi nhận các vật dụng để sản xuất tôm nõn truyền thống đều nằm bất động trong kho, không còn hình ảnh hàng chục người dân chen chúc làm nghề như trước kia. Chị Oanh cho biết: “Sản lượng đánh bắt tôm nõn thời gian qua sụt giảm mạnh, trước đây trung bình mỗi ngày tôi có thể nhập được từ 2 – 3 tấn tôm tươi để sản xuất tôm nõn, tuy nhiên nay chỉ khoảng vài tạ thôi. Tình trạng nguyên liệu “bữa đực bữa cái” như vậy khiến việc sản xuất không còn được xuyên suốt, đỉnh điểm là vào các tháng trước buộc phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động”.

Đó cũng là tình trạng chung của hàng chục hộ dân sản xuất tôm nõn trên địa bàn xã Diễn Ngọc thời điểm này. Theo chính quyền xã Diễn Ngọc cho biết, toàn xã có 323 tàu đánh bắt hải sản với sản lượng dao động mỗi tháng khoảng 1.700 tấn các loại, tuy nhiên sản lượng tôm tươi chỉ được khoảng 17 tấn trong tháng vừa qua, thấp hơn so với các loại hải sản khác.

Các vật dụng, nguyên liệu để sản xuất tôm nõn thủ công chất đống vì không có hàng để sản xuất. Ảnh: Q.A

Nguyên nhân khiến sản lượng tôm tươi ngày càng sụt giảm là do giá nhiên liệu vẫn nằm ở mức cao nên số lượng tàu thuyền đi biển chưa thể đầy đủ như trước. Bên cạnh đó, phương pháp đánh bắt tôm hiện nay chưa khoa học, theo hướng tận diệt nên nguồn tôm ngày càng giảm sút.

Ngoài ra, thời gian qua xuất hiện nhiều cơn bão trên Biển Đông dẫn đến việc đi biển bị đình trệ. Do đó, mỗi khi tàu thuyền về bến, lượng tôm tươi đều được tiêu thụ rất nhanh để phục vụ thị trường hàng ngày, số lượng tôm còn lại để có thể sản xuất tôm nõn không đáng kể.

Giá tôm nõn thành phẩm trên thị trường hiện đã tăng gấp đôi, đạt từ 1,2 – 1,3 triệu đồng/kg khiến người tiêu dùng khó tiếp cận. Đối với các lao động làm tôm nõn truyền thống, nếu như mỗi ngày có thể kiếm được từ vài trăm ngàn đồng thì nay nhiều cơ sở hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa khiến người làm nghề phải tìm công việc khác để duy trì thu nhập.

Giá tôm nõn thành phẩm hiện đã tăng cao do thiếu nguyên liệu. Ảnh: Q.A

Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm tôm cũng gặp nhiều khó khăn, việc đưa tôm nõn vào các kênh bán hàng lớn, chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản khó thực hiện được do nguồn hàng không đáp ứng yêu cầu liên tục.

Hiện các cơ sở sản xuất tôm nõn đang tìm cách thích nghi với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Đa số các hộ đều cắt giảm khoảng 50% lao động để giảm thiểu chi phí, một số hộ chấp nhận nhập hàng từ các địa phương ngoài huyện Diễn Châu với giá thành cao hơn để tiếp tục duy trì nghề. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cũng mong muốn giá dầu sẽ giảm để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, nguyên liệu ổn định hơn.

Trước đây các cơ sở sản xuất tôm nõn luôn trong tình trạng đông đúc, nhộn nhịp. Ảnh: Q.A

Diễn Châu có trên 1.400 phương tiện khai thác hải sản, với sản lượng hàng năm đạt trên 28.000 tấn, trong đó sản lượng tôm trên 500 tấn. Toàn huyện có khoảng 150 hộ làm nghề tôm nõn, trong đó có 20 cơ sở chuyên thu mua sản xuất tôm nõn tập trung tại 2 xã Diễn Ngọc và Diễn Bích. Nghề chế biến tôm nõn phát triển đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 300 lao động vùng biển.

Q.A