Sau lũ, nhiều di tích cấp quốc gia ở Nghệ An 'kêu cứu'

Huy Thư 15/10/2022 09:02

(Baonghean.vn) - Sau những trận mưa lớn và ngập lũ vừa qua, một số di tích được xếp hạng cấp quốc gia vùng rốn lũ huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn bị xuống cấp, hư hỏng nặng nề, cần được khôi phục, sửa chữa.

Nằm trong vùng rốn lũ Hưng Nguyên, ngoài đê Tả Lam, quần thể Di tích Lịch sử Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Rậm ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) gồm đền Rậm trong và đền Rậm ngoài đều bị ngập nặng trong đợt lũ đầu tháng 10. Tuy nhiên, đền Rậm ngoài bị hư hỏng nhiều hơn. Ảnh: Huy Thư

Hạ điện của đền Rậm ngoài bị hư hỏng nhiều chỗ, đặc biệt là phần hồi bên phải (trong nhìn ra) bị gãy tung cả phần gỗ và đường bờ. Ông Phạm Ngọc Thiệp (66 tuổi), thành viên Ban Quản lý Di tích đền Rậm cho biết: Trận lụt vừa qua, nền hạ điện bị ngập hơn 1m. Do mưa lớn, kéo dài, mái hạ điện bị hư hỏng nặng nề. Ảnh: Huy Thư

Cả một đoạn đường bờ, thanh chắn đòn tay và ngói trên mái trước hạ điện đã bị gãy, rơi rụng xuống mái hồi. Ảnh: Huy Thư

Một phần vôi vữa đường bờ mái ngói hạ điện đã rơi xuống đất nằm lộn xộn dưới chân tường, phần còn lại đang nằm trên mái hồi. Ảnh: Huy Thư

Đứng dưới nhìn lên, thấy mái hạ điện đền Rậm ngoài đã bị hư hỏng nhiều chỗ, một số thanh rui, mè đã bị gãy; ngói đã bị vỡ, rụng, để lại nhiều khoảng không "thấu trời" trên mái nhà. Ảnh: Huy Thư

Trong trận lũ vừa qua, Di tích Lịch sử Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Thanh Liệt ở xã Xuân Lam (Hưng Nguyên) nằm giữa bãi phù sa ngoài đê Tả Lam, cũng bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Huy Thư

Ông Đoàn Trọng Khoa (73 tuổi) – thành viên Ban Quản lý đền Thanh Liệt cho biết: "Đơt lũ đầu tháng 10/2022, đền nằm giữa một vùng nước lũ mênh mông và bị ngập sâu hơn 1m nước". Cũng như đền Rậm ngoài, bái đường đền Thanh Liệt bị hư hỏng nặng do mưa lũ, nhất là phần mái ngói và tường nhà... Ảnh: Huy Thư

Một góc hồi bên phải, phía sau của bái đường đền Thanh Liệt đã bị gãy đổ, kéo theo nhiều viên ngói rơi rụng, khiến kết cấu gỗ bên trong phơi giữa mưa nắng. Ảnh: Huy Thư

Các góc bái đường đều bị dột, ngói bị rơi rụng hoặc tụt, chồng lên nhau, tạo thành những lỗ hổng trên mái nhà Ảnh: Huy Thư

Hai mái ngói của bái đường đền Thanh Liệt bị tụt xuống, khiến các đường rui chỉ còn ghép hờ trên thượng lương, nhiều chỗ tách ra khỏi thượng lương, khiến bái đường dột từ nóc, nước mưa xối xả mỗi khi có mưa lớn. Ảnh: Huy Thư

Tuy không bị ngập lũ, nhưng Di tích Lịch sử Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình Trung Cần ở xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) cũng xuống cấp nặng nề. Những vết gãy, đổ từ năm ngoái trên hạ điện chưa được sửa chữa, khắc phục, thì trong đợt mưa lớn cuối tháng 9 đầu tháng 10 này, ngói đình càng thêm rơi, rụng, các góc đình nứt, rạn nhiều hơn. Ảnh: Huy Thư

Ông Hồ Thanh Bình, người trông coi đình Trung Cần thông tin: "Trong đợt mưa này, tôi thấy hạ đình có 8 chỗ dột bị nước xuống. Mỗi khi mưa lớn, nước mưa theo chỗ dột tuôn vào nhà khiến nền đình ướt sũng". Sau trận lũ lớn vừa qua, nhiều Di tích Lịch sử Văn hóa - Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vùng hạ lưu sông Lam bị xuống cấp, hư hỏng, đề nghị chính quyền, ban, ngành các cấp quan tâm, khắc phục kịp thời. Ảnh: Huy Thư

Huy Thư