Giá tăng gần gấp đôi, người trồng riềng Nam Đàn chỉ vui nửa chừng

Huy Thư 18/10/2022 06:42

(Baonghean.vn) - Mặc dù giá thu mua tăng gần gấp đôi từ 6.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg, nhưng người dân trồng riềng ở xã Nam Hưng (Nam Đàn) cũng không vui lắm. Nhiều năm qua, giá cả bấp bênh, khiến bà con trồng riềng ở đây không khỏi ái ngại.

Dễ trồng, đầu tư ít, cho thu nhập tiền tỷ

Tranh thủ thời tiết nắng ráo trước khi gió mùa về, vợ chồng ông Đinh Xuân Hà ở xóm Phong Sơn đang tích cực thu hoạch hết lứa riềng củ trong vườn.

Ông Hà cho biết, nhà ông trồng riềng hàng hóa đã hơn 10 năm nay. Những năm qua, nhiều hộ dân trong vùng không còn mặn mà với riềng nhưng gia đình ông vẫn duy trì.

“Vợ chồng tôi không làm gì khác ngoài trồng riềng, do đó, dù riềng đắt hay rẻ vẫn cứ trồng” - ông Hà cho hay.

Người dân thu hoạch riềng ở xã Nam Hưng. Ảnh: Huy Thư

Theo ông Hà, trồng riềng không tốn kém nhiều chi phí, trồng 1 lần thu hoạch nhiều lần. Mỗi lần thu hoạch để lại 1 khóm riềng vài nhánh, bón thêm phân NPK và phân chuồng để cây tiếp tục sinh trưởng, vài tháng sau lại cho thu hoạch. Mỗi năm có thể thu hoạch từ 2 - 3 lần.

Tuy nhiên, thu hoạch riềng tốn khá nhiều công sức, phải qua nhiều công đoạn mới cho ra củ riềng thành phẩm. Thường đàn ông, con trai đảm nhận khâu đào, còn chị em sẽ cắt cây, lựa củ, rửa, cắt rễ… Đào riềng khá mệt vì dùng cuốc bới sâu xung quanh bụi riềng. Đào được bụi nào thì bón phân, vun gốc lại bụi đó. Mỗi ngày, một người cũng chỉ đào được 20 - 40kg củ.

Không chỉ trồng riềng để bán, vợ chồng ông Hà còn làm dịch vụ thu mua cho các hộ dân trong xóm. Hàng ngày, người dân địa phương thường mang riềng đến nhà ông để rửa, cắt rễ, nhập.

Nhằm phục vụ gia đình và các hộ dân, ông đã sắm máy bơm, vòi xịt để rửa riềng. Theo ông Hà chỉ có vòi xịt nước mạnh mới rửa củ riềng sạch bóng và nhanh được. Sau khi rửa, mọi người sẽ dùng dao, kéo cắt rễ, loại bỏ những phần hư hỏng. Đây là công việc tỉ mẩn, cần sự khéo léo của bàn tay phụ nữ.

Mỗi năm, riềng có thể thu hoạch từ 2 - 3 lứa. Ảnh: Huy Thư

Bà Nguyễn Thị Hải (63 tuổi) - một người dân xóm Phong Sơn đang cắt rễ riềng tại nhà ông Hà cho hay: Năm nay, nhà bà trồng 3 sào ở cả trong vườn và ngoài đồng; Hiện chỉ mới thu hoạch ở trong vườn.

Theo bà Hải, năng suất và chất lượng phụ thuộc nhiều vào đất, sự chăm bón... Riềng là loại cây không kén đất, trồng được trên nhiều loại đất khác nhau.

Đất thịt hơi khó trồng nhưng cho củ riềng to, sáng. Đất pha cát dễ trồng, nhưng củ riềng hơi tối màu. Trên đất đồi, riềng vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, nhưng phải chăm sóc nhiều. Muốn trồng riềng năng suất cao phải trồng trên đất màu. Trung bình mỗi sào riềng cho thu hoạch trên dưới 2 tấn củ.

Hiện xã Nam Hưng có nhiều xóm trồng riềng, trong đó Phong Sơn là xóm có diện tích nhiều nhất. Cả xóm có 80 hộ trồng, hộ ít trồng 1 - 2 sào, hộ nhiều trồng 5 - 6 sào. Những hộ dân trồng riềng nhiều trong xóm là gia đình ông Phạm Bá Việt, Võ Trọng Kỷ, Nguyễn Quang Huy… Tính trung bình mỗi hộ trồng 3 sào, năm nay xóm Phong Sơn có 240 sào riềng cho thu hoạch.

Rửa riềng củ bằng vòi xịt nước đảm bảo sạch và nhanh. Ảnh: Huy Thư

Ông Nguyễn Bá Ngọ - Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm chia sẻ: Mỗi sào riềng cho thu hoạch khoảng 2 tấn củ, với giá hiện tại 10.000 đồng/kg, bán được 20 triệu đồng. So với nhiều loại cây trồng khác như sả, ngô, lạc…, ở xóm Phong Sơn, riềng vẫn là cây dễ trồng, đầu tư ít, những năm được giá, cũng cho thu nhập tiền tỷ.

Giá riềng tăng, nông dân vui nửa chừng

Riềng bén duyên trên đất Nam Hưng từ hàng chục năm qua. Khi riềng hàng hóa mới được một số hộ dân trồng, giá cả tương đối cao, có lúc lên đến 20.000 đồng/kg. Nhằm giúp đỡ nhau trong lao động, giảm chi phí đầu tư sản xuất, người dân xã Nam Hưng từng thành lập các tổ hợp tác, tổ đổi công ở các xóm để hỗ trợ nhau khi trồng và thu hoạch riềng.

Một số hộ còn kiêm việc thu mua riềng cho người dân trong vùng. Bà con sau khi thu hoạch có thể bán cho các hộ thu mua ở xóm hoặc chở về xã Xuân Hòa (Nam Đàn) hay ngược chợ mới Đô Lương để nhập với giá cao hơn.

Giá cả tăng, người dân trồng riềng Nam Hưng khấp khởi mừng thầm. Ảnh: Huy Thư

Khi phong trào trồng riềng ở Nam Hưng được đẩy mạnh, trong vườn, ngoài đồng khắp nơi đều có, thì cây “củ rồng” này không còn được giá nữa. Từ 20.000 đồng/kg đã giảm xuống 10.000 đồng/kg rồi còn 5.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Hải ở xóm Phong Sơn cho biết thêm, khi riềng rẻ, người mua lại kén chọn đủ đường, chỉ mua những củ non. Mỗi sào riềng cả năm thu hoạch cao lắm chỉ được 500 kg củ non. Sau đó người ta mua cả củ già, nhưng chỉ được 2/3 giá.

Giai đoạn 2019 - 2021 giá riềng rớt xuống 5.000 đồng/kg. Đặc biệt năm 2021, do điều kiện dịch bệnh, riềng vừa rớt giá, vừa ế hàng, khiến nhiều hộ dân phải chặt bỏ chuyển sang trồng các loại cây khác; Một số khác thì làm “liều” để riềng già trên ruộng, chờ giá lên mới thu hoạch. Năm nay, những hộ dân để riềng già thắng lợi, vì bán được giá.

Sau khi đào, riềng củ được rửa sạch và cắt hết rễ. Ảnh: Huy Thư

Chị Nguyễn Thị Hiền (37 tuổi), một nông dân trồng nhiều riềng ở xóm Cao Sơn cho biết: Năm nay nhà chị trồng 7 sào trên đất trại cách nhà tầm 1km, nếu thu hoạch hết sẽ có 14 tấn, đem về nguồn thu khoảng 140 triệu đồng. Theo chị Hiền, giá thu mua tăng khoảng 2 - 3 tháng nay. Mặc dù giá riềng tăng gần gấp đôi so với đầu năm, nhưng người dân trồng riềng vẫn không vui lắm, vui nửa chừng, vừa vui, vừa lo.

Theo bà con, “vui nửa chừng” vì hai nguyên nhân. Thứ nhất là giá cả tăng, nhưng các hộ trồng cũng không có nhiều riềng để bán. Hiện tại, một số hộ dân đã thu hoạch gần xong diện tích riềng của nhà mình. Thứ hai, năm nay riềng tăng giá, nếu sang năm, nhiều hộ quay lại trồng riềng, mở rộng diện tích… giá cả rớt, lại ế.

Củ riềng đạt chất lượng tốt phải to, sáng màu và thơm. Ảnh: Huy Thư

Ông Nguyễn Duy Việt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hưng chia sẻ: Do thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, nên cây riềng ở Nam Hưng phát triển tốt, cho năng suất cao. Thời gian qua, địa phương cũng khuyến khích người dân trồng riềng, nhằm tận dụng, khai thác tiềm năng đất đồi, đất màu, để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, đầu ra của củ riềng khá bấp bênh, phần nhiều phụ thuộc vào thương lái.

Sự bấp bênh về giá, không có đầu ra ổn định dường như là nỗi lo chung của những hộ dân trồng riềng ở Nam Hưng. Khi được giá, riềng đem lại nguồn thu đáng kể. Khi rớt giá, ế ẩm, riềng trở thành “gánh nặng” của nông dân “có làm mà chẳng có ăn”, nói đúng hơn là trừ chi phí, ngày công chẳng được bao nhiêu. Vì thế, rút kinh nghiệm từ những năm trước, nay riềng tăng giá, nhưng diện tích trồng riềng có mở rộng hay không đang là bài toán của người dân địa phương.

Huy Thư