Truyền thống tôn trọng phụ nữ của nhân dân ta

Nguyễn Văn Toàn 20/10/2022 07:02

(Baonghean.vn) - Vào ngày 8/3/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về vai trò của người phụ nữ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. 

Truyền thống tốt đẹp

Người mẹ đầu tiên của người Việt là Mẹ Âu Cơ. Mẹ đã đẻ trăm trứng nở trăm con. Năm mươi người con theo Mẹ Âu Cơ lên rừng đã lập nên Nhà nước Văn Lang: “Mẹ đem lên ở Tản Viên/ Sửa sang giềng mối, giữ gìn quy mô/ Bao nhiêu đồi núi đống gò/ Lũy thành bày đặt, cõi bờ chia phôi” (Thiên Nam ngữ lục).

Về câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, GS. Vũ Đức Vượng (nguyên Giám đốc chương trình Giáo dục tổng quát ở Đại học Hoa Sen) nhận định: “Ngoài việc dạy dỗ chúng ta về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản, và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy”. Do đó, GS. Vũ Đức Vượng đã khẳng định: “Câu chuyện Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long, trở nên viên đá gốc của văn hóa Việt”.

Mùa xuân năm Canh Tý 40, hai chị em Trưng Trắc - Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Hán và khôi phục được chính quyền tự chủ cho người Việt. Sử thần Lê Văn Hưu thời nhà Trần trong “Đại Việt Sử ký Toàn thư” nhận định: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương”. “Đại Nam quốc sử diễn ca” của nhà Nguyễn cũng đã nhận định về Hai Bà Trưng: “Trước là nghĩa, sau là trung. Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn”.

Tư tưởng coi khinh người phụ nữ bị lên án!

Nước ta chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến của Trung Hoa bắt đầu từ thời kỳ Bắc thuộc. Xã hội phong kiến Trung Hoa là xã hội phụ quyền xuất phát từ gốc gác du mục Hán, tồn tại hàng nghìn năm với những quan niệm bất công, khắt khe, dành mọi ưu tiên, ưu đãi cho người đàn ông và đẩy người phụ nữ xuống địa vị thấp kém nhất trong gia đình cũng như xã hội. Nó lại được củng cố bằng Nho giáo - biện pháp để củng cố tôn ti trật tự phong kiến. Toàn bộ hoạt động của người phụ nữ được gói gọn trong khuôn phép: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Nghĩa là: Ở nhà nghe theo cha, lấy chồng nghe theo chồng, chồng chết nghe theo con (tam tòng). Nhất là quan niệm trọng nam khinh nữ: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (Một con trai thì là có nhưng mười con gái vẫn là không có).

Tuy nhiên, nền tảng tinh thần xã hội của người Việt lại rất dị ứng với điều này. Không có chuyện người đàn ông Việt Nam coi khinh người phụ nữ vì người phụ nữ chính là chủ của cái bếp, người nắm giữ và phân phối nền kinh tế gia đình do xuất phát từ văn hóa nông nghiệp và lối sống định cư: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đặc biệt, người phụ nữ còn có vai trò quan trọng hơn nam giới khi đưa ra các quyết định cụ thể: “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Và khi sinh con thì người Việt chuộng sinh con gái đầu lòng: “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Thậm chí, phụ nữ Việt luôn đả phá cái tư tưởng đa thê. Vì thế họ đã nhắn nhủ nhau: “Đói lòng ăn nắm lá sung/ Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng”. Bà Triệu cũng đã từng khẳng định: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”.

Luật Hồng Đức của nhà Lê đã đảm bảo cho con gái được hưởng quyền thừa kế tài sản bình đẳng như con trai. Con gái, cháu gái có quyền hương khói cho cha mẹ trong trường hợp trong nhà không có con trai, cháu trai (Điều 391, Điều 395); nếu con trai trưởng còn nhỏ thì bà quả phụ có quyền thay con mà tế tự tổ tiên. Trong hôn nhân, luật dành cho người phụ nữ có quyền từ hôn nếu thấy vị hôn phu chẳng may bị ác tật, phạm tội hay phá sản (Điều 322). Điều 308 cho phép người vợ có quyền bỏ chồng nếu trong 5 tháng người chồng bỏ rơi vợ, không đi lại. Khi ly hôn, tài sản của ai có trước khi kết hôn được trả về cho người đó, còn tài sản chung do hai vợ chồng làm nên thì chia đều cho mỗi người một nửa.

Đến thời nhà Nguyễn, đại thi hào Nguyễn Du cũng không dịch truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Hoa ra tiếng Việt mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt, một truyện thơ mang tư tưởng nhân văn sâu sắc của người Việt Nam về người phụ nữ. Những tư tưởng coi khinh người phụ nữ của xã hội phong kiến Trung Hoa như xem phụ nữ như món hàng để mua bán, xem trọng trinh tiết của người phụ nữ… đã bị đại thi hào Nguyễn Du lên án trong Truyện Kiều. Đặc biệt, chữ “Trinh” của Kiều theo đại thi hào Nguyễn Du chính là “lấy hiếu làm trinh”. Đánh giá về điều này, nhà thơ Tố Hữu từng viết trong bài thơ “Bài ca mùa xuân 1961” rằng: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình/ Nổi chìm kiếp sống lênh đênh/ Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”. Chính vì như vậy, Truyện Kiều mới có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc ta như thế! Nó chính là một thái độ của dân tộc ta trước lễ giáo và quan niệm xã hội cổ hủ của Nho giáo Trung Hoa.

Giải phóng hoàn toàn người phụ nữ

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại lời Các Mác: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi” và lời V.I.Lênin: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Người cũng nhận định: “Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả”.

Bởi thế, trong Hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội sau khi giành được độc lập dân tộc là “thực hiện nam nữ bình quyền”. Trong “Tuyên ngôn Độc lập” của nước ta (2/9/1945), Người không trích dẫn nguyên văn từ bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ năm 1776. Bản tuyên ngôn của nước Mỹ viết “that all men are created equal”, nghĩa là “mọi đàn ông sinh ra đều bình đẳng”. Còn Người viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”.

Tại Điều thứ 1, Điều thứ 9, Điều thứ 18, Hiến pháp 1946 của nước ta đã quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Đặt niềm tin vào vai trò chủ động vươn lên của người phụ nữ trong học tập, lao động và sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, đã nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại và từ đó giải phóng chính mình”. Bà Ketherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010, đã nhận định: “Người cũng quan tâm đến quyền và vai trò của phụ nữ trong xã hội… Đối với UNESCO, bình đẳng giới là một điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển quốc tế".

Trong Bản Hiến pháp năm 2013 của nước ta, nữ giới không những được bình đẳng với nam giới mà còn được ưu tiên như: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội” (Khoản 2 Điều 26); “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em” (Khoản 2 Điều 36); “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình” (khoản 2 Điều 58). Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng ta cũng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”./.

Nguyễn Văn Toàn