Chó nghiệp vụ - những 'chiến sĩ đặc biệt' của cảnh sát cơ động

Đặng Cường 25/10/2022 08:09

(Baonghean.vn) - Có những vụ án phức tạp, tưởng chừng đi vào ngõ cụt, khi chó nghiệp vụ vào cuộc hỗ trợ, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, nhất là ở những nơi nguy hiểm. Tuy nhiên, để huấn luyện được những chú chó nghiệp vụ giỏi là cả một quá trình gian nan, vất vả.

Những chiến công thầm lặng

Trong số những chiến công nổi bật của các “cảnh khuyển” thuộc Đội quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ, thuộc Phòng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an tỉnh phải kể tới các vụ việc liên quan đến ma túy. Điển hình như vụ bắt quả tang đối tượng Nguyễn Khắc Trung (SN 1970), trú tại thị trấn Kim Sơn (Quế Phong).

Cụ thể, vào giữa tháng 9/2020, qua công tác nắm bắt tình hình, Công an huyện Quế Phong xác định trên địa bàn xuất hiện một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với quy mô lớn và đã xác lập chuyên án để đấu tranh, theo đó, chó nghiệp vụ được huy động tuần tra. Đi sâu điều tra, chuyên án đã nhanh chóng làm rõ đối tượng cầm đầu là Nguyễn Khắc Trung có nhiều tiền án về ma túy.

Đối tượng Nguyễn Khắc Trung cùng tang vật tại cơ quan điều tra. Ảnh tư liệu: Quỳnh Trang

Sau gần 1 tháng điều tra, Ban Chuyên án nắm bắt được thông tin ngày 30/9/2020, đối tượng sẽ thuê ô tô để vận chuyển số lượng lớn ma túy đi địa bàn Hà Tĩnh tiêu thụ. Đến khoảng 4h sáng cùng ngày, khi chiếc xe ô tô mang BKS 37A - 618.51 chở Nguyễn Khắc Trung xuất hiện tại địa bàn xã Tiền Phong (Quế Phong), tổ công tác lên kiểm tra, dù đã lật tung chiếc xe nhưng vẫn không phát hiện được tang vật. Đối tượng vẫn ung dung, vì tin rằng, lực lượng chức năng không thể tìm ra được số ma túy.

Lúc này, chó nghiệp vụ được huy động và đã đánh hơi được dấu hiệu ma túy từ 1 cặp loa, 1 can nhựa. Lúc đầu không ai chịu nhận là của mình, nhưng sau đó, những người đi trên xe chỉ của khách mới lên là Nguyễn Khắc Trung, đối tượng mới chịu thừa nhận. Qua kiểm tra đã phát hiện 3 bánh heroin được chia đôi trong cặp loa và 10.000 viên ma túy tổng hợp. Đối tượng khai đã mua số ma túy trên của một đối tượng người Lào ở khu vực giáp ranh giữa xã Đồng Văn và Thông Thụ và đang trên đường đi Hà Tĩnh để tiêu thụ thì bị bắt.

Ngoài ra, ở những nơi nguy hiểm không thể sử dụng cán bộ thì thường phải nhờ chó nghiệp vụ làm tiên phong. Đơn cử, vụ việc từng gây chấn động tại địa bàn TP. Vinh vào lúc 10h30 ngày 1/10/2018, đối tượng Lê Ngọc Sơn (SN 1985) sử dụng lựu đạn cố thủ tại nhà số 128, đường Hồng Bàng, phường Lê Mao, khi Công an thi hành Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Cả trăm cảnh sát, lính bắn tỉa phong tỏa đường Hồng Bàng, vây bắt đối tượng Lê Ngọc Sơn. Ảnh tư liệu: N.H

Trước tình hình đó, đơn vị đã cử 7 cán bộ huấn luyện cùng 5 chó nghiệp vụ phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ khác tiếp cận đối tượng. Khi đối tượng bất ngờ cầm lựu đạn để xông ra ngoài với mục đích gây áp lực để trốn thoát, ngay lập tức chó nghiệp vụ xông lên khiến đối tượng phải chùn bước, lùi vào nhà. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, với sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đã tiến hành vây bắt thành công đối tượng; thu giữ 3 quả lựu đạn và một số tang vật khác, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và tài sản.

“Trong trường hợp này, khi đối tượng cầm trên tay 3 quả lựu đạn, nếu không nhờ chó nghiệp vụ thì có thể cán bộ, chiến sĩ, cả người dân sẽ bị đối tượng gây thương vong” - một cán bộ Đội quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ, thuộc Phòng CSCĐ Công an tỉnh kể lại.

Bên cạnh đó, chó nghiệp vụ còn tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát, diễn tập nhiều phương án giải tán đám đông, bảo vệ mục tiêu, bảo vệ các sự kiện lớn, phiên tòa phức tạp…

Công việc vất vả

Số liệu từ Đội quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Phòng CSCĐ Công an tỉnh cho thấy: Trong năm 2021, được lãnh đạo Công an tỉnh, Phòng CSCĐ điều động phối hợp với các phòng nghiệp vụ, công an các đơn vị, địa phương, Đội đã cử 105 lượt cán bộ huấn luyện và 23 lượt chó nghiệp vụ tham gia tuần tra giữ gìn ANTT trên địa bàn, bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành; 700 viên ma túy tổng hợp; 0,39 gam heroin; 500 gam ketamine; 38 viên thuốc lắc và các tang vật có liên quan.

Quán triệt trước mỗi huấn luyện. Ảnh: Đ.C

Riêng từ đầu năm 2022 đến nay đã cử 133 lượt cán bộ huấn luyện và 61 lượt chó nghiệp vụ tham gia tuần tra giữ gìn ANTT trên địa bàn, bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, tang vật thu giữ gồm 231gam heroin; 10 gam ketamine; 4 viên thuốc lắc (1,6 gam) 1 cân điện tử, 2 xe máy, 12 ĐTDĐ, 2 thanh kiếm và 100 triệu đồng tiền mặt và các tang vật có liên quan.

Để đảm bảo nhiệm vụ theo yêu cầu, các chú chó được chọn huấn luyện thường thuộc giống Labrador Retriever, Belgian Malinois, Rottweiler, Cocker... Việc huấn luyện cơ bản sẽ kéo dài 6 tháng tại Trung tâm Huấn luyện động vật nghiệp vụ của Bộ Công an. Mỗi người sẽ được giao 1 con chó gần 2 tuổi, độ tuổi đã ổn định về tâm lý để làm quen và huấn luyện. Sau khi qua các kỳ sát hạch, các chú chó được đưa về đơn vị, tiếp tục huấn luyện trong mọi điều kiện, môi trường để phục vụ cho công việc đặc thù.

Thiếu tá Nguyễn Đăng Đề - Đội trưởng Đội quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ, thuộc Phòng CSCĐ Công an tỉnh

Mỗi chú chó với tính cách khác nhau sẽ được đào tạo với chuyên khoa khác nhau, nhưng để được lựa chọn, phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe như hệ thần kinh, ngoại hình tốt, đặc biệt là khứu giác, thị giác, thính giác phải nhạy. Cụ thể như chuyên khoa giám biệt chất đặc định (các chất như ma túy, thuốc nổ...), nguồn hơi thì hệ thần kinh cân bằng, tính đồng hóa, hiền lành hơn; chuyên khoa bảo vệ và truy vết đòi hỏi phải có hệ thần kinh mạnh, hung dữ, ngoại hình to lớn, khả năng trấn áp…

Vượt chướng ngại vật - một trong những nội dung quan trọng của quá trình huấn luyện chó nghiệp vụ. Ảnh: Đ.C

Thiếu tá Nguyễn Công Tứ - cán bộ huấn luyện cho biết: Huấn luyện chó nghiệp vụ là một quá trình hết sức gian nan, vất vả, trước hết đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải yêu động vật, thực sự đam mê, yêu nghề và có tính kiên nhẫn cao, bởi đây là công việc gian khổ, kỳ công, đổ mồ hôi, thậm chí đổ cả máu. Trung bình, chó nghiệp vụ nặng từ 45 - 50 kg và việc bị chó tấn công không mấy xa lạ với các cán bộ huấn luyện.

Đặc biệt, với chó nghiệp vụ thì mỗi người chỉ được nhận chăm sóc và huấn luyện 1 chú chó đến khi nó bị thải loại. Có khi là 5 năm, 6 năm, có những con đến 9 năm. Bởi vậy, với người huấn luyện phải xem mỗi chú chó như con, phải tự tay chăm sóc, từ cho ăn, tắm rửa và thường xuyên vuốt ve, động viên...

Theo Thiếu tá Nguyễn Đăng Đề, đơn vị có 1 nhân viên bếp riêng để phục vụ từng bữa ăn cho chó, đảm bảo từng khẩu phần, định lượng chất dinh dưỡng đã được tính toán cụ thể, khoa học. Đặc biệt, “Mỗi khi chó ốm đau, dịch bệnh là người huấn luyện xác định ăn, ở tại đơn vị và mọi việc nhà đều phải gác lại…”, Thiếu tá Đề cho hay.

Huấn luyện chó nghiệp vụ trong bài tập trấn áp tội phạm. Ảnh: Đ.C

Quả thực, mỗi người, mỗi lực lượng là một nhiệm vụ, tất cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Tuy nhiên, với những cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ với những khó khăn đặc thù, ngoài yêu động vật, còn phải là những người “say nghề”, đó là điều kiện cần có để họ - những người huấn luyện chó nghiệp vụ vượt qua tất cả, gắn bó với công việc mà mình đã chọn./.

Đặng Cường