Nghệ An tập trung huy động các nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội

Thu Huyền 25/10/2022 10:02

(Baonghean.vn) - 9 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cấp vốn ưu đãi cho 58.361 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong năm 2022.

Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc ở Diễn Châu được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động trong đợt dịch Covid-19. Ảnh: Thu Huyền

Nguồn vốn tăng trưởng mạnh

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Bám sát Nghị quyết của Hội đồng quản trị và Nghị quyết thường kỳ của Ban, Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Trong quý III, nguồn vốn đã tăng thêm 234 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng nguồn vốn tăng ròng 1.101 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 11,3%; Tổng nguồn vốn đến nay đã đạt 10.783 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn của 5 chương trình tín dụng chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về cho vay phục hồi và phát triển kinh tế đạt 481,5 tỷ đồng.

Gia đình anh Phạm Văn Kiều ở xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn (Đô Lương) vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư máy làm nhôm kính. Ảnh: Thu Huyền

Ngân hàng Chính sách huyện Đô Lương được đánh giá là một trong những đơn vị làm tốt công tác huy động nguồn vốn. Ông Nguyễn Hữu Kỳ - Giám đốc Ngân hàng Chính sách huyện Đô Lương cho hay: Việc huy động tiền gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ được duy trì ổn định, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc gửi tiền để từ đó tạo nguồn tích lũy để trả nợ khi đến hạn cũng như trả lãi khi hộ vay gặp khó khăn về tài chính. Đến đầu tháng 10, số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt hơn 38 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 8,43%.

Đối với huy động tiền gửi tiết kiệm theo lãi suất thị trường, mặc dù triển khai chưa lâu, chịu sự cạnh tranh quyết liệt của các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhưng từ đầu năm đến nay kết quả đạt được rất khả quan. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đô Lương giao các đơn vị ủy thác cấp huyện phối hợp Ngân hàng để tiến hành giao chỉ tiêu cho các đơn vị ủy thác cấp xã. Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, các đơn vị ủy thác cấp xã đã tập trung tuyên truyền cho các thành phần kinh tế trên địa bàn có nguồn vốn nhàn rỗi để gửi vào Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Đến ngày 30/9/2022 tổng nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm theo lãi suất thị trường đạt 88,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động tiền gửi của các hội đoàn thể đạt 33,8 tỷ đồng. Nổi bật có Hội Cựu chiến binh huyện hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao với tỷ lệ hơn 132%, tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất với tỷ lệ 70,41%. Một số xã có số dư tăng trưởng lớn so với đầu năm bao gồm: Đông Sơn, Đại Sơn, Lưu Sơn, Bồi Sơn,...

Gia đình chị Lang Thị Luyên ở bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội làm nhà ở và phát triển kinh tế. Ảnh: Thu Huyền

Đối với địa bàn miền núi, Con Cuông là một trong những địa phương có kết quả huy động nguồn vốn cao; Tổng nguồn vốn đến đầu tháng 10 đạt hơn 532 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng rất cao, đạt 12,67%. Ngoài nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn Trung ương, Con Cuông cũng tổ chức huy động tốt qua tổ chức cá nhân, qua tổ tiết kiệm và vay vốn.

Nguồn vốn tăng trưởng, tỷ lệ thu nợ đến hạn tốt tạo ra nguồn vốn quay vòng ổn định, giúp các xã chủ động được nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Doanh số cho vay đến ngày 30/9/2022 của Con Cuông đạt hơn 114 tỷ đồng; với 2.627 lượt khách hàng được cấp vốn tín dụng từ đầu năm. Doanh số cho vay lớn chủ yếu tập trung vào các đối tượng hộ nghèo 34 tỷ đồng; hộ cận nghèo 22 tỷ đồng, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với doanh số cho vay là 13 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với doanh số cho vay là 12 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm là 10 tỷ đồng,...

Cán bộ NHCSXH huyện Con Cuông hướng dẫn người dân vay vốn chính sách. Ảnh: Thu Huyền

Bà Nguyễn Thị Ngọc - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Con Cuông cho biết: nhiều năm qua, các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều có dư nợ cao, tốc độ tăng trưởng rất mạnh. Năm 2022 thực hiện theo gói cho vay Nghị quyết 11 của Chính phủ, Con Cuông triển khai gói cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015, giải quyết việc làm cũng rất tốt. Dư nợ hiện tại chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 gần 17 tỷ đồng; Năm 2022 tăng trưởng hơn 11 tỷ đồng.

Tập trung bố trí nguồn vốn ủy thác ngân sách năm 2023

Đánh giá về hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: 9 tháng đầu năm, trong khi nguồn vốn huy động toàn địa bàn tỉnh đạt 188.772 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 7,6%, thì tốc độ tăng trưởng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách đạt 11,3% là rất tốt.

Ngoài ra, cho vay tín dụng tiếp tục duy trì cao hơn cùng kỳ năm trước 1,91%, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm Ban đại diện đề ra. Trong đó, đã giải ngân 4/5 chương trình theo Nghị quyết số 11 đạt dư nợ 310,7 tỷ đồng, hoàn thành 93,7% chỉ tiêu giao (riêng chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc miền núi chưa thực hiện giải ngân được).

Ngân hàng CSXH Con Cuông giải ngân tại xã Thạch Ngàn. Ảnh: Thu Huyền

Tuy nhiên, hoàn lưu của bão số 4 gây mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống nhân dân vùng thiên tai gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến công tác thu nợ, thu lãi và hoạt động giao dịch tại xã thuộc các huyện trong vùng ảnh hưởng của thiên tai. Việc giải ngân nguồn vốn 150 tỷ đồng theo Nghị quyết 28 chậm, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ...

Vừa qua, tại phiên họp thường kỳ chỉ đạo nhiệm vụ cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện NHCSXH tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị thành viên Sở Tài chính và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn ủy thác ngân sách năm 2023 và chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện chỉ tiêu nguồn ủy thác ngân sách địa phương được giao.

Đồ hoạ: Hữu Quân

Đối với nguồn vốn 150 tỷ đồng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đề nghị Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện kịp thời rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách để làm căn cứ giải ngân nguồn vốn, hỗ trợ kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất và ổn định đời sống của đối tượng chính sách. Cần kịp thời thông báo giao vốn bổ sung năm 2022 cho các huyện, thành, thị (190 tỷ đồng) để giải ngân nhanh nguồn vốn các chương trình, phấn đấu hoàn thành công tác giải ngân trước ngày 30/11/2022.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh chủ trì cuộc họp Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội phiên thường kỳ lần thứ 73 vừa qua. Ảnh: Thu Huyền

Đồng chí Lê Hồng Vinh cũng yêu cầu thành viên Ban đại diện cấp huyện là Chủ tịch UBND cấp xã cần thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai, quản lý, giám sát nguồn vốn tín dụng chính sách tại địa bàn, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả; kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 và gói hỗ trợ lãi suất 2%, tránh trục lợi chính sách.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Hướng dẫn người vay lập hồ sơ đầy đủ, đúng quy định; không để xảy ra tình trạng cho vay chồng chéo các chương trình, vay vượt hạn mức, hộ gia đình có nhiều người đứng tên vay vốn...

Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện NHCSXH tỉnh

Thu Huyền