Xử lý kỷ luật cán bộ, công chức: Nghiêm khắc và nhân văn
(Baonghean.vn) - Vừa qua, một số công chức tư pháp, địa chính cấp xã ở Nghệ An bị khởi tố, bắt giam vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn với PGS. TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản xung quanh nội dung này.
Nghiêm khắc với những sai phạm
P.V:Thưa PGS.TS. Vũ Văn Phúc, ông có suy nghĩ như thế nào xung quanh việc nhiều cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước bị khởi tố bắt giam? Sai lầm đó trước tiên là do chính bản thân họ?
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Việc hàng loạt công chức, viên chức tư pháp, địa chính ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước bị khởi tố bắt giam là điều vừa mừng, vừa lo, vừa buồn.
Mừng vì trong điều kiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ai vi phạm thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Như vậy, mọi mặt của đời sống xã hội mới thượng tôn pháp luật, kỷ cương phép nước mới được thực hiện nghiêm minh.
Lo vì hàng loạt công chức, viên chức tư pháp, địa chính cấp phòng bị khởi tố bắt giam, thì chắc tuổi đời của họ còn trẻ, mà đã vướng vào vòng lao lý, thì tương lai cuộc sống còn dài của họ và gia đình họ sẽ ra sao…
Và buồn vì thế hệ cán bộ, công chức, viên chức sinh ra trong thời bình, được học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, là lớp người kế cận sự nghiệp cách mạng của cha, ông, là mùa xuân của dân tộc, lẽ ra họ phải phấn đấu rèn luyện để trưởng thành, thì lại bị khởi tố bắt giam. Họ đã phụ lòng dạy dỗ của cha mẹ, gia đình, nhà trường và xã hội, họ đã đánh mất niềm tin của bao người. Họ bị khởi tố bắt giam là cơ quan, đơn vị mất cán bộ, nếu họ là đảng viên, thì Đảng mất đảng viên… Thật đau xót!
Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đọc lệnh khởi tố bị can đối với cán bộ địa chính xã Đại Thành về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tiền của người dân. Ảnh tư liệu: Thái Hồng |
Sai lầm của họ có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng trước tiên là do chính bản thân họ đã không tu dưỡng, rèn luyện; phải nghiêm khắc nhìn nhận như vậy, họ đã không vượt lên được chính mình, không vượt lên cám dỗ của đồng tiền, cám dỗ của vật chất tầm thường…
P.V:Các cơ quan sử dụng, quản lý công chức, viên chức cũng phải có trách nhiệm như thế nào? Bởi lẽ những sai phạm có tính hệ thống thường kéo dài, có nhiều dư luận, có ý kiến phản ánh?
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Khi một công chức, viên chức bị khởi tố bắt giam, thì ngoài nguyên nhân chính là do bản thân họ, cơ quan, đơn vị sử dụng, quản lý lao động, cũng phải có trách nhiệm: trách nhiệm trước xã hội; trách nhiệm trước gia đình họ, khi gia đình họ gửi gắm con, em họ cho cơ quan, đơn vị sử dụng, quản lý; trách nhiệm trước Đảng, trước pháp luật vì cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó, không thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đảng ta đã có quy định: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, nếu để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực và pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng quy định chế tài như vậy…
Sai phạm công chức, viên chức đến mức bị khởi tố bắt giam có nghĩa là sai phạm đó đã có tính hệ thống, thường kéo dài, chắc đã có xì xào của dư luận, có ý kiến phản ánh… Vậy tại sao cấp ủy, tổ chức Đảng, những người lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị đó không biết hay biết mà làm ngơ… Do vậy, cần xem xét, xử lý trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, những người lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị để xảy ra những sai phạm đến mức công chức, viên chức bị khởi tố, bắt giam.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 cán bộ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Ảnh tư liệu: Đức Vũ |
P.V:Có những người dân, khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, đặc biệt là với những người có nhu cầu làm “bìa đỏ”, họ ngại đi lại, ngại tìm hiểu, không muốn dành thì giờ cho công việc của mình nhưng lại muốn nhanh được cấp bìa. Chính những người như vậy đã góp phần làm hư cán bộ. Họ cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc công chức, viên chức phạm tội. Thưa PGS, TS. Vũ Văn Phúc, ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Thực tiễn có xảy ra những vụ việc như vậy. Có những người dân, khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, đặc biệt là với những người có nhu cầu làm “sổ đỏ, sổ hồng”, họ ngại đi lại, ngại tìm hiểu, không muốn mất nhiều thời giờ cho công việc của mình, nhưng lại muốn nhanh được cấp “sổ đỏ, sổ hồng”. Chính những người đó đã góp phần làm hư cán bộ và chính họ cũng phải chịu trách nhiệm trong việc công chức, viên chức phạm tội. Theo pháp luật hiện hành thì cả người nhận hối lộ, cả người đưa hối lộ và cả người môi giới hối lộ đều bị xử lý theo pháp luật. Nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải khởi tố bắt giam…
Nhân văn với người thân
P.V: Hình ảnh những cán bộ, công chức, viên chức khi bị bắt giữ thường được đăng tải rất nhiều trên các trang mạng xã hội, thậm chí có cả sự bêu rếu. Con của những công chức, viên chức phạm tội có người không dám đến trường vì ánh nhìn kỳ thị của mọi người. Có phải xã hội chúng ta đang thiếu những cái nhìn cảm thông đối với những công chức, viên chức vi phạm pháp luật, thưa PGS. TS. Vũ Văn Phúc?
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Pháp luật Việt Nam rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn. Những ai phạm tội sẽ bị trừng phạt, nhưng pháp luật Việt Nam cũng là để giáo dục những người lầm lỗi, nhanh cải tạo tốt, sửa chữa, sai lầm của mình để sớm trở về với gia đình, về với cộng đồng, trở thành công dân tốt cho xã hội…
Mạng xã hội có tính hai mặt. Một số trang mạng xã hội đăng tải những hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức khi bị bắt giữ thì cũng là thông điệp cảnh tỉnh, răn đe người khác, nhưng có trang mạng xã hội đăng tải quá nhiều, lặp đi lặp lại, thậm chí có cả sự bêu rếu, thì đã vô tình hay cố ý làm tổn thương các thân nhân trong gia đình, nhất là con trẻ.
Chúng ta phải có cái nhìn dứt khoát là: ai phạm tội thì người đó chịu hình phạt của pháp luật. Những người liên quan như bố mẹ, vợ/chồng, con cái… nếu không phạm tội thì xã hội phải công bằng và cảm thông với họ, nhất là đối với trẻ em. Trẻ em còn non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần, trẻ em cần được người lớn, thầy cô giáo, bạn bè bao dung, thông cảm, chia sẻ, khi các em rơi vào hoàn cảnh bố hay mẹ bị truy tố, bắt giam. Nhất là cộng đồng mạng xã hội phải lên tiếng bảo vệ các em, các em không có lỗi gì cả, tội lỗi là do người lớn gây nên.
P.V: Theo ông, làm sao để kỷ luật là hình thức giáo dục, răn đe, sau khi kỷ luật người có tội có thể đứng lên sau vấp ngã?
PGS, TS Vũ Văn Phúc: Con người Việt Nam cơ bản là tốt, chỉ một lúc xiêu lòng, không vượt qua được chính mình, không vượt qua được sự cám dỗ của đồng tiền, vật chất, mà bị sa ngã, phạm tội. Để những người tốt giữ được phẩm chất tốt đẹp, thì mỗi người phải luôn rèn luyện, tu dưỡng bản thân, như ông cha từng dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, hay “Giấy rách phải giữ lấy lề”… Mỗi người phải trau rèn cho mình sức đề kháng cao trước mặt trái của cơ chế thị trường, mặt trái của hội nhập quốc tế, không bị cám dỗ của đồng tiền, vật chất làm lung lay, mà sa ngã, phạm tội.
Cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị… luôn giáo dục, động viên, khích lệ mọi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tốt, điều hay, phê phán, tránh xa những tư tưởng, việc làm tiêu cực, trái với nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và càng không được làm việc gì trái với pháp luật.
Kiểm tra, giám sát thường xuyên để ngăn ngừa vi phạm từ sớm, từ xa. Trong ảnh: Lãnh đạo thị xã Thái Hòa giám sát việc triển khai dự án đầu tư trên địa bàn. Ảnh minh họa: Mai Hoa |
Cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị… luôn giao nhiệm vụ và đồng thời, theo dõi, giám sát mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Bất cứ ai có biểu hiện lệch lạc, sai trái thì phải được nhắc nhở, uốn nắn từ đầu; phải làm triệt tiêu mọi ý định, biểu hiện sai phạm từ trong “trứng nước”, từ khi mới manh nha… Thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình trên tinh thần thương yêu đồng chí, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở để mọi người đấu tranh với những cái sai, bảo vệ lẽ phải, điều đúng…
Khi cán bộ, công chức, viên chức mắc sai lầm, khuyết điểm thì phải kỷ luật nghiêm minh, nếu phạm tội thì xử lý trước pháp luật. Nhưng kỷ luật, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta có tính nhân văn rất cao, luôn mở đường cho người mắc sai lầm, khuyết điểm, thậm chí phạm tội có cơ hội sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của mình để phấn đấu trở thành người tốt. Kỷ luật là hình thức giáo dục, răn đe, sau khi bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, người có sai lầm, khuyết điểm, thậm chí phạm tội có cơ hội để sửa chữa, để có thể đứng lên, bước tiếp sau vấp ngã…
P.V: Xin cảm ơn PGS, TS. Vũ Văn Phúc!