Thí điểm đấu giá biển số ô tô: Có nên quy định hai mức giá khởi điểm 20 và 40 triệu đồng theo vùng?
(Baonghean.vn) - Sáng 26/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An thảo luận tại Tổ 16 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Yên và Tây Ninh xoay quanh Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16 sáng 26/10. Ảnh: Phan Hậu |
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bao gồm: biển số đưa ra đấu giá; giá khởi điểm, tiền đặt trước, quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe.
Nghị quyết này không áp dụng đối với biển số cấp cho xe có nguồn mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải, xe ô tô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, xe ô tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình và nhất trí cao sự cần thiết ban hành nghị quyết trên nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, khai thác hiệu quả kho số, tăng thu ngân sách.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: Quang Khánh |
Tuy nhiên, liên quan các quy định trong Nghị quyết, các đại biểu còn nhiều nội dung băn khoăn. Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị nên sửa tên gọi nghị quyết thành “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô” để ngắn gọn, dễ hiểu hơn.
Tướng Thuận cũng đồng tình với quy định: “Thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá” để tạo điều kiện cho người trúng đấu giá vì có những trường hợp phải đặt xe từ nước ngoài, cần thời gian chờ nhận xe. Tuy nhiên, từ quan điểm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội, ông cũng cho rằng, Nghị quyết chỉ nên quy định một mức giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng thay vì quy định thành vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng như trong dự thảo Nghị quyết.
Đặt câu hỏi, định nghĩa như thế nào là biển số đẹp? Ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An cho rằng, nên phân thành hai nhóm kho số: Thứ nhất là những biển số được đông đảo người sử dụng thừa nhận là số đẹp theo tâm lý chung của người dân. Thứ hai là kho số được đăng ký theo sở thích, ví dụ như ngày, tháng, năm sinh… Và mỗi kho số thì có mức giá khởi điểm khác nhau, nhất là kho số đẹp được xã hội công nhận theo tâm lý chung cần đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn kho số theo sở thích.
GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT, ĐBQH Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Hậu |
Về vấn đề này, GS.TS Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ĐBQH Đoàn Nghệ An cũng cho rằng tên Nghị quyết nên ngắn gọn; việc đưa toàn bộ biển số xe chưa đăng ký ra đấu giá là chưa phù hợp, liên quan đến quyền của người tiêu dùng.
Vì nhiều người không có khả năng, không có có nhu cầu đấu giá, trong khi phí khởi điểm đấu giá theo như trong dự thảo Nghị quyết quy định theo 2 vùng là 20 triệu và 40 triệu đồng. Do đó, để đảm bảo công bằng và quyền lợi cho người tiêu dùng, GS Thái Văn Thành cho rằng, nên tách ra, có thể là chia tỷ lệ số phần trăm số biển chưa cấp để đem ra đấu giá, còn lại thì vẫn cấp biển theo hình thức bình thường lâu nay.
Tại phiên thảo luận, đại biểu cũng nêu lên những quan điểm khác nhau về phạm vi địa bàn tổ chức thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Có đại biểu đồng tình là triển khai trên cả nước như trong dự thảo Nghị quyết, nhưng có đại biểu nêu ý kiến ngược lại.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: Phan Hậu |
Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An cho biết: Năm 2008, Nghệ An từng thí điểm cấp biển số ô tô, mô tô thông qua đấu giá trên cơ sở đề xuất của Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan, thu được hơn 4 tỷ đồng đóng vào Quỹ Vì người nghèo của tỉnh, được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, do chưa đủ cơ sở pháp lý nên sau đó dừng lại.
Đồng tình với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết này, tuy nhiên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An bày tỏ băn khoăn với phạm vi thí điểm toàn quốc như trong dự thảo Nghị quyết. Vị đại biểu cho rằng nên giới hạn phạm vi địa phương thí điểm trong một khoảng thời gian; sau đó tổng kết đánh giá rồi mới nhân rộng, phù hợp với tính chất thí điểm mà Nghị quyết đưa ra.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Quang Vinh |
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá, trong đó quy định số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các chi phí tổ chức đấu giá theo quy định sẽ phân chia tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% nộp vào ngân sách địa phương.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng ủng hộ quan điểm của Chính phủ trình Quốc hội là không nhất thiết định nghĩa “biển số đẹp” vì “mình coi là đẹp thì chưa chắc người dân coi là đẹp, nó còn tùy thuộc vào sở thích của mỗi cá nhân.
Mặt khác, đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc có khoảng thời gian để bất kỳ ai mua xe ô tô cũng có quyền bấm lựa chọn trong kho số này mà không phải thông qua đấu giá vì đó là quyền công dân.
Đại biểu Đoàn Nghệ An Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Phan Hậu |
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đại biểu Đoàn Nghệ An Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về cơ bản nội dung cho phép các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Mê Thuột được hưởng các ưu đãi đầu tư với mức độ được miễn 4 năm và giảm 50% số thuế trong 9 năm, áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm là phù hợp, tương đương mức ưu đãi ở một số cơ chế đặc thù khác.
Đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phan Hậu |
Tuy nhiên, theo đại biểu, cần có thêm quy định về việc xác định thời gian và cách thức miễn, giảm. Theo đó, Dự thảo Nghị quyết sẽ cần thể hiện rõ nội dung về thời gian bắt đầu được hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi, thu nhập được hưởng ưu đãi thực hiện đúng các quy định pháp luật về thuế...