Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10
Ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2022 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia đồng thời bàn các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số vấn đề quan trọng khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trước khi vào phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ chúc mừng đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa được Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị của đồng chí Nguyễn Văn Thể; nhấn mạnh đồng chí Nguyễn Văn Thể trưởng thành từ cơ sở, trải qua nhiều vị trí, cương vị công tác và luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Từ khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đồng chí Nguyễn Văn Thể đã có nhiều đóng góp cho phát triển ngành Giao thông vận tải và của Chính phủ. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với cương vị mới, đồng chí Nguyễn Văn Thể tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm, sở trường, cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cách đây đúng một năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. 10 tháng của năm 2022 đã đi qua, tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, song tình hình kinh tế-xã hội cả nước đạt được nhiều kết quả cơ bản, quan trọng. Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ phân tích, đánh giá kết quả, bài học kinh nghiệm, nhận định tình hình, đưa ra các quan điểm, giải pháp chỉ đạo, điều hành những tháng tiếp theo để đạt mục tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 10. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bối cảnh tình hình thế giới diễn biến ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường. Tình trạng lạm phát cao và suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng; rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới gia tăng, lãi suất, tỷ giá biến động mạnh. Cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng trở nên khó lường nhưng tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng của nước ta tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tích cực.
Theo đó, cả nước cơ bản giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. CPI bình quân 10 tháng tăng 2,89%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng, giảm bớt áp lực giá cho doanh nghiệp, người dân; chủ động điều hành giá điện, xăng dầu và các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý; giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cơ bản bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước.
Chính phủ đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động thích ứng với những biến động nhanh và mạnh hơn của thị trường quốc tế. Đến ngày 25/10 tín dụng tăng 11,48% so với cuối năm trước; điều hành tỷ giá phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, duy trì dư địa điều hành, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.
Đại diện các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tham dự phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Công tác thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, tính chung 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 10 ước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng đạt gần 616,24 tỷ USD, tăng 14,1%, tính chung 10 tháng xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng ước tăng 20,2%, loại trừ yếu tố giá tăng 16,1%. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh, khách quốc tế 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, gấp 18,8 lần cùng kỳ năm 2021.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10/2022 tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt gần 178,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đáng chú ý, công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân tiếp tục được làm tốt. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Công tác phòng, chống dịch COVID-19, các dịch bệnh khác tiếp tục được chú trọng; dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát, giảm nguy cơ “dịch chồng dịch”, là nền tảng quan trọng để tiếp tục phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Quang cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế trong 10 tháng qua cũng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức, nhất là do tác động của bối cảnh tình hình thế giới, trong nước ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức ngày càng nhiều hơn thuận lợi. Đó là tăng trưởng của các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế tuy đã đạt ở mức cao nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch COVID-19, mức bình quân 10 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019. Vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong nước. Thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách điều hành đối mặt với áp lực ngày càng tăng do định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED và nhiều quốc gia. FDI đăng ký cấp mới mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng, nhưng tính chung 10 tháng vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ. Cân đối xăng dầu trong nước còn tiềm ẩn rủi ro, tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động cầm chừng, thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số địa phương...
TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp.