Nghệ An: Năm 2022, xuất khẩu lao động tăng gần gấp đôi trung bình nhiều năm

Nguyễn Hải 04/11/2022 10:30

(Baonghean.vn) - Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, lao động đi làm việc nước ngoài bằng con đường xuất khẩu tăng mạnh và chiếm đa số trong số lao động được kết nối, tìm kiếm việc làm mới trong 10 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, đến hết tháng 10, Nghệ An giải quyết việc làm cho 43.554 lao động, đạt 101,45% kế hoạch, tăng 43,1% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong số lao động có việc làm mới trên, có 20.105 là xuất khẩu lao động, chiếm 46,1%, tăng gần 3 lần so với năm 2021 (trên 6.700 lao động) và tăng gần gấp đôi so với bình quân nhiều năm (từ 12.000 - 13.000 lao động).

Hiện nay, lao động Nghệ An chủ yếu đi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Đông với mức thu nhập khá cao, phổ biến từ 10 - 40 triệu đồng/người/tháng, gấp 5-6 lần lao động nội tỉnh.

Lao động người xã Nam Thành (huyện Yên Thành) làm việc tại xưởng cơ khí Nhật Bản. Ảnh tư liệu

Ông Trần Phi Hùng- Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An: Sở dĩ năm nay số lao động xuất khẩu tăng mạnh so với bình quân nhiều năm trước là do các năm trước ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhiều lao động làm hồ sơ nhưng không xuất cảnh được nên bị dồn ứ lại. Theo thông lệ nhiều năm, cuối năm là thời điểm người lao động xuất cảnh nhiều nên số lao động xuất khẩu chắc chắn sẽ còn tăng thêm.

Trước đó, theo Đề án giải quyết việc làm tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015-2020, số lao động được kết nối, giải quyết việc làm là 189.056 người, trong đó, giải quyết việc làm mới trong tỉnh là 55.013 người, chiếm 29,9%; lao động đi ngoại tỉnh là 69.300 người, chiếm 36,55%; lao động đi xuất khẩu theo hợp đồng là 64.743 người, chiếm 34,2%.

Bước sang giai đoạn 2021-2022, số lao động làm hồ sơ đi xuất khẩu tăng mạnh do chi phí giảm, các thủ tục minh bạch, thu nhập cao hơn.

Học sinh Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam - Hàn Quốc tìm cơ hội việc làm tại hội chợ kết nối với doanh nghiệp. Ảnh Tư liệu Báo Nghệ An

Hiện Nghệ An đang thu hút được một số dự án đầu tư nước ngoài FDI quy mô lớn, dự kiến từ nay đến năm 2025 cần 100.000 người, trong đó, chủ yếu là lao động nữ, lao động phổ thông và 3 ngành nghề chính là điện tử, dệt may và giày da. Do làm việc trong tỉnh có mức thu nhập thấp nên các lao động Nghệ An có xu hướng ra ngoại tỉnh làm việc hoặc đi xuất khẩu lao động. Để thu hút và giữ chân được lao động, các doanh nghiệp tuyển dụng cần có kế hoạch phối hợp đào tạo, đảm bảo chế độ cho người lao động là con em địa phương./.

Nguyễn Hải