Ngân hàng, doanh nghiệp không mặn mà với gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, vì sao?

Thu Huyền 31/10/2022 18:44

(Baonghean.vn) - Để hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ giải ngân rất thấp, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ này.

Doanh nghiệp, ngân hàng không mặn mà

Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hiệu lực từ ngày 20/5/2022 với vốn hỗ trợ lãi suất lên tới 40.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Đang là thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh tăng cao, trong khi lãi suất cho vay ở các ngân hàng đang rục rịch tăng thì gói hỗ trợ lãi suất này càng có ý nghĩa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn quay lưng với gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi này.

Ông Đoàn Quang Lê - Phó Giám đốc Công ty CP Trung Đô cho biết, việc triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất có nhiều mâu thuẫn. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 hướng tới đối tượng doanh nghiệp khó khăn, báo cáo tài chính phải đi xuống,... Nhưng thực tế nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khó khăn thì ngân hàng lại không mặn mà cho vay bởi nguy cơ nợ xấu.

Dây chuyền sản xuất vật liệu cao cấp của Công ty CP Trung Đô tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc). Ảnh: Nguyễn Hải

“Đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng được yêu cầu về thủ tục hành chính. Thời gian hỗ trợ ngắn không giải quyết được bài toán khó khăn của doanh nghiệp, dàn trải nguồn lực tài chính hỗ trợ. Còn với khách hàng là hộ kinh doanh lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất... Nhìn chung, chính sách chưa phát huy được hiệu quả do thiếu tính đồng bộ, chưa sát thực tế” - ông Lê cho hay.

Nhiều doanh nghiệp, ngân hàng cho rằng, mục tiêu chính sách đưa ra rất tốt, nhưng thực thi lại mâu thuẫn, chồng chéo nên việc triển khai hiện chưa được như kỳ vọng. Nhà nước hỗ trợ lãi suất nhưng vốn vay là của ngân hàng thương mại, ngân hàng phải đứng ra thẩm định hồ sơ khách hàng, chịu rủi ro. Cả doanh nghiệp và ngân hàng đều ngại câu chuyện thanh tra, kiểm toán trong quá trình triển khai, thực hiện dự toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Ông Võ Huy Hạ - Giám đốc Vietinbank chi nhánh Cửa Lò cho hay, hầu hết doanh nghiệp đều ký hợp đồng vay vốn từ đầu năm, muốn vay gói mới phải chờ thanh lý hợp đồng vào cuối năm. Hiện nay, tại Vietinbank chi nhánh Cửa Lò chưa có phát sinh dư nợ chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Đánh giá về gói vay, ông Hạ cho biết, một số doanh nghiệp chúng tôi biết đủ điều kiện nhưng từ chối vay; họ không hào hứng bởi ngại thanh tra, kiểm tra. Để vay vốn hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp phải có báo cáo chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, và có phương án phục hồi kinh doanh năm tiếp theo khả thi. Thế nhưng, phục hồi hay không thì ai đánh giá, theo chuẩn nào…?

“Việc đánh giá này mang tính định tính cao, mà như vậy rất không an toàn, ngân hàng không thể linh động với các chương trình hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Bài học từ cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 còn đó ” - ông Hạ chia sẻ.

Giao dịch tại Ngân hàng HDBank. Ảnh: Thu Huyền

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau khiến ngân hàng khó bóc tách chi phí, dẫn tới khó hỗ trợ vốn vay. Trong khi đó, tiêu chí xác định khả năng phục hồi do các ngân hàng thương mại đặt ra không thống nhất, dễ dẫn tới sự không đồng thuận từ phía thanh tra, không được quyết toán chi phí hỗ trợ.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển sản xuất. Tuy nhiên, quan điểm của ngành là tiền cho vay ra phải được thu về, đảm bảo an toàn nguồn vốn.

Một số doanh nghiệp kêu khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, nhưng muốn nhận hỗ trợ phải chứng minh được chịu ảnh hưởng và có khả năng phục hồi; doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa nghề phải tách bạch được ngành trong danh mục hỗ trợ. Đối với hộ kinh doanh, muốn được hỗ trợ lãi suất phải có đăng ký kinh doanh và có kinh doanh thực, nhưng thực tế nhiều hộ có đăng ký nhưng không phát sinh thuế...

Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An

Tỷ lệ giải ngân thấp

Nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh các giải pháp điều hành, Chính phủ có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp.

Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được đánh giá là chính sách sử dụng ngân sách Nhà nước có quy mô lớn triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Chính sách này được thực hiện nhằm mục tiêu hỗ trợ tiết giảm chi phí vốn vay của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế.

Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc ở huyện Diễn Châu vay vốn chương trình hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thu Huyền

Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách khác.

Thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân, tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm lên tới 40.000 tỷ đồng của Chính phủ hiện rất thấp.

Qua hơn 4 tháng triển khai, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng; số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng mới đạt hơn 13,5 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt khoảng 0,03%, chưa như kỳ vọng.

Còn tại Nghệ An, đến cuối tháng 10/2022, triển khai Chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40.000 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là gần 809 tỷ đồng tại 6 chi nhánh ngân hàng thương mại. Theo phản ánh, ngân hàng không hào hứng và doanh nghiệp cũng không mặn mà dù cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh không nhỏ.

Chương trình hỗ trợ lãi suất lần này có quy mô lớn, triển khai trên toàn quốc, nhiều ngân hàng thương mại tham gia. Để thực hiện hiệu quả, tạo sức lan tỏa đến nền kinh tế, cùng với Ngân hàng Nhà nước cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các ngân hàng thương mại, khách hàng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ nhiệm vụ được giao tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, triển khai quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thiên tai.

Lũy kế từ ngày 13/3/2020 đến ngày 30/6/2022, các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 3.276 khách hàng với tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 4.347,6 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022, đã miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 183.575 khách hàng với tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm, hạ lãi suất là 116.987,8 tỷ đồng, số tiền lãi các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng đã miễn, giảm cho các khoản vay hiện hữu là 360,3 tỷ đồng.

Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022, đã cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch với doanh số đạt 211.020,4 tỷ đồng cho 141.647 lượt khách hàng

Thu Huyền