Người mang nặng ân tình Việt-Nga

Mỹ Nga 02/11/2022 10:24

(Baonghean.vn) - Trưởng thành từ những năm tháng được Đảng và Nhà nước cử đi đào tạo ở Liên Xô, sau nhiều năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Như Quý trở về, tích cực đóng góp cho nền khoa học công nghệ của nước nhà. Dù ở nơi đâu, làm gì, trái tim của nhà khoa học vẫn luôn hướng về quê hương xứ Nghệ.

Nặng nghĩa ân tình Việt - Nga

Câu chuyện của chúng tôi với PGS.TS Nguyễn Như Quý bắt đầu bằng tình yêu, niềm tự hào của ông đối với nơi “chôn rau cắt rốn". Ông được sinh ra tại làng Đại Định, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương (nay là xã Đại Đồng) - làng quê giàu truyền thống hiếu học. Vùng đất này nổi tiếng với dòng họ “tiến sĩ” Nguyễn Như với hàng chục tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ, cử nhân đang cố gắng hết mình góp sức dựng xây đất nước. Từ thuở thiếu thời, PGS.TS Nguyễn Như Quý đã vượt khó, luôn đặt đạo học lên hàng đầu, chinh phục đỉnh cao tri thức.

Vượt ra lũy tre làng Đại Đồng, tốt nghiệp cấp 3, Trường THPT Thanh Chương 1, PGS.TS Nguyễn Như Quý thi đỗ đại học và trở thành một thành viên trong lớp trí thức được cử đi đào tạo tại Liên Xô những năm 1970 - 1980. Ngày đó, được Nhà nước cử đi Liên Xô học là một niềm vinh dự vô cùng to lớn. Để được tuyển, các ứng cử viên phải trải qua kỳ thi tuyển hết sức khắt khe, thường là những người xuất sắc trong các kỳ thi lúc đó.

Các chú sắp được sang học ở Liên Xô, là nước có trình độ khoa học, kỹ thuật cao. Các chú sang đó học, nên học cái gì thiết thực, dân cần dùng

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và căn dặn lớp trí thức đầu tiên được Ðảng và Nhà nước cử sang Liên Xô học năm 1951
Rostov trên sông Đông được coi là thủ đô phương Nam của nước Nga, nằm cách bở biển Azov 46 km, đây là trung tâm công nghiệp và văn hóa lớn, là đầu mối giao thông, được mệnh danh là "cửa ngõ của vùng Kavkaz". Ảnh: Livejournal

Sang Liên Xô, tân sinh viên Nguyễn Như Quý được phân công học về xây dựng tại Khoa Công nghệ xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Rostov Sông Đông – 1 trong 3 trường chuyên ngành xây dựng nổi tiếng ở Nga. Với cậu tân sinh viên lúc ấy, xây dựng là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ, đầy bỡ ngỡ, bởi trong tâm trí cậu mới chỉ biết đến “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”. Những lo lắng đó sớm biến mất, bởi Trường Đại học Xây dựng Rostov đã cung cấp cho sinh viên một cách cơ bản về lý luận cũng như thực hành. Hệ thống lý luận của các trường Liên Xô nói chung và các trường xây dựng nói riêng rất phong phú.

Trường Đại học Xây dựng Quốc gia Rostov. Ảnh: Internet

PGS.TS Nguyễn Như Quý chia sẻ: “Ngày xách vali lên đường sang Liên Xô, tôi chưa từng nghĩ đó là sự khởi đầu của những chặng đường sau đó. Tôi đã được học tập, làm việc ở những phòng thí nghiệm lớn và với những giáo sư đầu ngành của Nga và thế giới về công trình, vật liệu. Đó là điều may mắn, song cũng là áp lực vô cùng lớn. May mắn vì tôi trưởng thành nhờ những điều học hỏi được từ những người thầy Liên Xô, từ nền tảng kiến thức, cách tư duy khoa học đến nhân cách, cách thức ứng xử, điều hành công tác quản lý. Còn áp lực bởi các thầy, cô luôn đòi hỏi rất cao và cực kỳ nghiêm khắc về chất lượng công việc. Điều đó không hề đơn giản”.

PGS.TS Nguyễn Như Quý tốt nghiệp Đại học Xây dựng Rostov Sông Đông, Liên bang Nga vào năm 1977; Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Khoa học vật liệu, Viện Công nghệ Ấn Độ, Bombay; Giảng viên thỉnh giảng, Viện Công nghệ Á Châu, Vương quốc Thái Lan; Nghiên cứu viên khoa học, Trường Tổng hợp kỹ thuật, Delft, Hà Lan. Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Như Quý đã gửi ra nước ngoài đào tạo hàng chục tiến sĩ và thạc sĩ tại các đại học hàng đầu ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Sự gắn bó, ân tình của thế hệ thầy, cô giáo Liên Xô đối với sinh viên Việt Nam là điều PGS.TS Nguyễn Như Quý không bao giờ quên. Ông kể: “Những năm 1971-1972, đất nước đang gồng mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Các sinh viên sang Liên Xô học tập khi đó tuổi đời còn rất trẻ. Trong hoàn cảnh đó, các sinh viên Việt Nam đã nhận được tình cảm đặc biệt của các thầy, cô giáo Liên Xô. Không những xem sinh viên là học trò mà còn như là những đứa con, chăm lo từ trên lớp lẫn ngoài giờ, lúc khỏe cho tới lúc ốm, chia sẻ chuyện vui lẫn chuyện buồn. Những tình cảm nồng hậu, gắn bó ấy luôn khắc ghi trong tim các thế hệ người Việt từng học tập ở Liên Xô”.

Cũng chính sự quan tâm, dìu dắt tận tình đó, cậu sinh viên luôn nhận điểm 5/5, bảng vàng thành tích của khoa luôn có tên Việt Nam Nguyễn Như Quý. Và tấm bằng “Отлично” (Xuất sắc) là trái ngọt cho những năm tháng rèn luyện, nghiên cứu, trau dồi kiến thức. Sau này, PGS.TS Nguyễn Như Quý có cơ hội được nghiên cứu và làm việc ở một số nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Hà Lan, Nhật Bản, nhưng với ông, được Đảng và Nhà nước cử đi học ở Liên Xô là một sự may mắn nhất – là nền tảng vững chắc cho những chặng đường phát triển sau này.

PGS.TS Nguyễn Như Quý tại lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi đảng. Ảnh: NVCC

Đóng góp xây dựng quê hương

Tốt nghiệp trở về nước sau những năm tháng tu luyện ở nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Như Quý được phân công tác tại Đại học Xây dựng, trở thành giảng viên cao cấp, trưởng bộ môn Công nghệ vật liệu.

Cơ duyên của PSG.TS Nguyễn Như Quý với quê hương xứ Nghệ, khi ngay trong giai đoạn đầu, ông được tham gia thẩm định kỹ thuật cho công trình Thủy điện Bản Vẽ - công trình thủy điện lớn nhất miền Trung. Đập Bản Vẽ được thi công bằng công nghệ đầm lăn - một công nghệ xây dựng đập trọng lực tiên tiến mới nhất được ứng dụng ở Việt Nam, và cũng là lĩnh vực mà PSG.TS Nguyễn Như Quý theo đuổi từ những năm 1994, và đặt nhiều “dấu chân” ở nhiều công trình lớn như Thủy điện Sơn La, đập Thủy điện Play Krong…

PGS.TS Nguyễn Như Quý là người đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu công nghệ đầm lăn, và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này. Đề tài về công nghệ bê tông đầm lăn là loại vật liệu mới mà sau này Việt Nam ứng dụng trong xây dựng đập Play Krong, đập Sơn La, đập Thủy điện Bản Vẽ. PGS.TS là tác giả của những cuốn sách chuyên ngành có giá trị như: Lý thuyết bê tông; Vật liệu cho công trình thủy; Vật liệu nhiệt…

Với kinh nghiệm thẩm định, đầu năm 2006, PGS.TS Nguyễn Như Quý được đề nghị giúp đỡ thiết kế và thi công bãi đắp thử cho Dự án đập Thủy điện Bản Vẽ, song song với phương án thiết kế của nhà thầu PECCI của Công ty Elinco Thụy Sỹ. Với tốc độ khẩn trương, sau một thời gian ngắn, bản thiết kế đã được hoàn thành. Một tổ kỹ sư được cử vào Thủy điện Bản vẽ để trực tiếp hướng dẫn thi công bê tông đầm lăn theo phương án của PGS.TS Nguyễn Như Quý. Chỉ mất vài ngày thử nghiệm, bước đầu cho kết quả khả quan. Kết quả chất lượng lớp rải bê tông đầm lăn của Đại học Xây dựng tốt hơn cả sự kỳ vọng. Chính vì vậy, phương án của PGS.TS Nguyễn Như Quý đã được lựa chọn cho thi công đập dâng.

PGS. TS Nguyễn Như Quý là người thiết kế và thi công bãi đắp thử cho Dự án đập Thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An - công trình thủy điện lớn nhất miền Trung, theo công nghệ bê tông đầm lăn. Ảnh: Mỹ Nga

Sau hơn 3 tháng thi công, trong cuộc hội thảo về công tác thi công bê tông đầm lăn đập Thủy điện Bản Vẽ tại Tổng Công ty Điện lực, một lần nữa trước hàng trăm chuyên gia trong và ngoài nước, trước các vị lãnh đạo của Chính phủ, bộ, ban, ngành, phương án bê tông đầm lăn được xướng tên bởi chất lượng thi công rất tốt. “Lúc đó cảm xúc của tôi sung sướng vô cùng. Tôi đã làm được một điều thật ý nghĩa để tri ân mảnh đất nơi tôi được sinh ra - mảnh đất nghèo khó rất đỗi thân thương - xứ Nghệ" - PGS.TS Nguyễn Như Quý chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Như Quý (thứ 3, phải sang) cùng các đồng nghiệp tại Khoa Vật liệu xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: NVCC

Mặc dù sống ở xa quê nhưng PGS.TS Nguyễn Như Quý vẫn luôn dành những tình cảm đặc biệt cho quê hương. Ông chia sẻ: “Nghệ An có “mỏ vàng của tri thức”. Tiềm năng của người Nghệ xa quê đóng góp cho quê hương là rất lớn. Nó không chỉ dừng lại ở việc thiện nguyện, mà còn ở những ý kiến đóng góp nhằm xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ai cũng muốn đóng góp, nhất là đội ngũ công nghệ khoa học. Dù làm gì ở đâu, luôn hướng về quê hương bằng cả trái tim. Với tôi, tri ân quê hương chưa bao giờ là đủ”.

Mỹ Nga