Đằng sau động thái của Mỹ khi cử các chuyên gia quân sự tới Ukraine
Tuần này, Lầu Năm Góc thông báo sẽ cử các chuyên gia tới Ukraine để kiểm tra các vũ khí do Mỹ cung cấp được Kiev sử dụng như thế nào trong cuộc xung đột với Nga.
Nhóm chuyên gia này là những thành viên quân sự đầu tiên của Mỹ ở Ukraine, bên cạnh các chuyên gia an ninh tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev.
Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ sẽ không đưa quân tới tham chiến ở Ukraine nhưng thông báo tuần này diễn ra trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng gia tăng, đặc biệt giữa các thành viên đảng Cộng hòa, về việc Ukraine tận dụng sự hỗ trợ quân sự của Mỹ như thế nào.
Lầu Năm Góc thông báo sẽ cử các chuyên gia vũ khí tới Ukraine để kiểm tra các vũ khí do Mỹ cung cấp được Kiev sử dụng như thế nào. Ảnh: The Hill |
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định với báo giới ngày 31/10 rằng, Lầu Năm Góc vẫn chưa thấy "bằng chứng đáng tin cậy về việc sử dụng sai lệch các vũ khí mà Mỹ cung cấp".
"Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rõ nguy cơ tiềm tàng của việc sử dụng trái phép các vũ khí này và chúng tôi đang chủ động tiến hành mọi động thái để ngăn cản điều đó xảy ra".
Lầu Năm Góc không thông báo có bao nhiêu chuyên gia vũ khí đang ở Ukraine hoặc địa điểm mà họ làm việc.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder ngày 1/11 cho biết, "các nhân viên sứ quán" sẽ "tránh xa bất kỳ hành động nào trên tiền tuyến".
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy đã có những phát ngôn gây chú ý vào tháng trước khi cho rằng đa số thành viên đảng Cộng hòa không tán thành việc đưa những "tờ séc trắng" cho Ukraine.
Ông Kevin McCarthy và các lãnh đạo khác trong đảng Cộng hòa giải thích đảng này không tìm cách thu hẹp sự ủng hộ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga mà thay vào đó muốn tăng cường sự giám sát đối với các gói hỗ trợ của Mỹ.
Mỹ đã cam kết cung cấp gần 20 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ tháng 1/2021, trong đó có các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa nhằm đối phó với các lực lượng của Nga, vốn có sức mạnh quân sự vượt trội hơn hẳn.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng cam kết duy trì sự hỗ trợ này cho tới khi cuộc xung đột đi đến hồi kết.
Việc kiểm tra các vũ khí được sử dụng ở Ukraine là một phần trong kế hoạch tổng thể mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào tuần trước nhằm ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích các vũ khí tiên tiến ở Ukraine. Kế hoạch này cũng cho biết việc Nga thu giữ vũ khí là nguyên nhân chính cho sự tổn thất vũ khí của Ukraine.
"Các cuộc chiến có thể mang đến cơ hội cho những kẻ buôn bán vũ khí bất hợp pháp và đôi khi tạo ra thị trường chợ đen buôn bán vũ khí kéo dài hàng thập kỷ", kế hoạch trên chỉ ra.
Để đối phó với rủi ro này, Mỹ cho biết sẽ hợp tác với Ukraine để bảo vệ các vũ khí này tốt hơn, xác định và điều tra các hoạt động buôn lậu vũ khí cũng như tăng cường giám sát biên giới Ukraine./.