ĐBQH Đoàn Nghệ An chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chế độ cho cán bộ không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố
(Baonghean.vn) - Đây là nội dung được đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề cập tại phiên chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ được tổ chức chiều 4/11 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh phiên chất vấn ngày 4/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho biết: Việc sáp nhập xã, thôn trong thời gian vừa qua đã giảm số lượng lớn, nhưng lại tăng quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Trong khi số lượng cán bộ giảm, khối lượng công việc lại tăng, nên tăng áp lực cho cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, chế độ phụ cấp cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách lại vẫn như trước khi chưa sáp nhập xã, thôn, tổ dân phố. Trong khi đó, việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh không thể tăng mức phụ cấp này do Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Nghị định số 34) đã quy định mức khoán quỹ cụ thể cho từng loại đơn vị cấp xã và thôn.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn. Ảnh: Quang Khánh |
“Trả lời kiến nghị của cử tri Nghệ An tại Công văn số 6538 ngày 20/12/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ghi nhận bất cập này để nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền xem xét”, đại biểu Thái Thị An Chung chất vấn: “Tôi đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào thì trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 34 và trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp gì để tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn?”.
Trả lời ý kiến của vị đại biểu đến từ Đoàn Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận đây là vấn đề nóng rất được cử tri quan tâm; chỉ tính riêng năm 2021, Bộ đã nhận được khoảng 100 kiến nghị của cử tri, từ các Đoàn ĐBQH, các cử tri liên quan đến vấn đề này.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Quang Khánh |
Đi vào nội dung cụ thể, Bộ trưởng cho biết: Hiện nay nước ta có 2 chế độ công vụ: Một chế độ công vụ ở cấp huyện trở lên và một chế độ công vụ cấp xã. Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã không có sự thay đổi lớn so với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, chỉ duy nhất khác nhau về ngạch.
“Tức là, đối với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được phân theo ngạch, còn đối với cán bộ, công chức cấp xã không tính theo ngạch, mà trả lương theo trình độ đào tạo”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh |
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cho biết, thời gian vừa qua khi thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã triển khai để tinh gọn đội ngũ cán bộ, công chức hướng tới chuyên nghiệp hơn; sau này có điều kiện xây dựng một chế độ công vụ chung.
Theo phân loại hành chính theo cấp xã, đội ngũ cán bộ, công chức xã loại I là 23 người, loại II là 21, loại III 19 người, đều tương ứng giảm 2 người so với Nghị định 92 khi chưa sửa đổi. Theo đó, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã cũng giảm đi, cùng với cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố cộng lại giảm gần 50%.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Hiện nay, ở nước ta đang khoán kinh phí hoạt động cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Nhưng ở xã chỉ có 8 đến 9 chức danh không chuyên trách; còn thôn, tổ dân phố chỉ có 3 chức danh là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác Mặt trận.
Các ĐBQH Đoàn Nghệ An tại phiên chất vấn chiều 4/11. Ảnh: Quang Khánh |
Người đứng đầu Bộ Nội vụ thừa nhận, quy định như trên theo Nghị định số 34, nhất là quy định số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho thấy bất cập trong thực tiễn. Những nơi có quy mô dân số lớn thì cán bộ không chuyên trách quá tải.
Ví dụ, ở nhiều nơi có quy mô dân số đơn vị hành chính cấp xã rất lớn, ví dụ ở TP. Hồ Chí Minh có những phường, xã quy mô dân số lên đến 130.000 dân, nhưng bên cạnh đó ở những tỉnh khác, có xã chỉ có khoảng 400 dân.
Vừa qua, Bộ đã nghiên cứu rất kỹ, đánh giá đầy đủ, toàn diện về Nghị định số 34 và cho thấy cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.
“Hiện nay, Bộ Nội vụ đã gửi lấy ý kiến lần 1 đối với 63 tỉnh, thành”, Bộ trưởng cho biết, đồng thời nhấn mạnh, sau kỳ họp Quốc hội này sẽ tiếp tục về nghiên cứu, rà soát, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng thông tin thêm, định hướng sửa đổi Nghị định số 34 là: Ngoài việc phân định số lượng cán bộ theo đơn vị hành chính, thì lại phải tính thêm quy mô dân số, nhất là những vùng đô thị hoặc biên giới, hải đảo; đồng thời, trên cơ sở nâng mức lương cơ sở mà Quốc hội đã quyết định tại kỳ họp lần này cũng sẽ có điều chỉnh mức khoán cao hơn đối với cán bộ không chuyên trách.
Các ĐBQH tại phiên chất vấn ngày 4/11. Ảnh: Quang Khánh |
Cùng với đó, Nghị định số 34 sửa đổi tới đây cũng sẽ được thực hiện theo hướng sẽ phân cấp cho các địa phương để căn cứ vào tổng số cán bộ, công chức ở cấp xã, cũng như cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố để các tỉnh, thành căn cứ vào nguồn ngân sách của địa phương có thể bố trí, đảm bảo được số lượng người làm việc.
“Chúng tôi xin hứa với các ĐBQH, đây là vấn đề có thể gọi rất là nóng vì được tiếp thu quá nhiều các kiến nghị của cử tri, cho nên chúng tôi sẽ làm nhanh nhất có thể để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định số 34”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định./.